Nữ thủ lĩnh tiêu biểu trong học tập, công tác Đoàn
Từ một cô bé nhút nhát khi còn ngồi trên ghế nhà trường, sau quá trình được học tập và rèn luyện trong môi trường Công an, chị đã trưởng thành và trở thành tấm gương sáng cho nhiều lớp trẻ noi theo.
Chị là Thiếu tá Trần Thị Lệ Xuân, Bí thư Đoàn Thanh niên Công an tỉnh Bình Phước, một trong hai mươi gương mặt thanh niên Công an xuất sắc, tiêu biểu được Bộ Công an vinh danh.
Sau kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 1999, chị nộp đơn tham gia dự thi và cùng lúc đỗ hai trường, Đại học CSND và Đại học Sư phạm Ngoại ngữ Huế.
Thiếu tá Trần Thị Lệ Xuân cùng đoàn công tác tặng xe đạp cho các em học sinh nghèo huyện Bù Đốp. |
Với Thiếu tá Trần Thị Lệ Xuân, ngôi trường Đại học CSND là mái nhà thứ hai, nơi chị gắn bó rất nhiều kỷ niệm, đã giúp chị mạnh mẽ, trưởng thành. Cũng trong thời gian theo học tại Đại học CSND, vì đam mê học Tiếng Anh, chị đã tham gia thi và theo học thêm tại Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, chuyên ngành ngữ văn Anh.
Năm 2004, chị xuất sắc tốt nghiệp cả hai trường và về nhận công tác tại Đội CSGT Công an TP Pleiku. Năm 2007, Thiếu tá Xuân chuyển công tác về Phòng CSGT Công an tỉnh Bình Phước.
Nhờ hoạt động đoàn sôi nổi từ khi còn đi học và trong thời gian công tác, năm 2012 chị được điều động về Phòng Công tác chính trị, nhận nhiệm vụ Phó Bí thư Đoàn thanh niên, rồi Bí thư Đoàn thanh niên Công an tỉnh Bình Phước.
Trên cương vị Thủ lĩnh đoàn, Thiếu tá Xuân đã cùng tập thể Ban chấp hành làm tốt công tác tham mưu, có nhiều sáng kiến, cải tiến trong công tác Đoàn như: Hướng trọng tâm công tác Đoàn bám sát công tác chuyên môn, thực hiện nhiệm vụ chính trị, triển khai đẩy mạnh công tác dân vận; xây dựng, kiến tạo các chương trình hoạt động Đoàn phong phú, nhiều hoạt động tình nguyện hướng về cơ sở, đặc biệt là các địa bàn vùng sâu, vùng xa…
Từ năm 2014 đến nay, Đoàn thanh niên Công an tỉnh đã xây dựng kế hoạch, tổ chức hơn 100 chương trình hoạt động cấp tỉnh, cấp Đoàn thanh niên Công an tỉnh.
Trong đó, hơn 40 chương trình hoạt động tình nguyện hướng về cơ sở, thực hiện công tác xã hội tình nguyện, giúp dân, chung tay cùng cộng đồng, xây dựng nông thôn mới, tiếp sức cho 95 em học sinh nghèo học giỏi với mức học bổng 200 – 500 nghìn đồng/tháng; trao tặng hơn 130 xe đạp, sửa chữa, xây dựng 46 căn nhà nhân ái, cùng với đó là rất nhiều hoạt động như xây sân trường học, nồi cháo yêu thương, ngày thứ 7 tình nguyện, chủ nhật xanh, tuyên truyền pháp luật, cấp chứng minh lưu động, hiến máu nhân dân… Tổng các chương trình trị giá gần 8 tỷ đồng.
Để phong trào lớn mạnh, lan tỏa và có sức hút cũng như sự đồng tình ủng hộ, xung kích, tình nguyện của đoàn viên thanh niên, theo Thiếu tá Xuân, phải làm tốt công tác giáo dục chính trị tư tưởng, đa dạng hóa các sân chơi rèn luyện kỹ năng cho đoàn viên thanh niên dưới nhiều hình thức như sinh hoạt chính trị, giao lưu, về nguồn, hội thi… phù hợp với tình hình thực tế, tâm tư, nguyện vọng của đoàn viên thanh niên.
Với những thành tích xuất sắc trong công tác chuyên môn, công tác đoàn thể, Thiếu tá Trần Thị Lệ Xuân đã được Bộ Công an, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Tổng cục Chính trị CAND… tặng thưởng rất nhiều Bằng khen, Giấy khen.
Đặc biệt, trong phong trào thi đua “Vì an ninh Tổ quốc” giai đoạn 2010-2015, Thiếu tá Trần Thị Lệ Xuân còn được Bộ trưởng Bộ Công an tặng Bằng Khen, tuyên dương là một trong 70 gương mặt điển hình tiên tiến toàn quốc trong lực lượng CAND…
Sáng tạo nhiều sân chơi cho học viên an ninh
Từng gặp và làm việc với Thượng uý Dương Xuân Khiêm, Bí thư Đoàn Thanh niên Học viện ANND trong nhiều sự kiện, hoạt động liên quan đến Học viện, công tác Đoàn, nhưng khi anh được tuyên dương và trao Giải thưởng Lý Tự Trọng thì tôi mới có cái nhìn đầy đủ hơn về một thủ lĩnh đoàn năng động, sáng tạo…
Giải thưởng Lý Tự Trọng là phần thưởng cao quý của Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh trao tặng Bí thư đoàn cấp huyện, Bí thư đoàn cấp cơ sở và đoàn viên tiêu biểu có thành tích xuất sắc trong học tập, lao động, công tác, trong công tác Đoàn và phong trào thanh thiếu nhi. Sẽ có 87 gương mặt được trao giải năm nay, trong đó có 11 đại biểu thuộc lực lượng vũ trang.
“Được là thủ lĩnh thanh niên ở một ngôi trường có truyền thống hơn 70 năm, là cái nôi đào tạo hàng đầu của lực lượng CAND, mình cảm thấy tự hào nhưng bên cạnh đó cũng ý thức được trách nhiệm nặng nề. Để hoạt động Đoàn tốt, mình luôn tìm cách đổi mới phương thức hoạt động trên cơ sở phát huy những hoạt động truyền thống, mang màu sắc của Học viện…” – Thượng uý Khiêm chia sẻ.
Từ khi còn là học sinh Trường THPT Chuyên Lê Hồng Phong, Nam Định, anh đã yêu thích công tác Đoàn, vừa làm lớp trưởng, vừa tích cực góp sức vào hội thi báo tường, nội san của trường.
Tình yêu với Đoàn cứ được nuôi dưỡng như thế, đến khi học tập tại ngôi trường Học viện ANND thì anh vừa là cán bộ lớp, vừa là cán bộ Đoàn, từng tham gia phụ trách Nội san “Dưới cờ truyền thống”, Kênh Phát thanh của Đoàn thanh niên nhà trường.
Năm 2011, anh tốt nghiệp Học viện ANND với danh hiệu “Học viên giỏi” toàn khoá, được phong hàm vượt cấp 1 năm.
Anh sau đó được giữ lại làm giảng viên Khoa nghiệp vụ An ninh xã hội, từng được luân chuyển 2 năm tại Tổng cục An ninh để học hỏi và tích luỹ thêm các kinh nghiệm thực tế.
Tham gia 4 đề tài khoa học cấp Bộ (3 đề tài đã được nghiệm thu đạt loại xuất sắc); chủ nhiệm 1 đề tài khoa học cấp cơ sở; chủ biên 1 tài liệu tham khảo cấp Học viện và viết 10 bài báo khoa học nghiệp vụ an ninh đăng trên tạp chí khoa học của ngành Công an là thành tích của Thượng uý Khiêm trong 2 năm làm giảng viên.
Quá trình luân chuyển công tác thực tế tại Tổng cục An ninh, anh đã trực tiếp tham gia 3 chuyên án, trong công tác có thành tích xuất sắc, được Bộ trưởng Bộ Công an tặng Bằng khen.
Từ cuối năm 2015, Thượng uý Dương Xuân Khiêm trở thành Bí thư Đoàn Thanh niên Học viện ANND – một bước ngoặt mới cho anh cơ hội toàn tâm toàn ý với công tác Đoàn và phong trào thanh niên.
Chia sẻ về những công trình tâm đắc, những sân chơi do anh sáng tạo và gìn giữ để đẩy mạnh phong trào Đoàn ở Học viện ANND, Thượng uý Dương Xuân Khiêm cho rằng, đó là các câu lạc bộ (CLB) có tác dụng ươm mầm các tài năng và tạo cho sinh viên tư duy làm việc nhóm, cách tổ chức sự kiện…
Thượng uý Dương Xuân Khiêm trao đổi công tác với các đoàn viên thanh niên Học viện. |
“CLB Truyền hình C500 do mình ấp ủ, cùng với sinh viên học viện thành lập, nhằm giáo dục chính trị tư tưởng cho đoàn viên sinh viên theo cách trực quan và sinh động nhất. Các thiết bị phục vụ cho CLB hầu hết do các bạn sinh viên tự trang bị”.
Được “mục sở thị” sản phẩm của CLB Truyền hình C500 tại Đại hội điểm Đoàn Thanh niên Học viện ANND nhiệm kỳ XXVII (ngày 10-3 vừa qua) chính là báo cáo chính trị hoàn toàn bằng clip phóng sự, chuyên nghiệp và hấp dẫn, tôi mới hiểu Thượng uý Khiêm và các thành viên đã dày công và tâm huyết như thế nào.
Nhiều cán bộ đoàn dự Đại hội hôm đấy đã tấm tắc không chỉ bởi sự đổi mới của hình thức tổ chức Đại hội, mà còn bởi một sản phẩm truyền hình đặc sắc “Made in C500”.
Được sự quan tâm của Ban Giám đốc Học viện cũng như những hiệu quả do CLB mang lại, giờ đây họ đã có phòng làm việc riêng, được đầu tư trang thiết bị. Tới đây, CLB sẽ xây dựng bản tin, clip tình huống nghiệp vụ học tập, phóng sự gương người tốt, việc tốt trong toàn học viện…
Anh cũng sáng tạo nên một số CLB phát huy được hiệu quả, phù hợp với tâm lý, nhu cầu của sinh viên, như CLB sinh viên nghiên cứu khoa học với 90 nhóm sinh viên dự thi, đạt giải cấp học viện, 1 giải Ba cấp Bộ Giáo dục và Đào tạo năm 2016; CLB dân vũ giành giải Nhất Liên hoan dân vũ quốc tế TP. Hà Nội; CLB tình nguyện C500 với hàng chục các chương trình thiện nguyện phân bố rải rác khắp các địa bàn, mang tình người, sức trẻ đến với bà con nhân dân vùng có hoàn cảnh khó khăn…
Các CLB truyền thống như nội san, phát thanh, sân khấu, kịch được thủ lĩnh Đoàn Học viện ANND duy trì và đổi mới cách thức hoạt động, tạo sân chơi đa dạng, phong phú, nhiều chọn lựa cho hơn 5.000 đoàn viên thanh niên…
Trung úy Công an và những “mẻ lưới” ma túy tính bằng… cân
Khá kiệm lời khi nói về những thành tích trên tuyến lửa phòng, chống ma túy mà mình có được trong thời gian qua, anh bảo, những thành tích ấy là của tập thể cán bộ chiến sĩ Cục CSĐT tội phạm về ma túy (Bộ Công an).
Anh là Trung úy Vũ Anh Đức, cán bộ Phòng 1, Cục CSĐT tội phạm về ma túy, một trong những gương thanh niên Công an tiêu biểu được Bộ Công an tuyên dương.
Tôi gặp anh vào một buổi tối ngày cuối tuần ở trụ sở Cục CSĐT tội phạm về ma túy. Anh chia sẻ với tôi về nghề của mình. Anh nói, tội phạm ma túy có những đặc thù riêng. Các đối tượng mua bán, vận chuyển trái phép chất ma túy luôn tỏ ra manh động và liều lĩnh.
Số đối tượng này cho rằng, nếu bị bắt giữ sẽ khó tránh khỏi sự nghiêm trị của pháp luật, nên sẵn sàng chống trả. Thậm chí, các đối tượng còn sử dụng vũ khí nóng hòng “một mất, một còn” với lực lượng chức năng.
Trung úy Vũ Anh Đức chuẩn bị công cụ, phương tiện hỗ trợ trước giờ tham gia đánh án ma túy. |
“Biết “nghề” đánh án ma túy nguy hiểm vậy, sao anh vẫn chọn và theo!”, nghe tôi hỏi vậy, anh cười. Anh bảo, từ nhỏ bản thân anh sớm có ước mong khi lớn lên, được vận trên mình bộ sắc phục CAND, tham giam đấu tranh, phòng chống tội phạm. Và giờ đây, ước mơ đó đã thành hiện thực.
Trò chuyện với anh trong gian phòng làm việc đơn sơ với vô số các phương tiện, công cụ hỗ trợ cho công tác đấu tranh, vây ráp tội phạm ma túy, tôi đã hiểu thêm được đặc thù công việc của anh.
Anh tâm sự, do tội phạm ma túy luôn diễn biến phức tạp cả về mức độ lẫn tính chất, nên có nhiều vụ, để thu thập thông tin, tư liệu cho việc đánh án, anh và đồng nghiệp phải “bám” địa bàn từ tháng này qua tháng khác. Và tất nhiên, “có công mài sắt, có ngày nên kim”, nhiều vụ án ma túy với số lượng khủng, tính bằng cân đã bị triệt phá, góp thêm yên bình cho cuộc sống người dân.
Một ngày đầu tháng 7-2015, nhận được tin báo về việc có một đường dây mua bán, vận chuyển trái phép chất ma túy liên tỉnh: Điện Biên – Hà Nội – Thái Nguyên – Bắc Kạn – Cao Bằng, Cục CSĐT tội phạm về ma túy phối hợp với các đơn vị chức năng đã xác lập kế hoạch đấu tranh.
Trung úy Vũ Anh Đức là một trong những cán bộ được giao nhiệm vụ rà soát thông tin, củng cố thêm tài liệu về đường dây này. Nhận nhiệm vụ, anh đã “nằm vùng” trên dọc tuyến hơn 2 tuần. Qua công tác bám địa bàn, anh đã cùng đồng nghiệp củng cố thêm được thông tin về thủ đoạn của các đối tượng.
Kế hoạch vây bắt đối tượng sau đó đã được xây dựng một cách chi tiết. Tối 8-7-2015, các trinh sát của Cục CSĐT tội phạm về ma túy cùng các lực lượng chức năng xác định có hai đối tượng nghi vấn ở trọ trên đường Giải Phóng (quận Hoàng Mai – Hà Nội). Các đối tượng hoàn toàn phù hợp với những gì mà các trinh sát phòng chống ma túy thu thập được trước đó.
6h, ngày 9-7-2015, khi hai đối tượng là Đinh Đức Thịnh, 30 tuổi ở thị xã Phổ Yên (Thái Nguyên) và Bùi Hoàng Việt Hà, 32 tuổi ở huyện Tam Đường (Lai Châu) đang nhận, vận chuyển một chiếc bao tải dứa, Tổ công tác đã tiến hành kiểm tra hành chính.
Qua kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện bên trong chiếc bao tải dứa trên có 30 bánh bột nghi là ma túy (sau xác định là heroin). Mở rộng điều tra, cơ quan CSĐT – Bộ Công an đã ra lệnh bắt khẩn cấp đối với Hoàng Thị Phượng, 40 tuổi ở huyện Sa Pa (Lào Cai) vì có liên quan đến đường dây mua bán, vận chuyển trái phép chất ma túy trên.
Đột xuất xách ba lô lên đường; đang đêm, nhận lệnh, lập tức có mặt tại điểm đánh án…dường như đã trở thành chuyện cơm bữa với anh cũng như đồng nghiệp đang công tác tại Cục CSĐT tội phạm về ma túy.
Một trong những kỷ niệm khó quên của anh có lẽ là lần cất “mẻ lưới”, thu giữ 13kg ma túy tổng hợp tại thành phố Hải Phòng cách đây không lâu. T
ờ mờ sáng ngày 17-8-2014, chuông điện thoại bỗng đổ liên hồi, từ đầu dây bên kia, Đại tá Hà Thị Thư, Trưởng phòng 1 chỉ đạo: “Đức lên cơ quan gấp!”. Không chút chậm trễ, chưa đầy 10 phút sau, anh đã có mặt tại trụ sở.
Nhiệm vụ của anh hôm nay là bám sát mọi di biến đối tượng nữ (sau xác định là Lê Thị Thục, 43 tuổi, ở quận Hải An, Hải Phòng) có biểu hiện mua bán, vận chuyển trái phép chất ma túy đang di chuyển từ khu vực biên giới thuộc tỉnh Lạng Sơn về Hà Nội bằng xe khách.
Mọi thông tin về hướng di chuyển của đối tượng nhanh chóng được anh báo tới lực lượng phá án. 12h30, ngày 17-8-2014, khi đối tượng đến khu vực thuộc quận Hồng Bàng, TP Hải Phòng, Tổ công tác của Cục CSĐT tội phạm về ma túy, Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển và Công an TP Hải Phòng đã bắt quả tang Thục cùng hai đối tượng gồm: Đào Trường Thọ, 28 tuổi, ở quận Hải An và Nguyễn Ngọc Hùng, 41 tuổi ở quận Lê Chân (Hải Phòng) đang có hành vi mua bán, vận chuyển trái phép chất ma túy.
Tang vật thu giữ gồm 11 túi nilon chứa 13kg ma túy tổng hợp (5kg ma túy “đá” và 8kg ma túy tổng hợp dạng các viên nén) được cất giữ trong chiếc túi du lịch.
“Trong số các đối tượng bị bắt giữ, có Nguyễn Ngọc Hùng là đối tượng đặc biệt nguy hiểm đang bị cơ quan chức năng truy nã về tội mua bán trái phép chất ma túy”, Trung úy Vũ Anh Đức tiếp lời.
Tiếp xúc với anh, tôi còn được hay, bên cạnh công tác chuyên môn, anh còn là một cán bộ Đoàn năng động.
Là Ủy viên Ban Chấp hành Đoàn Thanh niên của Cục CSĐT tội phạm về ma túy. Thời gian qua, anh đã được nhận nhiều Bằng khen, Giấy khen do các cấp trao tặng. Đặc biệt vào năm 2016, anh còn vinh dự được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen vì có thành tích xuất sắc trong chiến đấu và phục vụ chiến đấu, góp phần vào sự nghiệp xây dựng Chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc.
Nữ Thượng úy có duyên với các cuộc thi
Tôi gặp Thượng úy Vũ Thị Thanh Hiền, Phó Đội trưởng, Đội Hồ sơ nghiệp vụ Cảnh sát, Phòng Hồ sơ - Công an tỉnh Hà Nam trong một ngày tháng ba, trời lất phất mưa xuân. Khi tôi đến, chị vẫn đang bộn bề công việc bên chồng hồ sơ do các đơn vị nghiệp vụ chuyển đến...
Nhìn bề ngoài, sẽ không ít người lầm tưởng công tác hồ sơ chỉ đơn thuần là giải quyết các thủ tục hành chính như tiếp nhận, đăng ký, quản lý hồ sơ lưu trữ, sắp xếp cho khoa học, hay tra cứu theo yêu cầu của các đơn vị nghiệp vụ... Nhưng khi được chứng kiến công việc bận rộn của chị và đồng đội thì những suy nghĩ ấy trong tôi đã dần thay đổi.
Theo sự quan sát của tôi, ngoài những chồng hồ sơ còn mới thì những tập hồ sơ cũ nát, ố vàng phải bảo quản bằng hóa chất chống mối mọt rất độc hại, thế nhưng, chị Vũ Thị Thanh Hiền và các đồng đội vẫn cần mẫn, miệt mài, tỉ mỉ khai thác những thông tin có ý nghĩa quan trọng, phục vụ yêu cầu nghiệp vụ của lực lượng điều tra.
Thượng úy Vũ Thị Thanh Hiền đang miệt mài tra cứu hồ sơ. |
Gần 10 năm gắn bó với công tác hồ sơ nên chị thấu hiểu được giá trị của những tập hồ sơ đã ố vàng theo thời gian, những con chữ dần nhòe đi nhưng giá trị thông tin trong đó thì vô cùng quý giá.
Do đó, chị và đồng đội luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm, tận tụy với công việc. Hàng ngày chị phải tẩn mẩn sắp xếp, phân loại sao cho thật khoa học, dễ tìm, khi có yêu cầu tra cứu là đáp ứng được. Nhớ lại vào tháng 7-2016, tại phường Thanh Châu, thành phố Phủ
Lý đã xảy ra vụ án đối tượng dùng súng bắn chết Giám đốc doanh nghiệp. Nạn nhân là người có quan hệ rộng và phức tạp nên số người tình nghi rất nhiều. Trước diễn biến phức tạp của vụ trọng án, đơn vị nhận lệnh của cấp trên cần tra cứu khẩn về trường hợp nạn nhân và các đối tượng nghi vấn trên địa bàn.
Được phân công tham gia trực tiếp, chị cùng đồng đội làm thêm giờ, cả thứ bảy, chủ nhật và giữa đêm khuya khi có manh mối điều tra của Ban chuyên án...
Kết quả trong thời gian ngắn, chị và đồng đội đã tra cứu, cung cấp đầy đủ thông tin về lai lịch, ảnh, đặc điểm nhân dạng các đối tượng nghi vấn, giúp lực lượng phá án sàng lọc, xác định đối tượng gây án và phục vụ kịp thời lực lượng điều tra khám phá, bắt 3 đối tượng về quy án.
Câu chuyện của chúng tôi luôn bị ngắt quãng bởi các đơn vị đến liên hệ tra cứu. Chị cười bảo: làm việc trong lĩnh vực này phải thực sự yêu ngành, mến nghề, tỉ mỉ, linh hoạt, sáng tạo mới hoàn thành tốt nhiệm vụ cấp trên giao và mỗi khi chuyên án được khám phá thành công, bắt được các đối tượng đưa ra ánh sáng pháp luật, trả lại sự bình yên cho nhân dân thì nguồn cổ vũ động viên đối với chị và đồng đội lại vui lên gấp bội lần.
Là một phụ nữ đảm đang, công việc có bộn bề đến mấy, nhưng chị vẫn luôn sắp xếp chu đáo, chăm lo vẹn toàn cho mái ấm gia đình hạnh phúc. Không chỉ tích cực, năng động, có trách nhiệm trong công tác chuyên môn mà trong các hoạt động của hội phụ nữ, chị cũng luôn gương mẫu, đi đầu.
Năm 2015, chị tham gia cuộc thi viết “Cán bộ hồ sơ giỏi” do Cục Hồ sơ nghiệp vụ Cảnh sát tổ chức, chị đã đạt giải Nhất toàn quốc; năm 2016 đạt giải Ba viết bài cuộc thi tìm hiểu 70 năm truyền thống lực lượng An ninh nhân dân do Công an tỉnh tổ chức.
Tác giả: Xuân Trường - Quỳnh Vinh - Thúy Vân - Lê Phượng
Nguồn tin: http://cand.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn