Nữ quản giáo ở khu biệt giam

Thứ hai - 12/11/2018 08:33
Lần đầu gặp Bàn Thị Huệ, nếu không có bộ cảnh phục, tôi không nghĩ cô gái mảnh khảnh, khuôn mặt nhân hậu ngồi trước mặt mình là một quản giáo, mà lại đang quản lý tới hơn 20 phạm nhân, trong số ấy có cả những phạm nhân đã nhận án tử hình đang chờ thi hành án.


Tốt nghiệp loại giỏi Trường Trung cấp Cảnh sát nhân dân 1, Bàn Thị Huệ được thăng cấp trước niên hạn. Nhận quyết định về công tác ở Công an tỉnh Hòa Bình, Huệ tình nguyện về Trại tạm giam Công an tỉnh công tác. Ngày ấy, biết con gái nhận công tác ở Trại tạm giam, gia đình cô ai cũng lo vì biết công việc ấy không nhẹ nhàng chút nào, nhưng thấy con gái kiên quyết nên đành chịu.

Có vào Trại tạm giam mới thấy công việc của cán bộ quản giáo vất vả thế nào, bởi ở đây ngoài những bị can đang trong giai đoạn điều tra, phạm nhân đã có án thì còn có những phạm nhân đã nhận án tử hình chờ ngày thi hành án. Công việc của cán bộ quản giáo là quản lý, giáo dục, cảm hóa người bị tạm giam, bị can, phạm nhân. 

Trong môi trường làm việc nhiều áp lực, nhất là khi phải tiếp xúc với những phạm nhân lĩnh án tử hình thường có thái độ không hợp tác. Nếu không kiên nhẫn, không có bản lĩnh thì khó có thể hoàn thành tốt nhiệm vụ. Thêm vào đó, có đối tượng bị nhiễm HIV, bệnh hiểm nghèo nên việc tiếp xúc rất nguy hiểm. Nhưng dù trong điều kiện làm việc vất vả, khó khăn do đặc thù công việc, những lúc bị can, phạm nhân nữ đau ốm… nữ quản giáo phải trực tại bệnh viện rồi trực đêm tại đơn vị.

Nữ quản giáo ở khu biệt giam
Thiếu úy Bàn Thị Huệ trò chuyện với phạm nhân.

Việc quản lý phạm nhân, nhất là với những phạm nhân đã lĩnh án tử hình là việc không đơn giản. Bởi dù ở ngoài có thể là kẻ phạm tội rất lạnh lùng, nhưng khi nhận án tử hình và sống trong ngày chờ thi hành án, họ luôn luôn cảm thấy bất an, thoắt vui rồi lại buồn, thoắt cười rồi lại khóc. 

Với tử tù nữ, trong những ngày cuối cùng, họ càng hoảng loạn hơn. Khi cái chết càng tới gần, họ càng trở nên yếu đuối hơn, mong manh hơn, nhạy cảm hơn. Đến mức, ngay cả những điều rất bình thường cũng trở thành linh cảm sợ hãi trong họ, rồi vì nó mà họ hoảng loạn vô cớ. 

Vì thế, công tác quản lý giáo dục họ trở nên gian nan. Những quản giáo nữ như chị Huệ phải thường xuyên xuống buồng giam, trò chuyện, an ủi mỗi khi họ cảm thấy bất an, chăm sóc họ mỗi khi họ đau ốm.

Bàn Thị Huệ kể rằng trong số những phạm nhân đã từng quản lý, chị vẫn nhớ trường hợp tử tù Nguyễn Thị Lợi ở huyện Phổ Yên, tỉnh Thái Nguyên. Bị bắt khi vận chuyển trái phép 20 bánh hêrôin. Mặc dù biết trước kết cục song khi Tòa tuyên án tử hình, Lợi suy sụp hoàn toàn, không ăn uống, đêm hầu như thức trắng, thoắt vui rồi lại buồn, nếp ấy đến giờ vẫn chưa thay đổi.

Huệ kể trong những lần gặp gỡ, tiếp xúc tâm sự với nữ tử tù này, chị chủ động tìm hiểu suy nghĩ của phạm nhân để biết người ấy đang nghĩ gì, đang trăn trở điều gì để tác động hợp lý. Với phạm nhân Lợi, chị phát hiện một điều quan trọng là luôn rất thương mẹ.

Nắm được hoàn cảnh của tử tù, Bàn Thị Huệ thường xuyên có mặt để động viên, giúp Lợi ổn định tinh thần, tránh hoang mang dẫn đến tiêu cực, ảnh hưởng tới sức khỏe. Trước đây, do đi lao động tại các bãi vàng nên Lợi bị nhiễm độc, tóc rụng dần. Sức khỏe suy yếu, lại trong hoàn cảnh éo le này nên Lợi suy sụp, ốm suốt. 

Những lúc ấy, người thường xuyên gần gũi nhất chính là nữ quản giáo. Những khi ốm đau, quản giáo nhiều khi phải trở thành người chia sẻ với họ, đôi khi chỉ những lời hỏi thăm chân thành hay môt cử chỉ chăm sóc thôi có tác dụng rất lớn. Nhờ sự gần gũi của quản giáo mà Lợi dần ổn định, chấp hành quy định của trại.

Chính đức tính nhân hậu, vị tha của nữ quản giáo đã làm thu hẹp ranh giới giữa quản giáo và tử tù. Dần dần, Lợi thường chia sẻ niềm vui, nỗi buồn… Đêm trước khi “trả án”, Lợi đã dành những lời cuối cùng để cảm ơn quản giáo Huệ. 

Với phạm nhân Đinh Thị Phương, 46 tuổi ở Lộc Hòa, TP. Nam Định, lại là câu chuyện hoàn toàn khác. Phương bị bắt khi tham gia vận chuyển 22 bánh hêrôin đi tiêu thụ. Bản án tử hình đã khiến Phương sụp đổ hoàn toàn.

Chị Huệ kể rằng thời gian ấy, việc quản lý Đinh Thị Phương rất vất vả. Sau những ngày lo sợ, viết đơn xin ân xá, Phương lại thay tính đổi nết lúc nào cũng chỉ nghĩ tới cái chết, vì thế chị ta còn đề xuất được viết thư, gửi các cấp có thẩm quyền “xin chết” càng sớm càng tốt. Vậy là quản giáo lại phải vào động viên để Phương có hy vọng sẽ được ân xá mà không nghĩ quẩn. Có lần, ngồi nói chuyện với quản giáo Huệ, Phương chỉ nhắc tới đứa con nhỏ rồi khóc.

Nữ quản giáo ở khu biệt giam - Ảnh minh hoạ 2
Thiếu úy Bàn Thị Huệ hướng dẫn phạm nhân lao động.

Nắm bắt tâm lý tiêu cực của tử tù, quản giáo Huệ gần gũi, chia sẻ, động viên, chăm sóc cho Phương những lúc chị ta bị đau ốm. Tình cảm của nữ quản giáo đã giúp Phương có thêm động lực để hy vọng sẽ được sống. 

Và rồi đúng dịp Tết Nguyên đán Bính Thân năm 2016, Đinh Thị Phương nhận được tin Chủ tịch nước đã quyết định ân xá giảm án xuống tù chung thân. Phương như từ cõi chết trở về, trở nên vui vẻ, hòa đồng với mọi người xung quanh. 

Cán bộ quản giáo thường gần gũi lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của phạm nhân để động viên tư tưởng, giúp họ có niềm tin, nghị lực để cải tạo thật tốt. Cuộc sống ai cũng có sai lầm, quan trọng hơn là phải biết đứng dậy, sửa chữa sai lầm để trở thành người có ích.

Trong công việc, tiếp xúc với nhiều mảnh đời, nhiều nữ phạm nhân lầm lỗi, chị Huệ bảo rằng với công việc đặc thù này phải rất linh hoạt trong xử lý tình huống, nhiều khi vừa phải nghiêm khắc, nhưng có những lúc phải trở thành chuyên gia tâm lý để động viên, chia sẻ với phạm nhân. Bởi dù là tử tù thì họ vẫn là những con người, vẫn có nhu cầu được tâm sự, được chia sẻ, mà ở trong trại giam thì họ chỉ biết chia sẻ với quản giáo thôi. Vì thế những lúc ấy, quản giáo phải thực sự là người biết lắng nghe và chia sẻ. Đôi khi những lời động viên đúng lúc, những lời hỏi thăm chân tình sẽ giúp họ bình tâm hơn những lời giáo huấn.

Thượng tá Mạc Đức Đán - Phó Giám thị Trại tạm giam Công an tỉnh Hòa Bình nhận xét: Thiếu úy Bàn Thị Huệ trực tiếp quản lý, giáo dục trên 20 phạm nhân, trong đó có 5 nữ phạm nhân. Mặc dù nhiệm vụ khó khăn, vất vả song Huệ rất nỗ lực, cố gắng để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Trong công việc đồng chí không nề hà bất kỳ việc gì, không so sánh thiệt hơn với các đồng nghiệp nam. 

Thiếu uý Bàn Thị Huệ liên tục được công nhận là Chiến sỹ thi đua cơ sở, năm 2018 chị được Chủ tịch UBND tỉnh Hoà Bình tặng Bằng khen trong phong trào “CAND học tập, thực hiện 6 điều Bác Hồ dạy”, là nữ cán bộ tiêu biểu của Công an tỉnh Hoà Bình.

Phải đối mặt với công việc đầy khó khăn, gian khổ hẳn không dễ dàng đối với một cô gái tuổi 23. Chị may mắn vì có người chồng cũng chính là đồng nghiệp của chị, luôn ủng hộ, động viên chị trong công việc và cuộc sống. Dẫu biết rằng, nhiệm vụ trước mặt rất khó khăn, nặng nề song như chị chia sẻ: “Hạnh phúc lớn nhất là thấy phạm nhân do mình cải tạo trở thành người có ích cho xã hội và cộng đồng”.

Hoàn Việt

Nguồn tin: http://cstc.cand.com.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây