“Những ngày qua, nghe tin Anh hùng LLVTND Phan Văn Điền (Mười Thương) qua đời, nhiều người bày tỏ tiếc thương. Tôi may mắn được nhiều lần tiếp xúc với ông trong các chuyến công tác của đơn vị và thật khó quên những kỷ niệm về người anh hùng rất giản dị, hiền hòa này. Đối với những người thuộc thế hệ trẻ CAND như chúng tôi chỉ được biết về ông sau những lần sinh hoạt truyền thống cách mạng. Những lúc ấy, ông thường kể về quá trình tham gia cách mạng và nhiệm vụ ám sát Tổng thống VNCH Ngô Đình Diệm; về những kỷ niệm của một thời chiến đấu ác liệt nhưng cũng rất đỗi tự hào”, Đại úy Trương Minh Nhật, cán bộ Phòng Công tác Đảng và Công tác chính trị, Công an Tây Ninh, xúc động chia sẻ.
Anh hùng LLVTND Mười Thương. |
21 tuổi, ông đã trở thành người chiến sĩ an ninh đầy bản lĩnh và can trường. 22 tuổi, ông xung phong nhận nhiệm vụ ám sát Tổng thống VNCH Ngô Đình Diệm. Sau khi bị địch bắt, suốt gần 10 năm sống trong hệ thống nhà tù Mỹ - Diệm, với tất cả những thủ đoạn nhục hình, tra khảo man rợ nhưng kết quả chúng chỉ nhận được ở ông Mười Thương là sự im lặng.
Ông Mười Thương từng kể: Vào tháng 8/1948, trong vai “cậu bé chăn trâu”, được Ban Quân báo tỉnh Bà Rịa giao nhiệm vụ vào liên lạc với Thiếu uý Phạm Ngọc Chẩn, Đồn trưởng Đồn Cao Đài, để nắm tình hình và vẽ sơ đồ phục vụ cho kế hoạch tấn công của ta. Sau gần 2 tháng lăn lộn, khi công việc vừa hoàn thành thì bị bắt đưa về Tây Ninh.
Nhờ sự can thiệp của Trung tá Phạm Ngọc Trấn, Tư lệnh quân đội Cao Đài Miền Tây (anh ruột Thiếu uý Chẩn) nên ông được ra tù và tiếp tục hoạt động. Đến giữa năm 1953, địch theo dõi quá khắt khe nên ông được rút ra căn cứ hoạt động. Từ đây, ông được mọi người gọi với cái tên thân mật Mười Thương.
Được Mỹ dựng lên nắm quyền, Tổng thống Diệm lúc bấy giờ ngày càng bộc lộ bản chất phản động liên tục cho quân đi lùng sục Cộng sản, chém giết đồng bào một cách vô cùng man rợ. Thời gian này, Ban địch tình Tây Ninh đã bố trí lực lượng theo dõi hoạt động của Diệm, nhất là các cuộc Diệm đi “kinh lý” địa phương để tìm cơ hội tiêu diệt.
Sau 2 lần lập kế hoạch ám sát Diệm bất thành, đến tháng 2/1957, báo chí ở Sài Gòn đưa tin Diệm sẽ tới dự, đọc diễn văn và cắt băng khai mạc Hội chợ kinh tế Cao Nguyên ở Ban Mê Thuột (Đắk Lắk) vào ngày 22/2/1957. Mười Thương một lần nữa lại báo cáo, xin được tiếp tục hoàn thành công việc hiện còn dang dở ám sát Ngô Đình Diệm.
Khoảnh khắc ông Mười Thương bị bắt giữ sau phát súng bắn hụt Ngô Đình Diệm năm 1957. |
Vượt hàng trăm kilômét đường bộ, qua mắt nhiều tầng nấc kiểm soát gắt gao của đồn bót địch, Mười Thương tìm tới Ban Mê Thuột để bí mật điều tra trước địa bàn. Tuy lực lượng bảo vệ Ngô Đình Diệm là một mạng lưới dày đặc, gồm cả quân đội, cảnh sát, tình báo, an ninh và bảo an, ở cả bên trong lẫn bên ngoài hội chợ. Nhưng với con mắt tinh tường, Mười Thương đã phát hiện được 2 lỗ hổng nhỏ ở khu vực hàng rào giáp với Trung đoàn 60 mà có thể bí mật lọt vô.
Ngày 15/2/1957, ông Mười Thương trở về căn cứ ở ấp Rỗng Tượng, xã Thanh Phước, huyện Gò Dầu báo cáo và xin ý kiến về phương án đã định. Ngày 22/3/1957, ông Mười Thương đến Hội chợ với giấy thông hành mang tên Hà Minh Trí. Súng đã lên đạn, được giấu trong người, bên ngoài mặc chiếc áo dài để ngụy trang, ông trà trộn vào dòng người rảo bước đến hội chợ. Lựa lúc bọn lính hướng mắt về phía đoàn Tổng thống, Mười Thương mau lẹ vượt qua lỗ hổng hàng rào bảo vệ đã phát hiện trước đó và tiến đến vị trí thuận lợi nhất để hành động.
Khi Ngô Đình Diệm vừa bước lên lễ đài, Mười Thương rút súng và bóp cò. Nhưng đúng lúc đó Bộ trưởng nông nghiệp đứng bên, xoay người về phía Diệm nên trúng đạn bị thương nặng. Mười Thương tiếp tục bóp cò nhưng súng kẹt đạn không nổ, tất cả trở nên hỗn loạn, một đám ùa về phía Diệm tạo vòng vây giải cứu; một nhóm nhanh chóng bắt giữ Mười Thương. Sau đó, ông bị kết án tử hình và đày ra Côn Đảo. Ngày 10/3/1965, ông được thả tự do sau khi chính quyền Ngô Đình Diệm bị đảo chính, lật đổ.
Hình ảnh về người chiến sĩ cách mạng gan dạ, dũng cảm của Mười Thương sau này được xây dựng thành phim, là nguyên mẫu của nhân vật trung tâm trong tập 3 với tựa “Phát súng trên cao nguyên” của bộ phim nổi tiếng “Ván bài lật ngửa”.
Đến tháng 4/1965, ông được bố trí công tác ở Ban An ninh Sài Gòn - Gia Định. Tháng 2/1967, trên đường đi công tác từ Tây Ninh ra Ban An ninh Sài Gòn - Gia Định, khi đến địa phận huyện Củ Chi, ông bị thương, buộc phải cưa bỏ một chân từ đầu gối xuống.
Sau ngày đất nước thống nhất, từ tháng 11/1980 đến 1986, ông làm Trưởng phòng Nghiên cứu tổng hợp, Ty Công an Tây Ninh (nay là Phòng Tham mưu, Công an Tây Ninh). Ông được phong hàm Đại tá. Từ năm 1986, ông làm Bí thư Đảng ủy Khối xây dựng lực lượng Công an tỉnh Tây Ninh. Tháng 2-1989 đến năm 1998, ông làm Phó trưởng Ban dân vận Tỉnh ủy, kiêm Trưởng ban Tôn giáo tỉnh.
Ông Nguyễn Quốc Việt kể lại: Thời ông Điền làm Trưởng Ban Tôn giáo tỉnh là một giai đoạn có rất nhiều kỷ niệm tốt đẹp. Ông vẫn thường căn dặn cán bộ của mình phải nhớ câu: “Công tác tôn giáo phải lấy vận động quần chúng làm đầu. Mà muốn vận động hiệu quả phải chân thành, học hỏi để hiểu biết sâu từng tôn giáo”. Nhờ vậy, cán bộ quản lý tôn giáo ai cũng phải chịu khó nghiên cứu chuyên sâu, hiểu và nắm bắt nguyện vọng của chức sắc, tín đồ, giải quyết nhanh mọi yêu cầu chính đáng và hợp pháp.
Năm 1999, ông được nghỉ hưu, về sống cùng gia đình ở phường 1, TP Tây Ninh. Năm 2005, Mười Thương được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND.
Anh hùng Mười Thương đã ra đi về cõi vĩnh hằng nhưng những hình ảnh về người cán bộ an ninh dũng cảm, mưu trí luôn tỏa sáng. Cái tên Mười Thương, người anh hùng rất giản dị, hiền hòa nhưng gan dạ, dũng cảm luôn được nhiều người nhớ đến.
Tác giả: N.Minh - Đ.Mừng
Nguồn tin: http://cand.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn