Ký ức của chàng trai đất Bắc
Dù là ngày cuối tuần nhưng Ðại tá Phạm Minh Thắng vẫn lặn lội với một chuyến công tác về huyện. Cuối giờ chiều, chúng tôi mới có dịp gặp anh trong căn phòng làm việc ngập tràn hoa và những vần thơ.
Một không gian hoàn toàn đối lập với những câu chuyện chúng tôi đang trao đổi về những trận chiến đấu “vào sinh ra tử” của người chiến sỹ Công an, những băn khoăn về tội phạm nơi vùng đất Tây Nguyên. Nhưng sau khi trò chuyện với anh, chúng tôi hiểu rằng, anh đã tạo được không gian để cân bằng giữa công việc và tâm hồn, để giữ cho mình có “một trái tim nóng và cái đầu lạnh” của một người chỉ huy.
Trong câu chuyện với chúng tôi, ký ức lại đưa anh về với những tháng ngày xa xưa, về vùng quê của anh ở huyện Bình Giang, tỉnh Hải Dương. Năm 1984, tốt nghiệp Ðại học Cảnh sát ra trường, chàng trai đất Bắc ấy được phân công công tác về Công an tỉnh Ðắk Lắk.
Ðến bây giờ, với nhiều người, vùng đất Tây Nguyên vẫn còn rất xa xôi, thế mà ngày ấy, mới hơn 20 tuổi, anh đã rời xa quê để vào nhận công tác ở một nơi cách xa nhà cả hàng ngàn cây số. Nhưng với sự hào hứng của tuổi trẻ, anh đã tạm biệt gia đình, đi tàu vào Ðắk Lăk với tinh thần “đi bất cứ đâu, làm bất cứ việc gì” mà đất nước và lực lượng CAND yêu cầu.
Năm1989, sau 5 năm ra trường, duyên nợ đã gắn bó anh với một cô gái cùng quê gốc Bắc ở mảnh đất Tây Nguyên đầy nắng và gió này. Hơn một năm sau, khi vợ vừa sinh con đầu được 8 tháng, anh được phân công về làm Phó Công an huyện Krông Nô, một địa bàn xa, dân cư còn thưa thớt, chưa có điện và việc ăn ở, đi lại rất khó khăn. Anh quyết tâm xách ba lô lên đường, dù 2 tuần anh mới được về thăm nhà một lần và quãng đường từ thành phố xuống huyện rất dài và trắc trở, khó đi.
Việc ăn ở cũng vậy, “có lần xuống, anh em dọn ra mâm cơm nhưng thức ăn chỉ có đu đủ luộc và muối trắng. Thấy anh ngồi xuống ăn như bình thường, các đồng chí ở đây nói, nếu anh ăn được như vậy thì anh ở được đất này”- anh Thắng kể lại.
Với quyết tâm xây dựng đơn vị, anh đã không ngại khó, ngại khổ, cùng với các cán bộ chiến sỹ ở đây vượt qua mọi khó khăn, đoàn kết nội bộ, đảm bảo tốt công tác an ninh trật tự, vận động bà con làm theo các chủ trương của Ðảng, Nhà nước. “Mưa dầm thấm đất”, các anh đã gây dựng được niềm tin với cấp ủy, chính quyền, trở thành những người con của nhân dân.
Ðại tá Phạm Minh Thắng còn kinh qua nhiều vị trí như Giám thị trại tạm giam, Trưởng phòng Cảnh sát điều tra, Trưởng phòng Cảnh sát Kinh tế, Trưởng phòng Tham mưu. Tháng 10-2014, anh được bổ nhiệm giữ chức Phó Giám đốc Công an tỉnh Ðắk Lắk.
Dấu ấn người chỉ huy
Trong những vụ án mà các đơn vị nghiệp vụ của Công an tỉnh Ðắk Lắk khám phá trong thời gian qua, đã in đậm dấu ấn của Ðại tá Phạm Minh Thắng, một người chỉ huy quả cảm, dám làm, dám chịu trách nhiệm, giỏi nghiệp vụ và luôn sát cánh với những người lính của mình.
Khi xảy ra những vụ án đặc biệt nghiêm trọng, dù nơi xảy ra cách thành phố gần trăm km, nhưng bao giờ anh Thắng cũng trực tiếp xuống hiện trường. Bởi “có xuống hiện trường mới nắm và hiểu rõ được hết các tình tiết, từ đó mình mới nhận định được đúng hướng điều tra và chỉ đạo anh em điều tra, khám phá án hiệu quả.
Hơn nữa, khi có người chỉ huy đồng cam cộng khổ với cán bộ, chiến sỹ, tinh thần chiến đấu của anh em cũng lên cao hơn”- Ðại tá Phạm Minh Thắng tâm sự. Với sự chỉ đạo của anh, thời gian qua, nhiều vụ án hình sự gây chấn động dư luận đến các vụ án kinh tế lớn gây hậu quả nghiêm trọng trên địa bàn…đều được các đơn vị nghiệp vụ khám phá thành công, được dư luận đánh giá cao.
Ở vùng đất Tây Nguyên, một số người dân rất sơ hở và bảo thủ trong việc bảo quản tài sản. Ðối với họ, đồng tiền làm ra không đem gửi ngân hàng mà cứ phải để liền trong nhà họ. Lợi dụng thói quen này, các băng nhóm trộm cắp chuyên nghiệp đã gây ra nhiều vụ trộm cắp rất lớn như: vụ trộm cắp 1,7 tỷ đồng và 3.800 USD xảy ra tại gia đình bà Lê Thị Ngọc Huệ ở số phường Tân Tiến, TP Buôn Ma Thuột; vụ trộm cắp 1,2 tỷ đồng xảy ra ngày 8-4-2017 tại nhà chị Phạm Thị Xoan…
Với quyết tâm cao, Ðại tá Phạm Minh Thắng đã chỉ đạo các trinh sát vận dụng hiệu quả các biện pháp nghiệp vụ vào công tác điều tra, truy bắt đối tượng gây án. Có những vụ án các anh phải đeo đuổi đến cả năm mới lần ra được manh mối tội phạm. Sau hơn một năm đấu tranh, anh đã chỉ đạo các CBCS của mình điều tra khám phá 210/284 vụ trộm; bắt, xử lý 300 đối tượng trộm cắp, thu hồi tài sản trị giá nhiều tỷ đồng trả cho người bị hại…
Sự quả cảm và mưu trí của Ðại tá Phạm Minh Thắng đã được nhiều người biết đến trong vụ giải cứu con tin gây chấn động dư luận Ðắk Lắk ngày 24-4-2016. Vừa mới đặt chân xuống sân bay Buôn Ma Thuột sau chuyến công tác dài ngày, anh Thắng nhận được điện thoại báo cáo việc đối tượng Nguyễn Xuân Minh đang đe dọa giết vợ mình bằng hai quả mìn tự chế tại 1 phòng nghỉ nằm trên đường Nguyễn Tất Thành, Công an thành phố đang tập trung lực lượng giải quyết nhưng chưa có hiệu quả. Xác định tính chất nghiêm trọng của vụ việc, lập tức, anh Thắng cho xe chạy thẳng đến hiện trường vụ việc.
Ðể đảm bảo an toàn tuyệt đối, Ðại tá Phạm Minh Thắng đã chỉ đạo lực lượng giải tán đám đông, cách xa hiện trường để tránh thương vong, đồng thời đưa ra các phương án tối ưu để giảm thiểu thiệt hại.
Ðại tá Phạm Minh Thắng đã trực tiếp ở tuyến đầu, dùng lời lẽ thuyết phục để thu hồi lại 2 quả mìn trong tay đối tượng, vì lúc này đối tượng đã không còn bình tĩnh, sẵn sàng ném mìn vào người dân xung quanh hoặc lực lượng Công an. Tuy nhiên, trong một phút hoảng loạn và đường cùng, đối tượng đã chạy và ném quả mìn ra ngoài đường, gây nổ. Quả mìn thứ hai vẫn còn trên tay đối tượng cũng phát nổ, đối tượng tử vong.
Nhắc đến việc này, Ðại tá Thắng cho chúng tôi xem cánh tay anh vẫn còn hằn hai vết sẹo do viên bi của quả mìn phát nổ găm vào. Ðó là sự hy sinh, sẵn sàng vì sự bình yên của người dân của người Thủ trưởng Cơ quan điều tra quả cảm.
Yêu ngành, yêu nghề, điều này không chỉ thể hiện ở chỗ luôn quyết tâm phá đến cùng vụ án, tìm ra kẻ phạm tội, mà mỗi khi Tết đến Xuân về, Ðại tá Phạm Minh Thắng còn luôn làm thơ nói về lực lượng CAND, về những người lính của mình đang ngày đêm miệt mài phá án cho sự bình yên của người dân Tây Nguyên. Ðó là một góc rất riêng trong trái tim người lính, người Thủ trưởng Cơ quan Cảnh sát điều tra.
Những bài thơ chân thực và xúc động này đã được phổ nhạc và hát trong hội nghị của Công an tỉnh, đã khiến những người lính của anh có thêm động lực để phấn đấu, vì họ thấy mình được thấu hiểu và được khích lệ, động viên: “… Áp lực cao, không nản lòng/ Thị phi, cám dỗ, tâm trong ngại gì/ Sẵn sàng đối diện hiểm nguy/ Mưu trí, dũng cảm quyết ghi công đầu/ Ðiều tra Ðắk Lắk khắc sâu,/ Danh dự cao quý, bền lâu giữ gìn” (Trích bài thơ chúc Tết năm 2019 của Ðại tá Phạm Minh Thắng- PV)
Hơn 30 năm gắn bó với nghề, với mảnh đất Tây Nguyên đầy nắng và gió, người Thủ trưởng Cơ quan Cảnh sát điều tra quê Hải Dương giờ đã chọn Ðắk Lắk là quê hương thứ 2, là vùng đất gần như cả đời anh nguyện gắn bó. Chúc anh năm mới sức khỏe, ngày càng thành công trên con đường anh đã yêu và lựa chọn.
Tác giả: T. Hòa- N. Chuyên
Nguồn tin: http://cand.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn