Bây giờ, cháu Đào Quang Anh đã chính thức trở thành học sinh Trường tiểu học Quang Trung, nhưng nhiều lúc người thân của cháu vẫn cứ ngỡ đó là giấc mơ. Chỉ 2 tháng trước thôi, Quang Anh vẫn là đứa trẻ “vô danh” bởi đến cái giấy khai sinh cũng không có nên dù đã 8 tuổi vẫn không được đi học, vì thế ngay cả trong giấc mơ người thân của cháu cũng chưa bao giờ dám nghĩ cháu sẽ được vào học ngôi trường ấy.
Người biến giấc mơ đi học của Quang Anh thành hiện thực là Thượng úy Hoàng Hoa Sơn, Cảnh sát khu vực (CSKV) Công an phường Trần Hưng Đạo, quận Hoàn Kiếm (Hà Nội).
Một buổi chiều giữa tháng 9, tôi theo Thượng úy Hoàng Hoa Sơn đến thăm căn phòng trọ nằm sâu trong một con ngõ ở phố Trần Hưng Đạo của gia đình cháu Quang Anh. Thấy chú Sơn đến, thằng bé ríu rít kể đủ thứ chuyện ở lớp, rồi lôi sách ra đọc những bài đã được học. Nhìn hai chú cháu vui vẻ nói đủ thứ chuyện ở lớp, tôi chợt nhận ra với thằng bé con này, nó đã coi chú CSKV là người thân thiết.
Bé Quang Anh ôn lại những bài học mới ở trường với Thượng úy Hoàng Hoa Sơn. |
Hoàn cảnh của thằng bé khá éo le, bố mẹ đều đã từng đi tù vì liên quan đến ma túy, Quang Anh không biết mặt bố vì sau khi ra tù một thời gian, người đàn ông ấy phiêu bạt và đã chết; mẹ cháu thì công việc không ổn định, thu nhập bấp bênh, đến chỗ ở cũng phải đi thuê. Vì thế mà dù đã 8 tuổi nhưng đến cái giấy khai sinh Quang Anh cũng không có.
Thượng úy Sơn kể rằng sau hôm gặp thằng bé, anh cứ bị ám ảnh với câu nói “Con muốn được đi học” của Quang Anh. Hoàn cảnh ấy để đi học quả là quá khó, nhưng không lẽ lại để thằng bé con chịu cảnh mù chữ? Nghĩ vậy, anh báo cáo ý định giúp thằng bé được đi học với Chỉ huy Công an phường và nhận được sự đồng ý. Vậy là việc đầu tiên là phải làm giấy khai sinh cho Quang Anh. Nhưng muốn làm giấy khai sinh thì phải có giấy chứng sinh. Mẹ thằng bé thì nay đây mai đó và có vẻ không muốn hợp tác.
“Phải mất gần một tuần mẹ cháu mới tìm được giấy chứng sinh. Sau đó tôi thuyết phục chị cùng tôi lên UBND phường làm các thủ tục làm giấy khai sinh và hộ khẩu… cho Quang Anh. Có giấy tờ đầy đủ, tôi đến gặp Ban giám hiệu Trường tiểu học Quang Trung và trình bày hoàn cảnh gia đình cháu. Cô Nguyễn Thị Tuyết Nga, Hiệu trưởng đã đồng ý nhận cháu vào trường. Ngày thằng bé được nhận lớp tôi cũng thấy vui như chính con mình được đi học vậy”.
Lần đầu gặp Hoàng Hoa Sơn, tôi hơi bất ngờ khi nghe anh chàng Thượng uý có gương mặt hiền lành này kể rằng trước khi làm CSKV, anh đã từng từng 3 năm là lính cứu hoả, rồi cảnh sát hình sự.
Sơn kể từ nhỏ anh chỉ mơ lớn lên được làm Công an. Sau khi tốt nghiệp trung học, Sơn đi Công an nghĩa vụ và được biên chế vào Phòng Cảnh sát PCCC. Hết thời gian nghĩa vụ, Sơn thi đỗ vào Trung cấp Cảnh sát nhân dân 1. Ra trường, anh được phân công về Công an phường Trần Hưng Đạo.
Làm Cảnh sát hình sự ở phường dù không có những chuyên án lớn, nhưng cũng thường xuyên phải tiếp cận, va chạm với các đối tượng bị truy nã manh động và liều lĩnh. Có lần sau nhiều ngày cùng đồng đội mật phục một đối tượng nghiện ma túy và bị HIV giai đoạn cuối, anh cùng đồng đội ập vào bắt giữ. Sơn kể lúc ấy anh chỉ nghĩ làm sao bắt giữ, không để đối tượng làm hại người dân, chứ quả thực không còn cân nhắc nguy hiểm cho bản thân hay không được nữa.
Sau mấy năm làm Cảnh sát hình sự, anh được điều động sang làm CSKV. Dù đảm nhiệm công việc mới nhưng mỗi khi nhận được yêu cầu của Ban chỉ huy Công an phường tham gia phá các vụ việc… xảy ra trên địa bàn, Thượng úy Hoàng Hoa Sơn luôn sẵn sàng nhập cuộc. Và kinh nghiệm của những năm làm lính Cảnh sát hình sự đã giúp anh rất nhiều.
Còn nhớ năm 2016, trước kỳ bầu cử Quốc hội và HĐND các cấp, qua công tác rà soát tạm trú và nhân khẩu trên địa bàn, anh phát hiện một đối tượng nghi vấn, và bằng biện pháp nghiệp vụ đã nhanh chóng xác minh đối tượng này đang bị Công an TP Hồ Chí Minh truy nã. Sau đó, anh đã “câu” được đối tượng ra phường và tại đây, anh đọc quyết định truy nã trước sự ngỡ ngàng của đối tượng.
Chuyển sang làm CSKV, Hoàng Hoa Sơn được được giao phụ trách 5 tổ dân phố với 545 hộ dân; trong đó có 20 đối tượng đã từng chấp hành án phạt tù. Anh bảo rằng công việc của CSKV nhiều khi bận bịu “như nuôi con mọn” vì có việc gì người dân cũng gọi đầu tiên, từ đốt vàng mã gây khói bụi, chuyện vợ chồng mâu thuẫn, đến xây dựng đổ vật liệu làm tắc đường...
Nhiều khi nửa đêm đang ngủ có tin báo lại phải xuống địa bàn chỉ để giải quyết “vụ việc” là… một ông mở nhạc to và hát karaoke quá muộn làm nhà hàng xóm không ngủ được. Vì thế công việc của CSKV nhiều khi bắt đầu từ 7 giờ sáng tới tận đêm khuya.
Bám sát địa bàn, công việc của Thượng úy Sơn không chỉ đơn thuần thực hiện chức năng quản lý hành chính về ANTT ở cơ sở như nắm tình hình, quản lý nhân, hộ khẩu, quản lý đối tượng mà còn phải làm sao triển khai tốt các biện pháp, mô hình phòng ngừa tội phạm, làm giảm tới mức thấp nhất các vụ việc trên địa bàn mình phụ trách.
Muốn như vậy thì việc dân vận phải tốt và đặc biệt là phải luôn mềm dẻo, linh hoạt khi xử lý công việc. Vì thế, CSKV phải tìm hiểu các loại văn bản pháp luật để khi người dân có ý kiến thì kịp thời tư vấn, hỗ trợ, giải thích cho họ hiểu.
Cũng nhờ cách làm “dân vận khéo” mà Hoàng Hoa Sơn đã vận động được một gia đình tự nguyện đưa con đi cai nghiện. Sau khi cai nghiện trở về, thanh niên này đã đi tìm gặp anh để nói lời cảm ơn trước khi về nhà đoàn tụ cùng gia đình.
Gần 10 năm gắn bó với Công an phường Trần Hưng Đạo, giờ đây “tài sản” của Thượng uý Hoàng Hoa Sơn là rất nhiều Bằng khen, Giấy khen các cấp, nhưng với anh sự tin tưởng của người dân khu dân cư số 7, phường Trần Hưng Đạo, quận Hoàn Kiếm, TP Hà Nội là phần thưởng quý nhất.
Tuấn TrìnhNguồn tin: http://cstc.cand.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn