Chúng tôi ghé nhà má Phan Thị Vinh (Chín Vinh) ở ấp Mỹ Lợi A, xã Long Tiên. Đây là nơi nuôi giấu, chở che Đại đội bảo vệ Tỉnh ủy Mỹ Tho trong một thời gian dài, sau 1970. Nhắc đến người chiến sĩ An ninh vũ trang của Đại đội này - Anh hùng liệt sỹ Trương Thành Công, má Chín rưng rưng: “Khi ngã xuống, nó còn trẻ lắm”.
Ông Phan Thành Lập - người con trai lớn của má Chín xúc động kể thêm: “Vì má tui nhận Công là con nuôi nên tui với nó là anh em. Lớn tuổi hơn thì được làm anh thôi chứ tui không gan bằng nó đâu”. Khi chiến đấu, bị thương, máu me đầy mình nhưng Trương Thành Công vẫn tiến lên phía trước.
“Gần tới hàng rào bót giặc, nó tàn sức, quỵ xuống. Tụi lính bắt, tra tấn tới chết và vùi xác ngay hàng rào. Khi tạm yên tiếng súng, anh em ra tìm nhưng không biết chỗ, nên chỉ biết lén làm dấu. Mãi tới sau ngày giải phóng, hài cốt của thằng Công mới được tìm thấy, quy tập về gần nhà”, má Chín kể thêm.
Anh hùng liệt sỹ Trương Thành Công. |
Cũng ở nhà má Chín, chúng tôi được nghe kể về một Trương Thành Công với tất cả lòng kính phục yêu thương. Đấy là một người sớm được trui rèn dạn dày qua các cuộc “thử lửa” ác liệt với địch; là một người chấp nhận bỏ dở ước mơ học hành để thoát ly, tham gia cách mạng, mưu trí, dũng cảm, chiến đấu kiên cường, để rồi ngã xuống ở tuổi 19...
Trương Thành Công tên thật là Trương Thành Chơi, sinh năm 1954, trong một gia đình nông dân nghèo khó ở ấp Long Hòa, xã Quơn Long, huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang. Cha mất sớm, ông phải cùng mẹ lao động vất vả nuôi sống gia đình. 15 tuổi, ông thoát ly tham gia Cách mạng. Trước khi được phân công về Đại đội bảo vệ Tỉnh ủy Mỹ Tho vào tháng 8/1970, ông là trinh sát của lực lượng vũ trang huyện Chợ Gạo.
Luôn nêu cao tinh thần cảnh giác cách mạng, vững vàng trong mọi tình huống ác liệt, trong 4 năm thực hiện nhiệm vụ vẻ vang tại Đại đội bảo vệ Tỉnh uỷ Mỹ Tho, ông đã chiến đấu trên 60 trận, tiêu diệt gần 200 tên địch, góp phần cùng đồng đội bảo vệ an toàn các khu căn cứ và lãnh đạo Quân ủy, Khu ủy về Long Tiên công tác.
Trong các trận chống càn tại Long Tiên lúc bấy giờ, nếu như Đại đội trưởng Tư Bốn (tức Trung tướng Nguyễn Việt Thành, nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát nhân dân, nguyên Giám đốc Công an tỉnh Tiền Giang) từng nổi tiếng với sáng kiến dùng giàn thun bắn lựu đạn vào đồn bót giặc thì Trương Thành Công được biết đến bởi bản lĩnh gan dạ và luôn “bám đội hình trên cao”.
Bị vướng lựu đạn cài dưới đất, dưới mương, lại bị ông bắn từ trên cao nên địch mất phương hướng, hoảng loạn, vòng trong, vòng ngoài rủ nhau tháo chạy.
Nhớ lại giây phút Anh hùng Trương Thành Công hy sinh, Trung tướng Nguyễn Việt Thành xúc động: “Bị thương, quần áo bốc cháy, thay vì quay trở lại với đồng đội, Công vẫn xông lên phía trước. Tinh thần quả cảm ấy đã tiếp sức cho anh em đồng đội quyết chiến đấu cho đến ngày chiến thắng”.
Sau 45 năm, nhiệm vụ của Đại đội bảo vệ Tỉnh ủy Mỹ Tho đã kết thúc, nhưng chuyện kể về Anh hùng liệt sỹ Trương Thành Công và đồng đội năm xưa của ông chưa bao giờ dứt. Điều mà ai cũng cảm nhận được sau những câu chuyện ấy chính là tình đất, tình người, đặc biệt là sự hồi sinh của vùng đất Long Tiên từng bị bom cày, đạn xới, cả chất độc khai hoang…
Bia lưu niệm căn cứ Tỉnh ủy Mỹ Tho Long Tiên - Cai Lậy. |
Sức sống và sự hồi sinh diệu kỳ nhờ sức mạnh đoàn kết, đồng lòng của chính quyền và nhân dân nơi đây đã góp thêm cho màu xanh yên bình từng được đánh đổi bằng xương, máu của những bao thế hệ, trong đó có Anh hùng liệt sỹ Trương Thành Công.
Theo tư liệu lịch sử của Ban An ninh vũ trang tỉnh Mỹ Tho, trong một trận chiến đấu dũng cảm, quyết liệt với địch vào ngày 9/5/1973, Tiểu đội phó An ninh vũ trang Trương Thành Công đã anh dũng hy sinh. Khi đó, ông mới 19 tuổi. Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, thống nhất đất nước, vào ngày 24/1/1976, liệt sỹ Trương Thành Công đã được truy tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân.
Tác giả: Thanh Duy
Nguồn tin: http://cand.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn