Cuộc đời ông là một câu chuyện đầy bi thương những cũng rất đỗi hào hùng. Để theo đuổi lý tưởng cách mạng của mình, đã có 3 người thân ruột thịt của ông bị địch sát hại nhưng ông vẫn một lòng kiên trung với Đảng, với cách mạng…
Đến thăm ông Vinh vào một ngày đầu đông, khi đúng ngày này cách đây 7 năm về trước, xã Nhân Mỹ vinh dự được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân thời kỳ chống thực dân Pháp.
Khi đó, ông Đào Quang Vinh, người Xã đội trưởng năm xưa là một trong những nhân chứng sống, gắn liền với lịch sử đấu tranh hào hùng của Đảng bộ, nhân dân xã Nhân Mỹ chống lại ách xâm lược của thực dân Pháp và bè lũ tay sai. Năm nay, ông đã bước sang tuổi 93 nhưng vẫn khỏe mạnh, minh mẫn, ánh mắt sáng lên dưới cặp kính lão khi nhắc về những chiến công vang bóng một thời…
Ông Vinh thảnh thơi trong sân vườn của gia đình. |
Năm 1945, trước khí thế sôi sục của những ngày đầu cách mạng, chưa đầy 20 tuổi, ông đã rời quê hương, lên Hà Nội, tham gia vào các tổ chức cách mạng tại Thủ đô; đồng thời là chiến sĩ Đội tự vệ chiến đấu khu Đông thành Hà Nội. Với tinh thần “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”, ông cùng đồng đội giữ vững các tuyến đường huyết mạch để Bác Hồ và chính quyền cách mạng rút lên căn cứ, bắt đầu cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc.
Năm 1947, ông được điều trở lại quê hương, gây dựng phong trào cách mạng; cấp trên phân công ông làm Xã đội trưởng, trực tiếp cùng dân quân du kích xã chiến đấu với kẻ thù. Lực lượng du kích được triển khai ở từng thôn xóm, nhưng thời gian đầu, xã đội tập trung chỉ có 7 người.
Nhiệm vụ của ông và đồng đội là làm “trong sạch địa bàn”, phân loại, bắt giữ 30 đối tượng chống đối cách mạng, trong đó đưa 12 đối tượng đưa đi tập trung cải tạo dài ngày tại khu 4 (vùng tự do của ta), số còn lại cảm hóa, giáo dục tại địa phương. Tuy du kích tập trung ít, nhưng với phương châm “Ngày thì bao vây, đêm thì quấy rối”, lực lượng du kích xã Nhân Mỹ đã làm cho địch hoang mang, lo sợ, tìm cách co cụm, mất ăn, mất ngủ…
Giai đoạn 1949 - 1952, lực lượng dân quân du kích xã đã phát triển cả về số lượng và quy mô, với hơn 30 người tham gia thành một trung đội tập trung. Tỉnh ủy Hà Nam chỉ đạo công tác phá tề trừ gian, mở rộng khu du kích và căn cứ du kích, ông được lệnh chuyển về làm Chính trị viên phó Đại đội trợ chiến, Tiểu đoàn 71 tỉnh Hà Nam. Đơn vị của ông phối hợp với bộ đội chủ lực Quân khu 3, tổ chức đánh nhiều trận lớn nhỏ.
Với vai trò là người chỉ huy, trực tiếp chiến đấu tiêu diệt nhiều tên địch và bè lũ tay sai; thoắt ẩn, thoắt hiện, quấy rối các đồn, bốt địch, cái tên Đào Quang Vinh (tức Mân) từ lâu đã là “cái gai” trong mắt bọn thực dân và tay sai. Hành tung của ông luôn được bọn chỉ điểm theo sát để tìm cách tiêu diệt.
Ngày 26-5-1950, mới tờ mờ sáng, phát hiện ông đang tham gia cuộc họp với tổ Đảng làng Chanh, quân Pháp và lính ngụy của 3 bốt Cống Vua, Bàng Ba, Lý Nhân đã phối hợp bủa vây làng Chanh, chặn khắp các ngả đường, lùng sục từng nhà trong làng để bắt ông cùng đồng đội. Trong lúc bắt giữ ông và một đồng đội, ông đã mưu trí, dũng cảm trốn thoát, đồng đội ông là Trần Văn Tước bị chúng sát hại.
Cay cú không bắt và tiêu diệt được ông, chúng quay sang trả thù hèn hạ gia đình ông. Đầu tiên là chúng đốt nhà, đánh mẹ ông bị trọng thương. Sau đó, địch ở bốt Cống Vùa kéo vào nhà bắt bố ông là cụ Đào Trọng Liêm. Chúng bắn cụ Liêm bị thương một chân, rồi đưa cụ về bốt thay nhau tra tấn, dùng cực hình ném đá, bỏ đói buộc cụ phải dụ ông Vinh ra hàng… Nhưng cụ Liêm đã anh dũng, không khuất phục và bị địch bắn chết.
Không dừng lại tại đây, bọn chúng còn trả thù ông bằng hành động hèn hạ sát hại vợ ông là bà Trần Thị Điệt. Như vậy, để ngăn cản và làm thui chột ý chí cách mạng của người thanh niên yêu nước Đào Quang Vinh, bọn thực dân Pháp và phản động đã giết hại 3 người thân ruột thịt của ông.
Tháng 11-1953, ông Vinh được chuyển về công tác tại Ty Công an tỉnh Hà Nam. Năm 1963, ông được điều chuyển lên Bộ Công an công tác, rồi tiếp tục được điều đi chi viện cho chiến trường miền Nam; trực tiếp chiến đấu tại mặt trận Thừa Thiên - Huế. Lúc này, ông đã lập gia đình mới và có 4 con nhỏ. Nhưng với trách nhiệm của người cán bộ, đảng viên, ông vẫn hăng hái lên đường nhận nhiệm vụ.
Trải qua nhiều cam go, nguy hiểm trong thời kỳ chống thực dân Pháp đã tôi luyện bản lĩnh chiến đấu trong con người ông. Vì vậy, trong điều kiện chiến trường miền Nam diễn ra rất cam go, bom đạn địch trút xuống ngày đêm; ông vẫn sáng suốt, mưu trí cùng đồng đội hoàn thành mọi nhiệm vụ được phân công.
Đặc biệt là chiến công cùng đồng đội bắt được một toán thám báo người Đài Loan khi chúng đang hoạt động chống phá ta.
Được cấp trên phân công, ông cùng 7 chiến sĩ áp tải toán thám báo, vượt đường Trường Sơn ra Hà Nội an toàn, trong điều kiện con đường huyết mạch này bị địch đánh phá ác liệt.
Cũng trong thời gian công tác, chiến đấu tại chiến trường Thừa Thiên - Huế, ông đã bị thương. Về công tác tại cơ quan Bộ Công an, ông trải qua nhiều đơn vị, chức vụ công tác khác nhau. Năm 1989, ông được nghỉ hưu với cấp hàm Đại tá.
Đi qua hai cuộc kháng chiến của dân tộc, có lẽ, hơn ai hết, ông Đào Quang Vinh là người thấm thía nhất giá trị của hòa bình. Nhưng để có được cuộc sống hòa bình như hôm nay, người đảng viên có thâm niên gần 70 năm tuổi Đảng ấy đã cống hiến hết tuổi thanh xuân của mình, với đầy những mất mát, đau thương vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước.
Giờ đây, khi đã gần ở cái tuổi “bách niên giai lão”, thú vui của ông hằng ngày là chăm sóc vườn cây, ao cá; hưởng cuộc sống thanh nhàn về tâm tưởng lúc cuối đời ngay tại quê hương đã sinh ra ông và gắn bó biết bao kỷ niệm vui, buồn.
Được biết, trước những đóng góp, hy sinh của ông cho cách mạng, chính quyền địa phương và Hội đồng thi đua xã Nhân Mỹ, huyện Lý Nhân đã làm hồ sơ lên Quân khu 3, đề nghị Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân thời kỳ chống Pháp cho ông Đào Quang Vinh.
Mong rằng, hồ sơ đề nghị của ông sớm trở thành hiện thực, để ông còn đủ thời gian đón nhận sự vinh danh của Nhà nước đối với những cống hiến, hy sinh suốt một thời trai trẻ và cũng là để nhân dân xã Nhân Mỹ thêm tự hào về người Xã đội trưởng năm xưa đã đóng góp công sức to lớn làm nên một tập thể Anh hùng.
Tác giả: Đào Minh Khoa
Nguồn tin: http://cand.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn