Đó là những dòng chữ viết tay đầy xúc động của chị Phạm Thị Hiền Lương ở Nguyễn Du, Hà Nội gửi đến Trung đoàn Cảnh sát bảo vệ (CSBV) mục tiêu Cơ quan đại diện Ngoại giao, Bộ Tư lệnh Cảnh sát cơ động (CSCĐ).
Được biết, trong lúc làm nhiệm vụ tuần tra, bảo vệ mục tiêu Đại sứ quán Timorleste (ca 23h ngày 25/7 đến 1h ngày 26/7/2019), Thượng úy Đỗ Văn Viết lúc đó là Trung đội trưởng Trung đội 2, Đại đội 10 của Trung đoàn đã phát hiện ra một cụ bà có biểu hiện bất thường đứng giữa ngã 5 Bà Triệu, giao với đường Nguyễn Du. "Giữa đêm khuya mà bà đứng ở góc phố nơi phương tiện qua lại tấp nập, linh tính mách bảo tôi có điều gì bất thường nên đã tiếp cận, hỏi han cụ. Cụ không còn minh mẫn nên những câu nói rất mơ hồ. Một lúc sau cụ nói địa chỉ nhà 63 Nguyễn Du...", anh kể.
Nhưng đoạn đường ấy có rất nhiều số 63, Thượng úy Đỗ Văn Viết đã bấm chuông từng nhà để hỏi, song giữa đêm khuya không ai trả lời. May là có một căn nhà điện vẫn sáng, sau khi bấm chuông thì người phụ nữ ra mở cửa đã ôm chầm lấy bà cụ vui mừng vì đó chính mẹ mình. Chào từ biệt gia đình, đồng chí Trung đội trưởng lại tiếp tục làm nhiệm vụ, bất ngờ nhận được lá thư cảm ơn gửi đến đơn vị ngày hôm sau. "Mình chỉ nghĩ đó là hành động nhỏ bé mà bất cứ ai cũng sẽ làm như vậy", Thượng úy Viết chia sẻ.
Sinh năm 1990 tại Hải Hậu, Nam Định, chàng trai Đỗ Văn Viết theo học Trung cấp Cảnh sát nhân dân, rồi vào công tác tại lực lượng CSBV mục tiêu từ cách đây gần chục năm. Thật không hề nói quá khi cho rằng đây là "hot boy" của Trung đoàn CSBV mục tiêu Cơ quan đại diện Ngoại giao, Bộ Tư lệnh CSCĐ, bởi ngoài vẻ điển trai, từng lên ảnh lịch thì Viết còn sở hữu một bảng thành tích dày dặn: Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, 2 Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Công an, 6 Giấy khen của Bộ Tư lệnh CSCĐ, 8 năm liền (2013 - 2020) là Chiến sỹ thi đua cấp cơ sở, gương điển hình trong phong trào thi đua "Vì An ninh Tổ quốc" giai đoạn 2015 - 2020...
Ngoài công tác chuyên môn, Viết còn tích cực hoạt động đoàn và tham gia đạt giải cao tại nhiều hội thi: Giải nhất Hội thi tìm hiểu Nghị quyết Trung ương 4, khóa XII; Chỉ thị số 05 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và Cuộc vận động "Xây dựng phong cách người CAND bản lĩnh, nhân văn, vì nhân dân phục vụ" do Trung đoàn và Bộ Tư lệnh CSCĐ tổ chức; cùng với đội tuyển của Bộ Tư lệnh CSCĐ đạt giải A Hội thi "Thanh niên CAND thực hiện 6 điều Bác Hồ dạy" khu vực phía Bắc do Bộ Công an tổ chức; cùng với đội tuyển Bộ Tư lệnh CSCĐ đạt giải Nhất Hội thi "Cán bộ Công đoàn CAND giỏi" năm 2019 do Bộ Công tổ chức...
Thượng úy Đỗ Văn Viết. |
Thượng úy Đỗ Văn Viết cho rằng, để đạt giải cao trong các cuộc thi là nhờ sự quan tâm, tạo điều kiện về mọi mặt của lãnh đạo, chỉ huy các cấp và bản thân phải tự cố gắng học hỏi từ những điều nhỏ nhất. Tuy nhiên, ít ai biết mỗi hội thi mà Viết tham gia cũng gắn với những kỷ niệm buồn trong gia đình. Năm 2018, bố không may bị tai nạn, đột ngột qua đời, là cú sốc tinh thần đối với Viết. Thời điểm đó, Bộ Tư lệnh CSCĐ tổ chức Hội thi "Rung chuông Vàng" trong toàn Bộ Tư lệnh, giữa những thí sinh xuất sắc ở cấp cơ sở.
Sau khi về chịu tang bố, trở lại đơn vị với nỗi mất mát quá lớn, anh tưởng chừng như không thể tham gia hội thi được nữa. "Ban Chỉ huy Trung đoàn đã động viên tôi giải thưởng sẽ là món quà ý nghĩa dâng lên bố". Điều đó đã tiếp thêm sức mạnh, trở thành động lực cho tôi cố gắng thật nhiều", anh nhớ lại. Và Thượng úy Đỗ Văn Viết sau đó đã xuất sắc vượt qua 100 thí sinh giành giải Nhất hội thi.
Chia sẻ về cái duyên đứng vào hàng ngũ CAND, anh cho biết, năm 2009, mẹ anh ốm nặng tưởng chừng như không qua khỏi. Trên giường bệnh, mẹ nói: "Mẹ muốn con làm Công an để được rèn luyện và có công việc ổn định". Không phụ lòng mẹ, Viết đã ôn thi và đỗ vào trường Trung cấp Cảnh sát nhân dân 1, coi đó là món quà tinh thần để mẹ được khỏe mạnh. Và đúng như lời mẹ, ở đơn vị, anh được rèn luyện cả về chính trị, nghiệp vụ, pháp luật, cộng thêm nhiều kiến thức phong phú từ thực tiễn để giành kết quả cao nhất ở các hội thi.
"Năm 2019, mẹ phải mổ sỏi mật ở Bệnh viện Việt Đức, tính đến nay là 9 lần phẫu thuật. Tôi vẫn cố gắng tham dự Hội thi cán bộ Công đoàn giỏi, sau đó mới vào với mẹ. Mẹ biết tôi đạt giải Nhất nên dù đau đớn vẫn mỉm cười...", anh kể. Có thể nói, tham gia các hội thi vào thời điểm đặc biệt như thế, anh đã thực sự cố gắng hơn người khác gấp nhiều lần.
Hiện tại là "thủ lĩnh Đoàn" của đơn vị, anh luôn xung kích trong mọi hoạt động do các cấp phát động; tổ chức các hoạt động, sân chơi lành mạnh cho đoàn viên thanh niên tham gia; các hoạt động tình nguyện chung sức cùng cộng đồng, tặng quà đoàn viên thanh niên trong Trung đoàn có hoàn cảnh khó khăn cũng như các gia đình chính sách trên địa bàn đơn vị đóng quân... Thượng úy Đỗ Văn Viết tổ chức nhiều chương trình hiến máu tình nguyện, "Xuân biên cương", "Tình nguyện hè" cũng như các phong trào văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao do các cấp phát động; thường xuyên giao lưu, phối hợp các tổ chức Đoàn trong và ngoài ngành xây dựng phong trào Đoàn của đơn vị ngày càng vững mạnh.
Theo Thượng tá Phan Đăng Hùng, Trung đoàn trưởng Trung đoàn CSBV mục tiêu Cơ quan đại diện Ngoại giao, Thượng uý Đỗ Văn Viết là một cán bộ Đoàn năng nổ, nhiệt huyết, thường xuyên tham mưu cho Đảng uỷ, Ban Chỉ huy Trung đoàn tổ chức tốt các hoạt động công tác Đoàn và phong trào thanh niên trong đơn vị. "Đồng chí có nhiều cách làm hay, sáng tạo, phù hợp với điều kiện thực tiễn của Trung đoàn. Trong cuộc sống hàng ngày, Viết là người gần gũi, thường xuyên giúp đỡ đồng chí, đồng đội, được CBCS trong đơn vị yêu mến, quý trọng", Thượng tá Phan Đăng Hùng đánh giá.
Tác giả: Quỳnh Vinh
Nguồn tin: http://cand.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn