Ngã xuống trong lửa đạn
Cuối năm 1966, đế quốc Mỹ mở rộng chiến tranh đánh phá miền Bắc, trong đó có các tuyến đường nhằm cắt đứt chi viện từ miền Bắc cho miền Nam. Chúng liên tục giội bom xuống các bến phà để ngăn mạch máu giao thông Bắc – Nam. Vào tối 4-12-1966, trong lúc máy bay Mỹ liên hồi gầm rú và ném bom ở nhiều vị trí thuộc thị xã Hà Tĩnh và quốc lộ 1A, người chiến sỹ Cảnh sát giao thông Nguyễn Tiến Hùng (SN 1948), Công an tỉnh Hà Tĩnh, làm nhiệm vụ trực gác ở bờ Bắc phà Phủ trong một tổ công tác 4 người.
Lễ truy điệu liệt sỹ CAND Nguyễn Tiến Hùng. |
Giữa lúc bom đạn hiểm nguy, lượng xe phía bờ Nam dồn ứ nhiều, nếu không kịp thời lưu thông xe qua phà lúc trời còn tối thì sẽ ảnh hưởng đến “mạch máu” giao thông Bắc – Nam tại đây. Tuy nhiên, trời mưa to gió lớn, nếu di chuyển qua phà sẽ rất nguy hiểm. Dù vậy, bất chấp hiểm nguy, đồng chí Nguyễn Tiến Hùng xung phong di chuyển qua phà sang bờ Nam để làm nhiệm vụ hướng dẫn xe.
Thế nhưng, khi ra giữa dòng, do gió to, sóng lớn khiến phà nghiêng, đồng chí Hùng đã bị ngã xuống dòng nước đang gầm gào trong đêm tối. Phải 5 ngày sau, đồng đội mới tìm thấy thi thể của anh và an táng tại nghĩa trang địa phương. Gia đình của anh ở miền biển xã Tây Phong, huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình nhận tin con hi sinh giữa bộn bề khó khăn của đất nước thời chiến tranh, không thể đến tận nơi đưa anh về quê hương. Để rồi, nửa thế kỷ sau ngày ngã xuống, anh mới được trở về sau hành trình gian nan của người em trai.
10 năm trời bền bỉ, ông Nguyễn Đức Trình, em trai liệt sỹ Nguyễn Tiến Hùng lặn lội vào Hà Tĩnh để tìm mộ và hoàn thiện hồ sơ, thủ tục công nhận chế độ cho liệt sỹ Nguyễn Tiến Hùng. Vào năm liệt sỹ Hùng hy sinh, ông Trình mới chỉ là một cậu bé 8 tuổi nên những ký ức về anh trai là vô cùng ít ỏi.
Ông kể: “Lúc ấy có một chiến sỹ Công an về gặp gia đình và đưa cho bố mẹ tôi toàn bộ giấy tờ của anh. Thế nhưng, năm tháng trôi qua, những giấy tờ đó bố mẹ tôi giắt lên mái nhà tranh, mưa bão làm thất lạc hết. Những gì tôi còn nhớ về anh qua lời kể của mẹ chỉ là anh công tác tại Công an huyện Kỳ Anh, Hà Tĩnh và hy sinh khoảng năm 1966-1967 tại phà Thạch Hà, Bến Thủy”.
Hành trình gian nan
Năm 2007, ông Trình bắt xe khách vượt hàng trăm cây số từ Thái Bình vào Công an huyện Kỳ Anh, Hà Tĩnh. Tuy nhiên, cả Công an huyện Kỳ Anh lúc đó không ai biết tin tức gì về người chiến sỹ Công an quê ở huyện Tiền Hải, Thái Bình năm xưa. Qua kết nối của Công an huyện Kỳ Anh, ông đi tìm gặp các cán bộ Công an Kỳ Anh công tác ở giai đoạn năm 1965-1966.
Trao bằng Tổ quốc ghi công liệt sỹ CAND Nguyễn Tiến Hùng cho gia đình. |
Tia hi vọng lóe lên khi ông Trình đã gặp được ông Thành, nguyên Trưởng Công an huyện Kỳ Anh giai đoạn năm 1965-1966. Khi vừa nhắc đến “anh Hùng, người Tiền Hải” thì ông Thành đã nhớ ngay ra người đồng đội năm xưa. Tuy nhiên, thời điểm đó, anh Hùng chỉ công tác tại Công an huyện Kỳ Anh khoảng 2 tháng thì nhận lệnh điều động ra thị xã Hà Tĩnh.
Trở ra Hà Tĩnh, ông tiếp tục tìm gặp những người đồng đội xưa của anh trai. May mắn, nhờ sự giúp đỡ của Công an tỉnh Hà Tĩnh, ông đã gặp được Đại tá Tuấn, nguyên Trưởng Công an tỉnh Hà Tĩnh, ông Đào Xuân Thường, ông Nguyễn Sỹ Thanh, Trung úy Quân đội Thái Hữu Châu cùng trong tổ công tác trên bến phà Phủ và chứng kiến sự ra đi dũng cảm của liệt sỹ.
Gần 50 năm trôi qua, ngôi mộ đồng chí Nguyễn Tiến Hùng đã thất lạc. Sau khi tham khảo nhiều nguồn thông tin khác nhau về vị trí ngôi mộ anh trai mình, ông Trình lại tiếp tục trở về Hà Tĩnh và tìm đến Nghĩa trang liệt sỹ Núi Nài, phường Đại Nài, TP Hà Tĩnh. Thế nhưng, phải đến lần thứ 2 trở lại, ông mới tìm được ngôi mộ của anh trai mình.
Ngay sau đó, ông Trình đã liên hệ với Công an tỉnh Hà Tĩnh để tìm hồ sơ của anh trai mình với mong muốn đưa anh trở về quê hương cũng như làm các thủ tục đề nghị công nhận chế độ liệt sỹ. Tuy nhiên, Công an tỉnh Hà Tĩnh không còn lưu giữ bất kỳ giấy tờ gì của liệt sỹ Hùng.
“Thời điểm đó, quy định về thủ tục công nhận liệt sỹ phải có giấy tờ gốc chứ không yêu cầu có nhân chứng. Trong khi anh trai tôi không còn hồ sơ công tác, không còn giấy báo tử. Tôi gần như tuyệt vọng và muốn bỏ cuộc trong hành trình trả lại sự công bằng cho anh tôi”, ông Trình tâm sự.
Đến năm 2016, khi quy trình làm thủ tục chính sách cho người có công được thay đổi, ông Trình lại mang đơn “gõ cửa” các cơ quan chức năng. Với sự giúp đỡ nhiệt tình của Công an tỉnh Hà Tĩnh cũng như các cán bộ Phòng 3, Cục Chính sách, Bộ Công an, những khó khăn trong thủ tục đề nghị công nhận chế độ liệt sỹ cho đồng chí Nguyễn Tiến Hùng đã dần được tháo gỡ. Các thủ tục xác nhận quá trình công tác, quá trình hy sinh cho đồng chí Nguyễn Tiến Hùng được hoàn thiện. Ngày 1-7-2016, Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định cấp bằng Tổ quốc ghi công cho liệt sỹ Nguyễn Tiến Hùng.
Ngày nhận giấy báo tử con trai, bà mẹ nén nỗi đau, giắt mảnh giấy lên mái rạ rồi vẫn thấp thỏm mong ngày con trở về. Sau này, bà cụ nhắc các con “phải tìm cho được Hùng về với mẹ”. Những người con của cụ cũng canh cánh trong lòng lời hứa với người mẹ già. Đó cũng là động lực để người em trai liệt sỹ tiếp tục lên đường tìm anh. Khi đồng đội của con trai tìm về bên mẹ, bà cụ không còn nói được nữa. Những đồng đội của con trai khi đó cũng hơn 70 tuổi. Bà cụ không cất lên lời nhưng ai cũng hiểu trong lòng người mẹ ấy không còn nỗi day dứt. Chẳng ai nói với ai câu gì nhưng sống mũi ai cũng cay cay.
Ngày 29-7-2016, lễ truy điệu và trao bằng Tổ quốc ghi công liệt sỹ CAND Nguyễn Tiến Hùng đã được Công an tỉnh Hà Tĩnh phối hợp với Công an tỉnh Thái Bình, chính quyền địa phương tổ chức trang trọng. Anh, người chiến sỹ Công an anh dũng đã được hòa vào lòng mẹ.
Gia đình tôi rất cảm kích và cảm ơn sự giúp đỡ tích cực và trách nhiệm của Công an tỉnh Hà Tĩnh, Công an tỉnh Thái Bình, Cục Chính sách Bộ Công an đã hoàn thiện thủ tục, tôn vinh sự hi sinh của liệt sỹ anh trai tôi (ông Nguyễn Đức Trình). |
Tác giả: Nguyễn Hương – Việt Hà
Nguồn tin: http://cand.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn