Đi dân nhớ, ở dân thương

Thứ hai - 11/06/2018 09:19
Xuất thân từ một cảnh sát khu vực, nay Thượng úy Vũ Trường Hiệp là Trưởng Công an phường Phú Đô, quận Nam Từ Liêm, TP Hà Nội. Ở bất cứ địa bàn nào và với cương vị gì, anh cũng luôn nỗ lực hết mình để đem lại bình yên cho nhân dân.


Không chỉ vậy, anh còn quan tâm đi sâu đi sát, nắm rõ tình hình từng hộ dân trên địa bàn để kịp thời hỗ trợ, giúp đỡ họ. Anh cũng nỗ lực cảm hóa, giáo dục các đối tượng trên địa bàn, hỗ trợ họ trên con đường hoàn lương. Nhờ đó, khi anh ở được người dân thương, anh đi được người dân nhớ.

Giúp con nghin hoàn lương

Tiếp chuyện chúng tôi vào một ngày hè ở thủ đô Hà Nội, Thượng úy Hiệp cho biết anh yêu thích ngành Công an kể từ khi được phân đóng vai Công an trong một vở kịch văn nghệ ở trường năm lớp 8. Chính vì vậy, sau khi tốt nghiệp trung học phổ thông, anh quyết định thi vào Trung cấp Cảnh sát, bất chấp sự phản đối của bố mẹ. 

“Ông bà cho rằng nếu tôi thi ngành Công an sẽ khó mà đậu, vì vậy đã cản tôi không cho thi vào Trung cấp Cảnh sát”, Thượng úy Hiệp kể. Tuy nhiên, với lòng đam mê và quyết tâm, anh Hiệp vẫn quyết định đi thi và đã đỗ. Sau khi tốt nghiệp, anh được điều về làm CSKV phường Đồng Nhân, quận Hai Bà Trưng, TP Hà Nội.

Đi dân nhớ, ở dân thương
Thượng úy Vũ Trường Hiệp - Trưởng Công an phường Phú Đô, quận Nam Từ Liêm, TP Hà Nội

Khi đó, phường Đồng Nhân vẫn còn là một điểm nóng tập trung rất nhiều người nghiện. Anh Hiệp đã cùng với các CSKV phường Đồng Nhân đi sâu bám sát địa bàn, cảm hóa được nhiều đối tượng, tạo điều kiện cho các đối tượng hoàn lương. 

Đặc biệt có một đối tượng tên Sơn đã có nhiều tiền án tiền sự và nghiện ma túy. Trong suốt 7 năm làm CSKV phường Đồng Nhân, anh Hiệp đã thường xuyên đi lại, hướng dẫn, động viên giúp đỡ, hỗ trợ để giúp anh ta quay về với cuộc sống bình thường. Anh Hiệp đã hỗ trợ Sơn từ những việc như làm lại giấy tờ CMND, hộ khẩu và tư vấn về công ăn việc làm.

“Sau khi anh Sơn có ý muốn hoàn lương, tôi đã động viên anh làm nghề xe ôm để có cuộc sống ổn định. Dần dần thấy anh thay đổi tốt, tôi đã bảo lãnh cho anh với các chủ cửa hàng ô tô trong khu vực để anh có thể chạy giao hàng cho họ, thu nhập cũng đủ sống, buổi tối anh còn đi làm bảo vệ. Khi có chương trình cai nghiện Metamol, tôi đã đưa anh Sơn vào diện cai nghiện đó, nhờ đó giúp anh bỏ được nghiện”, Thượng úy Hiệp kể.

Sự hoàn lương của anh Sơn không chỉ mang lại một tương lai tươi sáng cho chính cuộc đời anh, mà còn giúp ích nhiều cho người xung quanh, kể cả với CSKV Vũ Trường Hiệp. 

Anh Hiệp cho biết, ở xóm anh Sơn trước đây hễ nhà nào mất trộm đều nghi ngờ anh, vì anh là người nghiện. Nhưng sau khi Sơn hoàn lương thành công, dần dần người dân đặt niềm tin nơi anh, mỗi khi mất đồ họ lại nhờ anh tư vấn, vì thời gian còn nghiện ngập anh đã quen biết nhiều tội phạm và rành rọt cách chúng hành động. Anh Sơn cũng nhiều lần cung cấp những thông tin có giá trị cho CSKV, giúp lần tìm ra các đối tượng. 

“Trong thời gian làm ở đó, một năm tôi bắt được ít nhất 3 đối tượng ma túy thông qua những thông tin cung cấp từ chính các đối tượng mình cảm hóa”, anh Hiệp kể.

“Tôi rất vui vì đã giúp cảm hóa được một số người. Có người giờ dù tôi đã không còn ở địa bàn, nhưng thỉnh thoảng họ vẫn điện thoại để hỏi thăm hoặc nhờ tư vấn việc gì đó. Và tôi thật sự rất vui khi có thể giúp tư vấn, hướng dẫn  cho họ”, Thượng úy Hiệp chia sẽ.

Nhờ những nỗ lực và sự quan tâm đi sâu đi sát quần chúng, trong 7 năm làm CSKV phường Đồng Nhân, anh Vũ Trường Hiệp có 5 năm liền nhận được danh hiệu Chiến sĩ Thi đua, được Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, năm 2012 anh được tuyên dương là CSKV xếp thứ ba toàn quận.

Dẹp bỏ nạn cho vay nặng lãi

Nhờ những thành tích xuất sắc trong những năm làm CSKV phường Đồng Nhân, anh Hiệp được chuyển sang làm Phó trưởng Công an phường Phương Canh sau đó anh được điều về làm Phó trưởng Công an phường Phú Đô, quận Nam Từ Liêm vào năm 2014. Đây là một sự thay đổi khá lớn với anh, cả về vị trí công tác lẫn địa bàn phụ trách. 

Phường Đồng Nhân thuộc khu vực nội thành, trong khi đó Phú Đô là địa bàn ngoại thành, người dân ở đây chủ yếu sống bằng nghề nông, nhận thức pháp luật rất thấp. Với làn sóng đô thị hóa nhanh, người dân ở đây được đền bù đất một số tiền lớn. Điều này cộng với việc không có công ăn việc làm sau khi mất đất nông nghiệp đã dẫn đến các tệ nạn xã hội như cờ bạc, hút chích.

Đặc biệt, do người dân đột nhiên có số tiền lớn nên con em họ sinh ra ăn chơi, nhiều đối tượng xấu lợi dụng sự thiếu hiểu biết của người dân để dụ dỗ các thanh niên trẻ rơi vào nợ nần, sau đó đến tận nhà đòi nợ bố mẹ. 

“Khi đó, nhiều gia đình ở Phương Canh rơi vào tình cảnh nợ nần. Nợ vài trăm triệu là chuyện nhỏ, có gia đình nợ cả tỷ”, anh Hiệp cho biết. 

Để chấn chỉnh tình trạng này, Công an phường Phương Canh đã ra hẳn thông báo, tuyên truyền và khẳng định với người dân là nợ ai nấy trả, bố mẹ không có nghĩa vụ phải trả nợ cho con cái. Nhờ thông báo rõ ràng minh bạch này, các gia đình có lý để chống lại các chủ nợ, và các đối tượng cho vay nặng lãi cũng thấy khó làm ăn nên giảm bớt.

Nhưng anh Hiệp chỉ ở phường Phương Canh được một tháng rưỡi, sau đó chuyển sang phường Phú Đô, là một địa bàn cũng có tình hình tương tự ở cùng quận Nam Từ Liêm. Người dân tại đây cũng giàu lên nhờ đền bù đất, cũng nổi tiếng với tệ nạn cờ bạc và các gia đình cũng vướng vào vòng xoáy cho vay nặng lãi giống như Phương Canh. 

“Đặc thù của dân Phú Đô là ít học, nên mình phải làm công tác hướng dẫn, tuyên truyền rất mạnh, vừa làm vừa tuyên truyền người dân mới từ từ hiểu ra”, Thượng úy Hiệp cho biết.

Đi dân nhớ, ở dân thương - Ảnh minh hoạ 2
“Trong quá trình công tác, hễ gặp khó khăn, vướng mắc cần mạnh dạn xin tham mưu, ý kiến chỉ đạo từ cấp trên, để đảm bảo hành xử của cán bộ Công an luôn đúng đắn và chuẩn mực. Một ý nữa là phải gần dân, hiểu dân, dân sẽ ủng hộ. Tuy nhiên, trên tất cả là một chiến sĩ Công an phải có nhiệt huyết, yêu ngành và yêu nghề”. Thượng úy Vũ Trường Hiệp chia sẻ.

Từ khi về phường Phú Đô, Thượng úy Hiệp cùng anh em đã tư vấn, tham mưu cho Ủy ban tiến hành nhiều hoạt động quan trọng giúp giảm thiểu các tệ nạn. 

“Thứ nhất, chúng tôi dày công soạn những bài tuyên truyền nó rõ việc cho thuê và đến nhà đòi nợ là vi phạm pháp luật, rồi tổ chức tuyên truyền qua hội họp, phát loa…, nhờ đó giúp giảm được các đối tượng cho vay nặng lãi. Thứ hai, chúng tôi tổ chức tuần tra kiểm soát, tăng cường phối hợp với các tổ dân phố vào ban đêm, khiến các đối tượng không dám manh động. Ngoài ra, chúng tôi kết hợp tham mưu tuyên truyền và xử lý các vi phạm triệt để, cương quyết. Cho vay nặng lãi lợi nhuận rất lớn nên nếu xử lý không nghiêm các đối tượng sẽ nhờn pháp luật”, anh Hiệp cho biết.

Nhờ vậy, những nhóm tổ chức cho vay nặng lãi buộc phải chuyển hướng hoặc có phương án khác. Những món nợ lớn được tư vấn giải quyết theo hướng chỉ thu nợ gốc. Nhiều người trước cho vay nặng lãi đã chuyển sang cho vay thế chấp (cầm đồ), là hoạt động được pháp luật công nhận. Từ năm 2016 đến nay, phường Phú Đô đã giảm được 80% hoạt động cho vay nặng lãi.

Những sáng kiến gần dân

Trước đây nhắc đến Phú Đô là nhắc đến tệ nạn cờ bạc và cho vay nặng lãi và ma túy. Nhưng nhờ những sáng kiến của Công an phường, những tệ nạn này nay đã giảm rất nhiều. Với hoạt động cho vay nặng lãi, Công an phường Phú Đô xây dựng một mạng lưới giám sát toàn dân, nắm danh sách những con nợ. 

Sau đó, giao cho tổ dân phố kết hợp với người dân xung quanh trông chừng những nhà đó, hễ thấy xuất hiện những kẻ tình nghi đòi nợ thuê là báo ngay cho Công an phường. Với tệ cờ bạc, kết hợp với thông tin từ quần chúng để lên danh sách tất cả những hàng quán, nhà dân chuyên tổ chức đánh bạc và ghi lô đề để có phương án kiểm tra hợp lý.

Năm 2017, Công an phường Phú Đô là 1 trong 13 phường của toàn TP Hà Nội được nhận bằng khen của Công an thành phố. Đơn vị nhận danh hiệu Quyết Thắng và vinh dự đứng đầu toàn quận.

Theo Thượng úy Vũ Trường Hiệp, có 3 điểm mấu chốt có thể giúp Công an phường hoàn thành tốt nhiệm vụ. Thứ nhất, cần phải gần dân. Có như vậy mới có thể được người dân tin tưởng và thu thập được thông tin, được người dân ủng hộ. Thứ hai, phải trau dồi kiến thức, đặc biệt về pháp luật để có thể tư vấn, tuyên truyền đúng đắn, nói là phải đúng. Có như vậy mới được người dân tin, đối tượng mới sợ. Thứ ba, giải quyết phải công tâm. Công tâm mới được người dân ủng hộ và tin tưởng. 

“Ngoài công tâm ra phải xem xét từng hoàn cảnh đặc biệt, từng đối tượng /từng người dân, phải xử lý hợp tình hợp lý, hỗ trợ được người dân”, Thượng úy Hiệp cho biết.

Long Viên

Nguồn tin: http://cstc.cand.com.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây