Chúng tôi đã có cuộc trò chuyện với Đại tá Nguyễn Minh Khương, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát PCCC và CNCH.
PV: Thưa Đại tá Nguyễn Minh Khương, 7 ngày sau khi xảy ra vụ cháy đau lòng ở quán karaoke, địa chỉ 231 Quan Hoa, Cầu Giấy, Hà Nội, chúng ta cùng lúc mất đi 3 cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát PCCC và CNCH. Đây là tổn thất rất lớn chưa từng xảy ra đối với lực lượng, Đại tá có thể chia sẻ gì về điều này?
Đại tá Nguyễn Minh Khương: Đây là tổn thất rất lớn với lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH nói riêng và lực lượng CAND nói chung. Trong những năm qua, lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH đã có 29 cán bộ, chiến sĩ (CBCS) hy sinh trong khi thực hiện nhiệm vụ và lần này chúng tôi cùng lúc mất đi 3 CBCS hy sinh, một mất mát lớn khó có thể nói thành lời.
PV: Đại tá đánh giá như thế nào về tinh thần chiến đấu quả cảm và hy sinh của CBCS nối tiếp truyền thống từ thời chiến tranh cho đến thời bình trong thực hiện nhiệm vụ?
Đại tá Nguyễn Minh Khương: Trong chiến tranh cũng như thời bình, lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH luôn xác định chữa cháy, cứu người bị nạn là chức năng, nhiệm vụ, là “mệnh lệnh” từ trái tim. Nối tiếp truyền thống của các thế hệ đi trước, CBCS Cảnh sát PCCC và CNCH mỗi lần có sự cố cháy, nổ phải thật nhanh lao vào biển lửa để dập lửa, cứu người. Chúng tôi ý thức được rằng sẽ đối mặt với nguy hiểm, với những yếu tố bất ngờ có thể xảy ra nhưng chúng tôi không nề hà, sẵn sàng xả thân chiến đấu với “giặc lửa” khi nghe thông tin trong đám cháy có người, có tài sản và kịp thời ngăn chặn nguy cơ đám cháy có thể lan rộng, bùng phát sang nhà dân, công trình… bên cạnh. Lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH luôn thể hiện tinh thần quả cảm, thậm chí sẵn sàng hy sinh.
Lãnh đạo Bộ Công an đã chỉ đạo các đơn vị nghiệp vụ, Công an địa phương lan tỏa gương dũng cảm hy sinh của Thượng tá Đặng Anh Quân, Thượng úy Đỗ Đức Việt, Hạ sĩ Nguyễn Đình Phúc trong toàn lực lượng CAND, đặc biệt lan tỏa đến CBCS trẻ CAND noi gương hy sinh anh dũng của 3 chiến sĩ Cảnh sát PCCC và CNCH để tiếp tục phấn đấu, rèn luyện hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trên cương vị công tác.
Qua vụ việc đau lòng này, chúng tôi tiếp tục tô thắm thêm truyền thống của lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH để các thế hệ trẻ ngày một phấn đấu, rèn luyện tốt hơn, nâng cao trình độ nghiệp vụ vừa hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, vừa đảm bảo an toàn cho mình trong quá trình chữa cháy, CNCH.
PV: Trong chữa cháy, Cảnh sát PCCC và CNCH phải đối mặt với những mối nguy hiểm như thế nào, thưa đồng chí?
Đại tá Nguyễn Minh Khương: Khi đi vào trong khu vực đám cháy, nơi có nhiệt độ cao, lửa lớn, khói, khí độc và có cả những yếu tố khác như sập đổ công trình, trần, sàn… thậm chí trong khu vực đó tồn tại một số vật dụng, vật liệu có thể dẫn đến sự cố nổ khí gas, loại hóa chất… mà lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH không thể biết trước được. Thời điểm đó, khi xảy ra cháy người dân đã di chuyển, thoát ra ngoài hoặc họ không cung cấp đầy đủ những thông tin trước khi lực lượng Cảnh sát PCCC thực hiện nhiệm vụ. Đấy là yếu tố tiềm tàng, nguy hiểm mà Cảnh sát chữa cháy phải đối mặt. Tuy nhiên, với tinh thần trách nhiệm, ý chí chiến đấu và sự quyết tâm trong thực hiện nhiệm vụ thì Cảnh sát PCCC và CNCH luôn ở trạng thái xung phong, sẵn sàng tiếp cận khống chế ngọn lửa, tổ chức tìm kiếm cứu nạn tại các ngóc ngách, vị trí trong căn hộ, công trình… và chỉ dừng lại khi không có người bị nạn, chúng tôi mới tiếp tục khoanh vùng xử lý dập tắt đám cháy.
PV: Với tốc độ phát triển đô thị hiện nay và trong tương lai, Cảnh sát PCCC và CNCH cần bổ sung như thế nào về trang thiết bị và nguồn lực con người để đáp ứng yêu cầu trước tình hình mới?
Đại tá Nguyễn Minh Khương: Lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH tại một số tỉnh, thành phố cơ bản đáp ứng được yêu cầu đề ra. Tuy nhiên, còn nhiều tỉnh, thành phố Cảnh sát PCCC và CNCH còn rất mỏng cả về số lượng, mạng lưới các đội chữa cháy để “bao phủ” bảo vệ địa bàn. Theo quy định một số nước tiên tiến trên thế giới là thời gian chữa cháy, CNCH hiệu quả từ khi đám cháy mới phát sinh cho đến khi lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH có mặt là khoảng từ 3 phút đến 5 phút. Nhưng khi áp dụng ở Việt Nam có một số địa bàn, bán kính bảo vệ của các đội chữa cháy, CNCH có khi đến vài chục km. Do vậy, để đáp ứng yêu cầu thời gian “vàng”, có lẽ trong giai đoạn hiện nay chưa đảm bảo yêu cầu đề ra.
Trong thời gian tới, chúng tôi tiếp tục tập huấn nâng cao năng lực cho CBCS để phục vụ chữa cháy, CNCH. Hiện nay, Bộ Công an đang đề xuất với Chính phủ cho thực hiện đề án về trang bị phương tiện bảo vệ cá nhân cho CBCS thực hiện nhiệm vụ chữa cháy và CNCH (Như giày, ủng, trang phục quần áo, mũ, găng tay và những thiết bị thở đảm bảo theo tiêu chuẩn quốc tế).
PV: Qua đây, đồng chí có khuyến cáo gì với người dân?
Đại tá Nguyễn Minh Khương: Chúng tôi khuyến cáo, đề nghị người dân cần chủ động trang bị những kiến thức về PCCC, CNCH để khi tình huống sự cố cháy, nổ xảy ra thì có thể chủ động dập cháy ngay từ ban đầu. Hơn nữa những người đứng đầu chủ hộ gia đình, cơ sở kinh doanh, cơ quan xí nghiệp, công trình… cần chấp hành tuân thủ đầy đủ các quy định về pháp luật PCCC, điều kiện an toàn PCCC thì nguy cơ xảy ra sự cố cháy, nổ sẽ giảm thiểu và nếu như có xảy ra thì khả năng lan rộng đám cháy, gây ra thiệt hại lớn về người và tài sản sẽ ít đi.
Ngoài ra, mỗi người dân, chủ hộ gia đình, chủ các cơ sở sản xuất kinh doanh, công trình… thời điểm khi xảy ra cháy cần cung cấp thông tin đầy đủ, chính xác về các khu vực xảy ra cháy; các yếu tố nguy hiểm có thể xảy ra đối với lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH khi thực hiện nhiệm vụ trong các khu vực đó. Và khi chúng tôi nắm được những thông tin đầy đủ, chi tiết như vậy, chúng tôi sẽ có biện pháp tiếp cận một cách hợp lý nhất, có giải pháp phục vụ cho việc chữa cháy, tìm kiếm cứu nạn một cách nhanh, hiệu quả, an toàn nhất.
Xin cảm ơn Đại tá!
Nguồn tin: cand.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn