Những con số tưởng như khô khan ấy đã nói nên nhiều điều. Đó là sự nỗ lực không mệt mỏi của những chiến sĩ CNCH quả cảm giành giật sự sống cho nạn nhân từ tay tử thần. Nhưng nghề cứu nạn, không chỉ có khúc hoan ca mà có cả những nốt trầm...
Nỗi buồn của người lính xung kích
Trụ sở Đội chữa cháy và CNCH trên sông (thuộc Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH Hà Nội) nằm ven đê sông Hồng, cách cầu Chương Dương chừng 4,5km hướng hạ lưu. Bất kể ngày nghỉ hay lễ Tết, quân số ở đây luôn duy trì trực 50%, trừ khi có yêu cầu tập trung 100% quân. Họ luôn trong tinh thần sẵn sàng chiến đấu. Bố trí cho chúng tôi gặp Trung úy Đinh Văn Quang, Đội trưởng– Trung tá Trần Tiến Đạt giới thiệu: “Đồng chí Quang là lính “thiện xạ”, giỏi cả trên cạn và giỏi lặn dưới nước, đặc biệt là rất có duyên với… người chết”.
Lời giới thiệu ấn tượng và theo như Trung úy Quang thì “chẳng lấy gì làm tự hào”. Bởi, đó là sự ám ảnh, là nỗi buồn sau mỗi lần tham gia cứu nạn. Bao nhiêu niềm vui khi cứu người, cứu tài sản thành công thì cũng ngần ấy nỗi buồn trước sự bất lực khi nạn nhân đã ở tình trạng “sự đã rồi”.
19h05 ngày 3-11, nhận tin báo có vụ tai nạn xe ôtô Mecedes rơi từ cầu Chương Dương xuống sông Hồng, toàn Đội triển khai lực lượng tiếp cận hiện trường tìm chiếc xe có nạn nhân bên trong. Tình thế vô cùng gấp gáp. Một chiếc xuồng cao su xuất phát từ bến của Cảnh sát giao thông ở số 883 Bạch Đằng hướng lên thượng lưu. Đồng thời Đội nhờ Cảnh sát giao thông đường thủy (Công an Hà Nội) chi viện, chở thiết bị chuyên dụng tới hiện trường như móc câu, camera dò tìm dưới nước…
Nước sông mênh mông, chảy mạnh, sức người vất vả vật lộn cùng dòng nước. 4 xuồng cùng nhiều thuyền của thuyền chài cùng giăng lưới, dùng nam châm điện từ ròng dây thả xuống nước rà quét toàn khu vực nghi vấn. Tốp lặn 4 người của Đội lao xuống đáy sông. Bám vào dây định hướng, các chiến sỹ bước từng bước dưới đáy sông thận trọng dò tìm. Nước sông chảy xiết, khoảng cách từ mặt nước xuống đáy sông chừng 15-20m. Nước trôi, thuyền trôi, người lặn phải lựa theo dòng nước khiến khoảng cách di chuyển từ thuyền tới đáy sông phải tới chừng 30m.
Mỗi khi thiết bị xác định vật thể mắc là có hy vọng tìm thấy chiếc xe, các chiến sỹ lại lặn xuống, không quản dòng nước xiết và cái lạnh lẽo dưới đáy sông. Nhiều lần như thế, thiết bị hết vướng vào đá, mố cầu, lặn xuống lại ngoi lên. Sau 5 giờ tìm kiếm mới xác định được chiếc xe rơi cách mố cầu chỉ chừng 30m. Cùng sự hỗ trợ của thuyền chài, các anh đã khóa bánh xe và di chuyển xe về bến Bồ Đề, dùng xe cứu hộ cẩu lên.
Việc cẩu xe cũng phải hết sức thận trọng bởi bờ sông có nền đất yếu, dễ sụt lún. Hai nạn nhân trong xe được đưa ra trong nỗi buồn của người đi cứu hộ và sự đau đớn tột cùng của người thân. Bởi thế, hình ảnh của nạn nhân cũng được giữ kín đáo trước một rừng máy ảnh, điện thoại thông minh chỉ chực chờ chớp lại.
Trung úy Đinh Văn Quang kể, cách đây nhiều năm anh cũng từng tham gia tìm kiếm chiếc xe rác cùng lái xe rơi xuống sông Đuống. Cuộc tìm kiếm cũng vô cùng gian nan bởi chiếc xe trôi xa nhiều kilomet trên dòng sông chảy xiết. Và nạn nhân đều đã mất trước khi tìm được thi thể. Anh không nhớ mình đã tham gia cứu nạn cứu hộ bao nhiêu lần, nhưng lần nào cũng nỗ lực hết sức, chạy đua với thời gian, chạy đua cùng tử thần, hà bá để giành giật sự sống. Và, trong nhiều trải nghiệm ấy, mỗi lần tìm thấy thi thể là thêm một ám ảnh, một nỗi buồn.
Cảnh sát PCCC&CNCH Công an tỉnh Hòa Bình chạy đua với thời gian cứu người trong hang Cột Cờ. |
Day dứt từ hiện trường cứu nạn
Cùng tâm trạng với Trung úy Đinh Văn Quang, Đại úy Nguyễn Minh Đức, Đội chữa cháy và CNCH dưới nước, Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH Hà Nội cũng thường xuyên bị ám ảnh bởi những hình ảnh ở hiện trường và cảm giác bất lực khi không thể làm gì hơn cho nạn nhân. Đó là hiện trường trong vụ cháy karaoke Nhật Thực ở phố Giảng Võ, Hà Nội mà anh tham gia cứu nạn. Sức nóng khủng khiếp của đám cháy với vật liệu cách âm, hình ảnh của các nạn nhân nằm gục trên cầu thang, trong giường ngủ… thực sự ám ảnh.
Gần 30 năm công tác, Thượng tá Phạm Tuấn Linh – Phó trưởng Phòng Cảnh sát PCCC &CNCH Công an tỉnh Hòa Bình đã trải qua nhiều “cuộc vật lộn” với “bà hỏa”, với những vụ tìm kiếm, cứu nạn người mất tích, nhưng có lẽ vụ sập hầm vàng sa khoáng tại hang Cột Cờ (xã Thanh Nông, huyện Lạc Thủy, tỉnh Hòa Bình) để lại cho anh và đồng đội nhiều day dứt.
Vụ sập hầm vào rạng sáng 4-11 khiến hai nạn nhân bị vùi sâu trong hang. 11 ngày tích cực triển khai các phương án CNCH, đưa thi thể hai nạn nhân ra khỏi nơi mắc kẹt là 11 ngày anh cùng anh em trong đơn vị phải “đối diện” với vô vàn hiểm nguy.
Khoảng 2h sáng 4-11, vụ sập hầm khai thác vàng sa khoáng khiến hai nạn nhân là anh Trương Công Chánh (26 tuổi, ở huyện Thạch Thành (Thanh Hóa) và anh Bùi Văn Thú (28 tuổi, ở huyện Lạc Thủy bị vùi lấp sâu trong hang.
“Khi lực lượng đến nơi, bên ngoài hiện trường là bãi khai thác vàng sa khoáng chứa nhiều bùn đất ở các cao tầng khác nhau dẫn xuống cửa hang nơi có hai nạn nhân và các phương tiện bị vùi lấp sâu bên trong hang. Mọi người đang cố gắng tìm cách vào vị trí hai nạn nhân đang mắc kẹt để cứu nạn”, Thượng tá Phạm Tuấn Linh nhớ lại.
Xác định việc tiếp cận vị trí hai nạn nhân không thể “một sớm, một chiều” cũng như đảm bảo yếu tố an toàn, nên lực lượng CNCH đã dựng lán trại, ăn ngủ tại chỗ. Với quyết tâm bằng mọi giá phải tìm thấy tung tích hai nạn nhân bị mất tích, những ngày sau đó, hàng trăm lượt cán bộ chiến sĩ Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH cùng lực lượng CNCH ở địa phương tích cực đào mương dẫn nước, xúc bùn, cát trong hang, gia cố bờ bao ngăn nước trôi xuống…
Thượng tá Phạm Tuấn Linh kể rằng, quá trình tìm kiếm các nạn nhân trong hang Cột Cờ rất khó khăn và tiềm ẩn nhiều hiểm nguy. Nếu như ban ngày, trong khoảng thời gia từ 3-4 tiếng, lực lượng CNCH mới thay ca một lần thì vào thời điểm đêm tối, khi khói từ máy xúc nhả ra, điều kiện ánh sáng thiếu, cứ 1-2 tiếng, các anh đã phải thay ca. Với sự nỗ lực không ngừng của các cán bộ chiến sĩ Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH cùng các lực lượng tìm kiếm cứu nạn, đến 11h ngày 10-11, thi thể nạn nhân đầu tiên là anh Trương Công Chánh và đến 23h30 ngày 15-11, thi thể anh Bùi Văn Thú được đưa ra ngoài.
“Lúc phát hiện nạn nhân, anh em chúng tôi buồn vô hạn bởi đã không thể cứu được người. Nhưng, chúng tôi cố gắng tránh làm nạn nhân “đau” thêm một lần nữa, thận trọng dùng tay bới bùn đất quanh thi thể, rồi sau đó chuyền tay nhau đưa nạn nhân lên gầu máy xúc rồi chuyển ra ngoài bằng thuyền nhỏ”- Thiếu tá Đỗ Thanh Đạt tâm sự.
Và dẫu mục tiêu cứu người không thành, dẫu đọng lại là sự luyến tiếc, xót xa, song các anh đã làm hết sức. 11 ngày tích cực tìm kiếm CNCH tại hang Cột Cờ là 11 ngày cán bộ chiến sĩ của Phòng Cảnh sát PCCC& CNCH không quản ngại khó khăn, gian khổ, không sợ hiểm nguy khi làm việc trong môi trường nhiều nguy cơ tai nạn.
Thượng tá Phạm Tuấn Linh – Phó trưởng Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH, Công an tỉnh Hòa Bình chia sẻ, đã là lính chữa cháy và CNCH phải luôn xác định khi mọi người chạy ra thì mình chạy vào, có người gặp nạn là mình phải cùng đồng đội cứu nạn cho bằng được. Đấy cũng chính là lý do lý giải vì sao mỗi khi nhận được tin báo cháy, có mặt tại hiện trường, câu đầu tiên mà lực lượng PCCC&CNCH vẫn thường hỏi người dân, người chứng kiến sự việc là: “Trong đó - nơi phát cháy, xảy ra tai nạn, có người mắc kẹt không? Có bao nhiêu người vẫn còn trong đó?”. |
Tác giả: Việt Hà – Trần Huy
Nguồn tin: http://cand.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn