Chuyện đời, chuyện nghề của một giám thị trại giam

Thứ năm - 03/10/2019 13:33
26 năm công tác trong ngành Công an cũng là từng ấy thời gian Thượng tá Trần Văn Dũng, Giám thị Trại giam Xuân Phước (Cục Cảnh sát quản lý trại giam - Cơ sở giáo dục - Trường giáo dưỡng của Bộ Công an) gắn bó với những công việc ở trại giam. Với anh, đó không chỉ là nghề mà còn như nghiệp.


Là người chỉ huy một đơn vị, anh luôn quan niệm, để cải tạo được phạm nhân, ngoài áp dụng các quy định của pháp luật vẫn rất cần tấm chân tình để giúp những người từng một thời lầm lỗi hoàn lương.

1. Quê ở Nam Định, nhưng Trần Văn Dũng lại có duyên nợ với mảnh đất Phú Yên. Năm 1993, sau khi tham gia lực lượng Công an, Trần Văn Dũng lên Thái Nguyên huấn luyện về Cảnh sát bảo vệ trại giam ở Trại giam Phú Sơn 4. 

Cuối năm 1993, anh nhận lệnh về công tác tại Trại giam Xuân Phước, xã Xuân Phước, huyện Đồng Xuân (Phú Khánh), nay là tỉnh Phú Yên, với nhiệm vụ Cảnh sát bảo vệ.

Ngày ấy, Xuân Phước còn là nơi heo hút, khó khăn của tỉnh Phú Khánh. Mùa khô nắng lửa nên đất đai cằn cỗi, mùa mưa trút nước dai dẳng, lũ dữ ầm ào đổ xuống sông Trà Bương cắt đứt giao thông. Sốt rét rừng là nỗi ám ảnh những người sinh sống ở đây, có thời điểm hơn 40% CBCS bị căn bệnh này hành hạ đến mức 9 cán bộ chiến sĩ đã ra đi. 

Là trại giam nhưng nhiều năm đầu, cán bộ quản giáo và phạm nhân lưu trú trong những căn nhà mái tranh vách đất, sau đó là những căn nhà xây cấp bốn lợp tôn. Mỗi tuần thư, báo mới đến một lần, vào mùa mưa lũ lắm khi nửa tháng mới có. Ngoài radio của cá nhân, cả đơn vị có một tivi đen trắng nhưng cánh lính trẻ phải lên đồi chỉnh sửa ăng-ten nhiều lần mà hình ảnh lúc rõ, lúc nhoè…

Chuyện đời, chuyện nghề của một giám thị trại giam
Thượng tá Trần Văn Dũng – Bí thư Đảng ủy, Giám thị Trại giam Xuân Phước.

Thời ấy, nhà cửa, nơi giam giữ chưa được xây dựng kiên cố nhưng phạm nhân chấp hành án ở trại có rất nhiều người từng là sĩ quan cấp tá, tỉnh trưởng, quận trưởng, đối tượng phản động và tội phạm hình sự đặc biệt nguy hiểm có mức án phạt tù từ 10 năm đến chung thân, trong đó có nhiều tay anh chị giang hồ, lắm lần vào tù ra tội cùng những kẻ nuôi dưỡng ảo vọng phục quốc… kích động gây rối, trốn trại. 

Vì thế, công việc của quản giáo tới cảnh sát bảo vệ rất vất vả. Sau 2 năm làm cảnh sát bảo vệ, Trần Văn Dũng được cử đi học tại Trường Trung cấp CSND II  ở TP HCM. Năm 1997, tốt nghiệp, anh lại về đơn vị cũ làm quản giáo.

Sau những trải nghiệm thực tế từ cảnh sát bảo vệ đến quản giáo, năm 2006, Trần Văn Dũng được bổ nhiệm làm Đội trưởng Đội Tham mưu tổng hợp, nhưng vẫn ngược xuôi đi học hai năm cuối Đại học Cảnh sát hệ tại chức ở Đắk Lắk rồi lần lượt được bổ nhiệm Phó giám thị năm 2009 và Giám thị năm 2010. Dù tất bất với nhiều công việc nhưng Trần Văn Dũng nỗ lực học tập và nhận bằng Thạc sĩ Luật năm 2017 với luận án: “Quyền công dân của phạm nhân từ thực tế ở các trại giam khu vực miền Trung”.

2. Nói đến hoạt động đấu tranh phòng chống tội phạm trong trại giam, Thượng tá Dũng cho biết, dù đang thi hành án nhưng một số phạm nhân vẫn mưu toan cấu kết chống đối, gây rối, trốn trại, móc nối bên ngoài lén lút đưa điện thoại, tiền và ma tuý vào trại giam… 

Vì vậy, để phòng ngừa tội phạm trong trại giam từ nhiều năm qua, anh và Ban Giám thị trại Xuân Phước luôn quan tâm tới công tác cán bộ, đó là điều động những cán bộ có bản lĩnh, trình độ nghiệp vụ - pháp luật vững vàng đảm nhiệm công tác quản giáo, đồng thời thường xuyên rà soát, phân loại phạm nhân, triển khai đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ, kịp thời xác minh làm rõ các nguồn tin, chủ động bóc tách những nhóm phạm nhân có dấu hiệu cấu kết thực hiện những hành vi phạm pháp… Vì vậy, trong hai năm 2014-2015, trại đã phát hiện 303 vụ gồm 509 đối tượng vi phạm pháp luật và nội quy, kỷ luật trại giam.

Đầu tháng 4-2011, quản giáo phát hiện một phạm nhân sử dụng ma túy, anh Dũng trực tiếp chỉ đạo điều tra, thu thập chứng cứ rồi xác lập chuyên án trinh sát để đấu tranh khám phá. 

Rạng sáng 5-6-2014, trinh sát phát hiện, vây bắt Võ Thị Hồng Duyên, Lê Văn Phụng ném vỏ hộp sữa Vinamilk vào bên trong tường rào, trong đó có “hàng trắng” nhưng hai đối tượng chối tội khi nói rằng họ chỉ nghịch ngợm vu vơ. 

Khi xác minh nhân thân nghi can đã phát hiện Duyên có chồng là Đoàn Quốc Minh (SN 1983) trú ở phường 9, TP Tuy Hòa (Phú Yên) đang thi hành án 15 năm tù về tội giết người. Sau nhiều giờ đấu tranh, Minh khai nhận đã bày cho vợ mua ma túy ném vào trại giam để bán cho phạm nhân khác. 

Trước đó ba tháng, nhận được nguồn tin ma túy lọt vào phân trại số 1, Thượng tá Dũng trực tiếp chỉ đạo rà soát, xác minh và điều chuyển phạm nhân Nguyễn Văn Dũng (SN 1965) trú ở phường 3, quận 11, TP HCM đang thi hành án 17 năm tù về tội mua bán trái phép chất ma túy sang một buồng giam khác. 

Khi phạm nhân này vừa mang túi xách ra bên ngoài, trinh sát tiến hành kiểm tra, thu giữ 1,875 gam heroin, sau đó vụ việc được chuyển giao cho Công an huyện Đồng Xuân xử lý theo quy định pháp luật.

Chuyện đời, chuyện nghề của một giám thị trại giam - Ảnh minh hoạ 2
Cán bộ Trại giam Xuân Phước hướng dẫn phạm nhân học nghề thủ công mỹ nghệ.

Ngoài ma túy, người nhà phạm nhân còn tìm cách tuồn tiền mặt, điện thoại vào trại giam để thực hiện hành vi phạm pháp khác. Đầu tháng 5-2015, trinh sát của trại nắm nguồn tin phạm nhân Ngô Văn Ký (SN 1978) trú ở xã Hòa Thành, huyện Đông Hòa (Phú Yên) đang thi hành án 15 năm tù về tội tham ô tài sản, mưu tính chuyển tiền vào trại giam. 

Thượng tá Dũng chỉ đạo tạo điều kiện cho Ký tiếp xúc thân nhân thăm nuôi, đến khi về đến cổng phân trại, CSBV khám xét thu giữ 18 triệu đồng cất giấu trong đáy quần. Ký khai nhận đã móc nối người vợ là Nguyễn Thị Tú Quỳnh làm “dịch vụ chuyển tiền” cho phạm nhân Nguyễn Nhật Trí. 

Cùng thời điểm này, một mũi trinh sát xác minh, truy bám phạm nhân Hà Văn Thiện (SN 1994, trú ở thị trấn La Hai, huyện Đồng Xuân, Phú Yên) đang thi hành án 9 tháng tù về tội cố ý gây thương tích. 

Khi ra bên ngoài lao động, Thiện đến gốc cây xoài lấy túi nilon có 6 điện thoại di động nhưng chưa kịp ném vào trong tường rào đã bị trinh sát bắt quả tang. Thiện khai nhận cấu kết cùng cha ruột Hà Văn Tài và anh họ Hà Phương Bình bán điện thoại, hai người này từng là phạm nhân Trại giam Xuân Phước.

Vất vả nhất là cuộc truy lùng phạm nhân Huỳnh Văn Thảo, trú ở xã Tân Quý Tây, huyện Bình Chánh, TP HCM trốn trại gần 24 năm. Bị bắt từ ngày 9-4-1987 và phải lãnh án 20 năm tù về tội phá hủy công trình, phương tiện quan trọng về an ninh quốc gia, nhưng sau 1 năm vào Trại giam Xuân Phước, ngày 25-9-1991, Thảo trốn biệt dạng khi đang đi lao động. Hàng trăm lượt trinh sát lùng tìm Thảo hơn 20 năm ở nhiều nơi nhưng vẫn “bặt âm, vô tín”. 

Cuối năm 2014, một nguồn tin cho hay Thảo thay tên đổi họ, ẩn mình dưới vỏ bọc lương thiện trong một con hẻm ở TP HCM nên chuyên án truy xét được xác lập do Thượng tá Dũng đảm nhiệm trưởng ban, triển khai nhiều biện pháp nghiệp vụ gần hai tháng trời mới vây bắt kẻ trốn nã khi hắn vừa mò về nhà trong đêm cuối tháng 3-2015.

Không chỉ nâng cao hiệu quả đấu tranh phòng chống tội phạm, hàng chục năm qua Thượng tá Trần Văn Dũng cùng các quản giáo nghiên cứu hồ sơ, tìm hiểu gia cảnh, học vấn, tâm lý nhiều phạm nhân “cứng đầu” để cảm hóa giáo dục bằng nhiều động thái nhân văn, khiến họ phải cảm phục…

Bằng những việc làm thiết thực nhất, những năm qua Thượng tá Trần Văn Dũng cùng tập thể cán bộ chiến sĩ đã xây dựng Trại giam Xuân Phước là đơn vị luôn hoàn thành nhiệm vụ. Cá nhân anh 10 năm liền (2009-2018) được công nhận là Chiến sĩ thi đua, trong đó có 2 năm 2015, 2018 là Chiến sĩ thi đua toàn lực lượng CAND. 

Anh cũng được Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Công an, Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên khen thưởng và vinh dự được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng Ba.

Phan Thế Hữu Toàn

Nguồn tin: http://cstc.cand.com.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây