Chuyện đời, chuyện nghề của “bông hồng thép” vang bóng một thời

Thứ năm - 18/05/2017 06:42
Thượng tá Lâm Hồng nhớ lại, cuối những năm 1980, tình hình tội phạm trên địa bàn Hải Phòng diễn biến phức tạp, Công an thành phố...


Thượng tá Lâm Hồng nhớ lại, cuối những năm 1980, tình hình tội phạm trên địa bàn Hải Phòng diễn biến phức tạp, Công an thành phố lúc đó thành lập đội Cảnh sát đặc biệt H88, có nhiệm vụ trấn áp những tên tội phạm sừng sỏ nhất. Lâm Hồng là một trong những người được đào tạo trinh sát nên cũng được điều chuyển về đây công tác cùng với nhiều cán bộ ưu tú của lực lượng Cảnh sát đất Cảng. 

Trong thời gian ngắn, Đội Cảnh sát đặc biệt đã triệt phá hàng chục ổ nhóm, bắt giữ hàng trăm tên tội phạm nguy hiểm, đảm bảo trật tự an ninh và lấy lại niềm tin trong nhân dân. Sau đó Lâm Hồng được phân công về công tác tại đội Án tuyến của Phòng CSHS. Đây chính là nơi đã ghi dấu biết bao thành tích, chiến công của người nữ trinh sát đầy bản lĩnh và kiên cường.

Thượng tá Lâm Hồng nhớ lại, vào đầu những năm 1990, bà được giao phụ trách tuyến cả đường thủy lẫn đường bộ, gồm toàn bộ tuyến sông Cấm và Quốc lộ 10 chạy qua địa phận Hải Phòng. Hai tuyến này liên quan đến nhau bởi bến phà Bính. Các phương tiện từ Quảng Ninh về Hải Phòng và đi các tỉnh phía Nam buộc phải qua đây. Do vậy, phà Bính là nơi tập trung đủ loại tội phạm, trở thành nỗi ám ảnh cho bất cứ lái xe hay hành khách nào mỗi lần đi qua.

Chuyện đời, chuyện nghề của “bông hồng thép” vang bóng một thời
Thượng tá Trần Lâm Hồng và cháu nội.

Lúc bấy giờ trên sông phải kể đến các băng nhóm, như anh em nhà Sơn “dầm” và Hà “dầm”, nhóm của Hà “nhuận” hay là nhóm của Giang “thuyền chài”… Bọn chúng như những con rái cá trên sông, trộm cắp, cướp bóc hàng hóa của các tàu thuyền ra vào cảng. Còn trên bộ là nhóm của Hùng “mặt quỷ”, Bình “lung”, Thành “con”, Lũy “lùn”…, luôn sẵn sàng xuống tay cả với hành khách và lái xe mỗi khi dừng đỗ chờ qua phà Bính. Thế nhưng dù băng ổ nhóm nào, lưu manh đến đâu, kể cả sừng sỏ như Hùng “dơi” hay Sơn “kíp” khi nghe đến cái tên Hồng “đen”, biệt danh của Lâm Hồng lúc bấy giờ thì tất cả đều nể phục.

Thượng tá Lâm Hồng kể lại trên sông Cấm hàng ngày, bà một mình một chiếc thuyền nan chèo dọc sông trinh sát, nắm tình hình, thậm chí chỉ mặt bất cứ ổ nhóm nào có biểu hiện trộm cắp, làm luật các phương tiện. Còn trên tuyến Quốc lộ 10, thời điểm này tình trạng trộm cướp diễn ra phổ biến trên xe khách. 

Một hôm Lâm Hồng như một quý bà giàu có với nhẫn vàng và dây chuyền rủng rỉnh (toàn là đồ giả mua ở chợ Sắt). Để thu hút đối tượng, mỗi lần lên xe Lâm Hồng đều cố tình khoe của. Khi thấy “ngon ăn”, các đối tượng nhao vào thì lập tức bị chính “nạn nhân” và “hành khách” xung quanh là những trinh sát đang ngồi chờ sẵn khống chế, bắt gọn. 

Một số ổ nhóm tội phạm từ xã Đại Bản, huyện An Dương hoành hành bằng cách sử dụng xe máy bám theo phương tiện chở hàng từ cảng ra để trộm cướp. Khi đã nắm rõ phương thức thủ đoạn của đối tượng, Lâm Hồng chuyển từ “lính thủy” lên cùng đồng đội “đánh bộ”, ngụy trang nằm trong thùng xe ôtô phủ kín bạt để theo dõi. Chờ cho đến lúc đối tượng ra tay lập tức trinh sát bung bạt, xông ra bắt gọn.

Những lần tham gia “đánh bộ”, Lâm Hồng ấn tượng nhất vụ bắt Dương “phở”, đối tượng cầm đầu ổ nhóm chuyên làm luật, trộm cướp trên tuyến xe từ Lạch Tray đi Đồ Sơn. Khi Dương “phở” vừa đưa tay định thu tiền thì Lâm Hồng trong vai một bà buôn đồng nát nhanh chóng khống chế. 

Mặc dù cậy to khỏe hơn. Dương “phở” vùng dậy bỏ chạy thoát thân nhưng Lâm Hồng kiên quyết truy đuổi gần 2 km bắt bằng được đối tượng. Lúc này người dân đi đường chứng kiến đều thốt lên rằng, con mẹ đồng nát nào mà ghê gớm đến thế (!). Khi biết tin con trai bị bắt, mẹ Dương “phở” còn bắn tin đe dọa, gây sức ép, nhưng với bản lĩnh vững vàng, Lâm Hồng buộc cả đối tượng và gia đình sau đó phải tâm phục, khẩu phục.

Không chỉ cương quyết đấu tranh, Lâm Hồng còn có những biện pháp quản lý đối tượng hết sức chặt chẽ. Khi đó tình trạng trẻ em ở 2 đầu bến phà Bính thường đeo bám hành khách để xin tiền, chèo kéo bán hàng. Lâm Hồng đã sử dụng chính lực lượng này làm “tai”, “mắt” thông tin về hoạt động của các đối tượng cho lực lượng Công an.

Lâm Hồng đã bố trí cho các bé trai thành lập một tổ đội chuyên đun đẩy thuê cho các phương tiện chở hàng nặng mỗi khi lên, xuống phà. Còn các bé gái thì được trang bị tủ thuốc để bán hàng cho các phương tiện tàu thuyền trên sông. Thông qua đó các em vừa có thu nhập ổn định lại vừa giúp được lực lượng Công an theo dõi, giám sát được hầu hết các đối tượng phạm pháp. 

Nhờ vậy, nhiều vụ việc nghiêm trọng xảy ra như vụ án Bình “chó” dùng dao chém chết một thủy thủ tàu khách; hay vụ Phạm Văn An ra tay sát hại anh Vũ Văn Luyện ở bên kia phà Bính… Do làm tốt công tác cơ sở, quản lý đối tượng, chỉ sau ít giờ xảy ra án mạng, Lâm Hồng đã cùng đồng đội truy bắt được hết các hung thủ, dù có đối tượng đã nhanh chân bỏ trốn ra đến ngoài biên giới Móng Cái (Quảng Ninh).

Ấm áp nghĩa tình đồng đội

Về nghỉ hưu đã hơn 10 năm nhưng gia đình Thượng tá Lâm Hồng vẫn phải đối diện với biết bao khó khăn. Trong căn nhà tập thể cấp 4 cũ kĩ, cùng với đứa con trai thứ 2 bị tật nguyền, vợ chồng bà Lâm Hồng còn phải nuôi thêm đứa cháu gái nội là con của cậu con trai lớn gửi lại sau khi vợ chồng chia tay nhau. 

Thấu hiểu được hoàn cảnh khó khăn cũng như thể hiện lòng tri ân đối với sự cống hiến, đóng góp của người nữ trinh sát kiên trung năm xưa, Giám đốc Công an thành phố đã phát động đến toàn lực lượng Công an Hải Phòng chung tay sẻ chia, ủng hộ gia đình Thượng tá Lâm Hồng xây dựng lại căn nhà mới khang trang, vững chãi hơn.

Thượng tá Trần Lâm Hồng và cháu nội.

Tác giả: Văn Huy - Đăng Hùng

Nguồn tin: http://cand.com.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây