Chuyện chưa kể về một vị Tư lệnh

Thứ ba - 23/04/2019 06:53
“Trang thiết bị vũ khí, phương tiện thông tin liên lạc của đồng chí có đảm bảo không?”,Trung tướng Phạm Quốc Cương, Tư lệnh Cảnh sát cơ động (CSCĐ) dừng chân hỏi một chiến sỹ khi đi kiểm tra các chốt ứng trực bảo vệ xung quanh Khách sạn Metropole, tại thời điểm Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên lần thứ 2 diễn ra ở Hà Nội.


Dứt lời, ông bất ngờ kiểm tra súng, hộp tiếp đạn của chiến sỹ đó, hay yêu cầu một chiến sỹ khác thử liên lạc thông suốt bằng bộ đàm với chỉ huy…

Chỉ huy là người gắn bó với lính ở thời khắc khó khăn nhất

Tôi bị ấn tượng mãi với hình ảnh ấy, nhưng một chiến sỹ tâm sự với tôi, trong bất kỳ lần ra quân làm nhiệm vụ nào, mỗi CBCS đều phải “nạp đủ 100% năng lượng về sự chuẩn bị, sẵn sàng”, bởi bên cạnh việc phục vụ sự kiện đó thì rất có thể Tư lệnh sẽ đột xuất đến kiểm tra.

Bây giờ, dù là Tư lệnh nhưng với Trung tướng Phạm Quốc Cương vẫn thường đột xuất đi kiểm tra các đơn vị. Trưởng thành từ một người lính, vì thế ông hiểu sự vất vả của lính, nên một lời động viên thăm hỏi đúng lúc cũng là động lực để anh em phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ. Thậm chí, nhiều chuyên án triệt phá các băng, ổ nhóm tội phạm nguy hiểm, có vũ khí thì Tư lệnh Phạm Quốc Cương ngoài chỉ đạo phương án tác chiến còn trực tiếp đến hiện trường động viên, “lên dây cót tinh thần” cho anh em.

Chuyện chưa kể về một vị Tư lệnh
Trung tướng Phạm Quốc Cương, Tư lệnh CSCĐ kiểm tra công tác ứng trực sẵn sàng chiến đấu của lực lượng CSCĐ.

Chuyên án phối hợp với các đơn vị nghiệp vụ của Bộ Công an và Công an tỉnh Sơn La tham gia truy bắt, tiêu diệt các đối tượng mua bán vận chuyển ma túy sử dụng vũ khí “nóng” do Nguyễn Thanh Tuân, Nguyễn Văn Thuận cầm đầu ở Lóng Luông, Vân Hồ, Sơn La là một ví dụ.

Trung tướng Cương kể rằng, trước đó Công an tỉnh Sơn La đã thực hiện các biện pháp nghiệp vụ thời gian dài nhưng chưa giải quyết được, nên cuối cùng Ban Chuyên án quyết định phải sử dụng biện pháp vũ trang. Lực lượng CSCĐ được giao nhiệm vụ phối hợp và chủ công trong các mũi tấn công, do đó ông nhiều lần lên Sơn La để kiểm tra và động viên anh em. 

Khó khăn nhất của chuyên án này là diễn ra ở vị trí, địa hình khu vực rừng núi hiểm trở và đường đi độc đạo. Để đảm bảo yếu tố bí mật, bất ngờ khi phá án, lực lượng CSCĐ phải ém quân mật phục ở các vị trí trên núi cao. Trong khi các đối tượng ngoan cố cố thủ, sử dụng nhiều vũ khí, lựu đạn, bình xăng, bình gas để sẵn sàng chống trả.

Cũng có thời điểm các mũi tấn công của Cảnh sát đặc nhiệm đề xuất đánh đột nhập bất ngờ, tuy nhiên Tư lệnh không đồng ý vì ông bảo rằng “vũ khí quá nhiều và các đối tượng liều chết, nếu mình vào thế thì chẳng khác nào “nướng quân”, thay vào đó mình kêu gọi các đối tượng đầu hàng kết hợp với sử dụng biện pháp vũ trang tiêu diệt”. 

Có một điều ít ai biết là trước thời khắc nhận lệnh truy kích đến cùng các đối tượng, Tư lệnh Phạm Quốc Cương đã trực tiếp gặp, làm công tác tư tưởng cho anh em làm nhiệm vụ. Dù được luyện tập thường xuyên các phương án bao vây, đánh bắt các đối tượng trên địa hình đồi núi, sử dụng hoả lực mạnh để tiêu diệt nhưng giây phút tiến hành trong thực tiễn với con người bằng xương bằng thịt vẫn không hề dễ dàng. 

Tư lệnh đã động viên anh em xác định đó là nhiệm vụ vì đất nước, vì hạnh phúc của nhân dân. Ông tâm niệm, người chỉ huy phải gắn với người lính ở thời khắc khó khăn nhất thì anh em mới an tâm làm nhiệm vụ…

Trong câu chuyện với tôi, ông bảo rằng là người chỉ huy, ông luôn quan niệm không để mỗi chiến sĩ đơn độc chiến đấu, mà tất cả lực lượng cùng phối hợp chiến đấu. Anh em trực tiếp ra hiện trường thì cán bộ chỉ huy cũng phải đồng hành, kề vai sát cánh cùng anh em, phải tạo được sự tin tưởng của anh em là cấp trên đang kề bên. Từ đó tạo khối đại đoàn kết thống nhất về tinh thần, tư tưởng thì anh em sẽ tin yêu và cống hiến.

“Không để mỗi CBCS đơn độc chiến đấu”

Còn nhớ, đầu tháng 4-2016 xảy ra sự cố ô nhiễm môi trường biển các tỉnh miền Trung, gây tâm lý lo lắng, bất an và tác động, ảnh hưởng lớn đến đời sống và lao động, sản xuất của nhân dân địa phương. 

Dù Chính phủ và chính quyền các địa phương đã triển khai nhiều biện pháp, giải pháp khắc phục hậu quả nhưng các thế lực thù địch, các tổ chức phản động và các đối tượng cực đoan trong Công giáo đã có nhiều hoạt động tuyên truyền, kích động, kêu gọi quần chúng nhân dân (chủ yếu là giáo dân) tụ tập, biểu tình, khiếu kiện đông người gây mất an ninh trật tự. 

Đặc biệt đã có hàng nghìn giáo dân tại Nghệ An, Hà Tĩnh… kéo đến nhà máy Formosa để gây áp lực, phản đối chủ trương giải quyết của chính quyền địa phương, không chấp nhận phương án đền bù, bồi thường, đòi đóng cửa nhà máy...

Khi đó Bộ Tư lệnh CSCĐ đã huy động hàng nghìn CBCS và xe chống bạo loạn hành quân từ Nghệ An vào TP Hà Tĩnh tập kết tại khu vực nhà máy Formosa (Kỳ Anh, Hà Tĩnh) để thực hiện nhiệm vụ. 

Chuyện chưa kể về một vị Tư lệnh - Ảnh minh hoạ 2
Trung tướng Phạm Quốc Cương, Tư lệnh CSCĐ kiểm tra phương tiện làm nhiệm vụ bảo vệ Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên.

Cùng với đó điều động lực lượng CSCĐ từ Thanh Hóa vào Nghệ An tổ chức ứng trực sẵn sàng xử lý các tình huống xảy ra. Tại địa bàn tỉnh Hà Tĩnh, CSCĐ đã tổ chức nhiều đợt hành quân thị uy quanh khu vực nhà máy Formosa, phối hợp với Bộ đội Biên phòng liên tục tổ chức các ca tuần tra... 

Thời điểm đó Bộ Tư lệnh CSCĐ đã huy động số lượng CBCS, phương tiện, công cụ hỗ trợ tham gia đông nhất, trong thời gian kéo dài liên tục. Nhờ vậy đã góp phần giữ vững lòng tin, là chỗ dựa của chính quyền và nhân dân địa phương, có tác dụng răn đe các thế lực thù địch; đồng thời khẳng định vai trò CSCĐ là lực lượng nòng cốt, hoạt động có hiệu quả trong sử dụng biện pháp vũ trang của CAND.

Là Tư lệnh của lực lượng CSCĐ, khi có bất kỳ sự kiện, tình huống nào thì Trung tướng Phạm Quốc Cương đều trực tiếp lắng nghe tỉ mỉ các phương án để nắm, lãnh đạo, chỉ đạo CBCS đảm bảo yêu cầu chiến đấu, luôn chủ động ra quân và đã ra quân là đảm bảo thắng lợi, an toàn. 

Do hiểu được tính chất, nhiệm vụ của từng vụ việc, khả năng chiến đấu của từng đơn vị và những khó khăn, vất vả của CBCS nên ông có định hướng thời điểm, phương án ra quân, tuỳ vào hoàn cảnh, tính chất, mức độ mà sử dụng phương tiện, huy động lực lượng cho phù hợp… 

Đơn cử như vụ người dân bị các đối tượng xấu xúi giục xuống đường tuần hành, biểu tình, đập phá, gây rối an ninh trật tự nhằm phản đối Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt và Luật An ninh mạng (năm 2018), ngay khi biết tình hình dù chưa có lệnh của Bộ nhưng Trung tướng Cương đã chủ động điều quân tiến về phía Bình Thuận. Do đó, khi địa phương đề nghị Bộ Công an phối hợp và lãnh đạo Bộ cho ý kiến thì lực lượng CSCĐ của Bộ Tư lệnh đã áp sát hiện trường.

Ít ai biết rằng, ở vị trí Tư lệnh với công việc quản lý bộn bề thì ông vẫn sắp xếp thời gian nghiên cứu khoa học, tham gia viết giáo trình phục vụ công tác giảng dạy tại các trường CAND. Ngày 7-1-2019, Trung tướng Phạm Quốc Cương đã bảo vệ thành công đề tài nghiên cứu, đầu tư hiện đại hoá vũ khí, công cụ hỗ trợ, trang bị phương tiện kỹ thuật cho lực lượng CSCĐ đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới do ông làm Chủ nhiệm. 

Điều đặc biệt là, đề tài được đánh giá xuất sắc không chỉ ở yếu tố thời gian (đăng ký 2 năm nhưng 13 tháng đã hoàn thành), yếu tố chất lượng vì đi vào vấn đề cốt lõi, khó khăn, mà còn ở tính ứng dụng cao, có thể áp dụng cho các đơn vị CSCĐ từ Trung ương đến địa phương trên toàn quốc.

Với những thành tích đạt được, Trung tướng Phạm Quốc Cương được Đảng, Nhà nước trao tặng nhiều phần thưởng cao quý. Gần 41 năm công tác, hơn 30 năm là “Chiến sỹ thi đua cơ sở”. Từ năm 2008 đến nay, ông 3 lần đạt danh hiệu “Chiến sỹ thi đua toàn lực lượng CAND”, đạt danh hiệu “Chiến sỹ thi đua toàn quốc”. 

Ông được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng Nhất, hạng Ba; Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Nhì và hạng Ba; 2 lần được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen; gần 20 lần được Bộ Công an và các tỉnh, thành phố tặng Bằng khen…

Quỳnh Vinh

Nguồn tin: http://cstc.cand.com.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây