Các anh còn mãi trong lòng đồng bào biên giới

Thứ sáu - 25/12/2020 02:50
Anh Hiệu, 55 tuổi, tài xế của Ban Quản lý rừng phòng hộ Hướng Hóa – Đakrông, có kinh nghiệm trên 30 năm lái xe đường rừng, chở...


Anh Hiệu, 55 tuổi, tài xế của Ban Quản lý rừng phòng hộ Hướng Hóa – Đakrông, có kinh nghiệm trên 30 năm lái xe đường rừng, chở chúng tôi trên chiếc Ford Everest 2 cầu, luôn trong tư thế giữ chặt vô lăng. “Xe ôtô đi lại được chỉ mới 2 tuần nay thôi. Trước đó, sau các trận lở núi kinh hoàng và sau khi lũ rút hẳn mới chỉ có thể đi đường vòng được. Nghĩa là chạy ra tới Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình, bẻ lên đường Hồ Chí Minh nhánh Tây này, vòng về xã Hướng Lập (Hướng Hóa) rồi mới đến được đây”, anh Hiệu cho biết.

Thực tế sau hơn một tháng khắc phục, con đường mới cơ bản đi lại được, nhiều chỗ bị sạt ta luy âm, mặt đường bị sạt ăn sâu vào gần một nữa, mọi việc đi lại vẫn còn rất dè chừng... Đến nơi, chúng tôi được ông Hồ Văn Vọng, Bí thư Đảng ủy xã Hướng Việt, dẫn từ trụ sở UBND xã ngược ra lại cách chừng 3km, đến đoạn Km 193 đường Hồ Chí Minh nhánh Tây, là địa điểm Đại úy Trương Văn Thắng hy sinh.

Các anh còn mãi trong lòng đồng bào biên giới
Ông Vọng (bìa trái) kể lại sự hy sinh của Đại úy Trương Văn Thắng với PV. 

Trong niềm xúc động, ông Vọng nói: “Hôm đó là vào chiều muộn 17/10/2020, trước khi đến đây rồi không may gặp nạn đứt đường, lở núi xảy ra cùng lúc, chúng tôi nghe tiếng một cô gái hô hoán cứu người, chạy từ bên ngoài vào trụ sở xã.

“Các bác các chú đi cứu bà con với. Bà con bị lũ quét và lở núi trên rẫy”. Sau khi mọi người bảo cô ấy bình tĩnh, ngồi xuống ghế để trình bày. Lúc đó, không ai nghĩ ngợi gì được nhiều, chỉ biết đi cứu người là đặt lên trên hết. Vậy nên, khi anh Sinh (Hồ Văn Sinh), Chủ tịch xã bảo có ai còn ở Ủy ban thì đi ngay bởi sợ không kịp, thì tất cả mọi người còn ở đó đều đi. Tất cả có 17 người, cứ 3 – 4 người thành một tốp ngược lên rừng. Trong đó, tốp của anh Sinh, anh Dùy (Đại úy Lê Văn Dùy, Bộ đội Biên phòng tăng cường làm Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Hướng Việt) và Đại úy Thắng đi tốp đầu”.

Ông Vọng hết chỉ tay vào hàng rào chắn ta luy âm đường bị sạt lở, đến chỉ tay lên quả đồi cao ngay trên ta luy dương đường này với dấu đất, đá sạt xuống còn đỏ au, bảo: “Lúc đến đây, lũ quét bỗng như một cái túi nước khổng lồ từ trên cao bất ngờ đổ ập xuống. Sau tiếng nổ lớn rung trời đất, sườn đồi này đổ sụp xuống, hơn 1/3 đường phía ta luy âm bị đứt cùng lúc.

Anh Thắng bị đất, đá dập gãy và chôn vùi một chân, anh Dùy bị gãy chân trái và văng ra xa, còn anh Sinh bị gãy tay phải, gãy chân trái, đồng thời bị nước lũ đẩy từ mặt đường trôi xuống phía vực. Lúc này, anh Hồ Văn Nghinh, cán bộ văn hóa xã đi ngay tốp sau, đã lao về phía vực để chụp kéo lại anh Sinh nhưng không được. Anh em hô hoán nhau lên kéo đồng chí Thắng ra, nhưng khi vừa kéo ra được thì một tiếng nổ đất lớn khác lại vang lên.

Anh Thắng bị cú nổ với đất, đá kèm theo nước hất văng lên cao khoảng 1,5m và rơi xuống, một lượng đất, đá mới dập xuống phần ngực. Chúng tôi lại hò hét nhau xông vào lại chỗ anh Thắng đang nằm, dùng tay bới đất, đá nhanh nhất có thể để kéo, cõng Thắng ra khỏi chỗ đó. Cuối cùng chúng tôi đã đưa được anh Thắng và anh Dùy về Trạm Y tế xã, còn anh Sinh thì không tìm thấy được”.

Ông Vọng quệt nước mắt lăn dài trên hai gò má, giọng ông bỗng thắt nghẹn lại: “Anh Thắng không hề có biểu hiện gì của cái chết. Anh không nói một lời nào có vẻ trăng trối cả. Nằm trên băng ca được kê cao lên để khỏi bị ngập nước, anh còn tỉnh táo nói chuyện rất bình thường. Cho đến 10h24 đêm hôm đó, huyết áp của anh Thắng tụt dần rồi lịm đi mà không tỉnh lại nữa”. “Về phần anh Sinh, anh em ở xã và người dân xung quanh tiếp tục chia nhau ra thành nhiều tốp để tìm kiếm. Nhưng mãi đến sáng sớm hôm sau chúng tôi mới tìm thấy anh ấy nằm bất tỉnh, tay vẫn nắm chặt một cành cây khô khá to bị nước lũ đánh dạt vào một bên bờ suối cách nơi gặp nạn khoảng 50m”, ông Vọng kể lại.

Việc vượt lũ rừng đưa cho bằng được thi thể Đại úy Trương Văn Thắng trở về đã diễn ra như một kỳ tích đầy xúc động; tinh thần, lòng dũng cảm vì đồng đội là vô bờ bến. Đối với những người bị thương, vào lúc 10h15 ngày 23/10/2020, máy bay trực thăng của Quân khu 4 đã tiếp cận, đáp xuống được Hướng Việt trong điều kiện thời tiết lúc đó vẫn còn rất phức tạp, núi tiếp tục sạt lở và sương mù dày đặc khắp nơi, để đưa được nạn nhân vào cấp cứu, điều trị kịp thời tại Bệnh viện Trung ương Huế. Gần 2 tháng sau đó, các bệnh nhân mới được xuất viện, trở về nhà, song sức khỏe vẫn còn rất yếu, hiện tại vẫn chưa thể trở lại làm việc được.

Các anh còn mãi trong lòng đồng bào biên giới - Ảnh minh hoạ 2
Đoàn Thanh niên Công an tỉnh Quảng Trị thắp hương tưởng nhớ, tri ân các liệt sĩ tại Đài tưởng niệm Liệt sĩ xã Hướng Việt.

Trở lại trụ sở Ủy ban xã, ông Vọng vẫn tiếp tục câu chuyện. Giọng ông chùng hẳn xuống: “Ngay trước mưa lụt, chính quyền và lực lượng chức năng đã thông báo rất sát thời tiết hàng ngày cho người dân, đề nghị bà con không ai được ra khỏi nhà nhằm đảm bảo an toàn tính mạng. Song một số người vẫn tranh thủ lúc không có mưa vào rừng để thu hoạch lúa rẫy.

Lũ quét và lở núi hôm đó đã khiến 3 người bị vùi lấp, gồm anh Hồ Văn M. và chị Hồ Thị Đ. trong cùng một gia đình ở thôn Ka Tiêng, anh Hồ Văn X. ở thôn Tà Rùng. Lực lượng Công an xã và Xã đội Hướng Việt sau đó đã tìm thấy được 3 thi thể họ tiếp tục bị lũ quét đánh trôi đến tận biên giới Lào, cách nơi gặp nạn - khu vực khe Ta Nghi thuộc thôn Ka Tiêng chừng 3km”…

Chiều muộn, Đài tượng niệm Liệt sĩ xã Hướng Việt vẫn đông người đến viếng, dâng hương. Những cái vái vọng thay cho lời tiếc thương và sự tri ân sâu sắc vô bờ bến đối với những người đã quên thân mình ngã xuống vì tính mạng, hạnh phúc của nhân dân, vì sự bình yên, phát triển của quê hương, đất nước!

Tác giả: Thanh Bình

Nguồn tin: http://cand.com.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây