Cả đời binh nghiệp gắn bó với trại tạm giam

Thứ hai - 23/07/2018 08:30
Gặp Đại tá Phạm Ngọc Tươi - Giám thị Trại tạm giam Công an TP Hải Phòng tại cơ sở mới ở huyện An Lão trong cái nắng hè gay gắt, anh cho biết, là cơ sở mới xây dựng nên cũng còn nhiều khó khăn, các thế hệ CBCS của Trại đang hàng ngày phủ xanh cho nơi đây.


Nhìn đoạn mương, hồ ngay cổng Trại Sen lên xanh ngắt, anh vui vẻ cho biết: “Đây là biểu tượng cho sự “gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn”, vì CBCS chúng tôi hàng ngày phải đối mặt, tiếp xúc, làm việc trong môi trường ô nhiễm của xã hội.

Phải chịu đựng, nhẫn nhịn với những đối tượng không đáng phải nhẫn nhịn, đôi khi phải im lặng đối với các đối tượng đáng phải trừng trị... đó cũng là đặc thù chung của công việc ở Trại tạm giam”.

Đại tá Phạm Ngọc Tươi đã 40 năm gắn bó với công việc của Cảnh sát trại giam. Trưởng thành từ chiến sĩ lên cán bộ quản giáo, năm 29 tuổi, Trung uý Phạm Ngọc Tươi đã được cấp trên tin tưởng bổ nhiệm làm Phó Giám thị Trại tạm giam Công an Hải Phòng (TTGCAHP).

Năm 2006 anh được tăng cường về làm Phó Trưởng Công an huyện Thuỷ Nguyên, phụ trách lĩnh vực hỗ trợ tư pháp và quản lý giam giữ. Đến năm 2009, anh được bổ nhiệm làm Giám thị TTGCAHP cho đến nay. Trong đơn vị, anh được đồng đội coi như một người anh thân thiết, chu đáo, luôn quan tâm đến đời sống, tâm tư tình cảm của CBCS.

Cả đời binh nghiệp gắn bó với trại tạm giam
Đại tá Phạm Ngọc Tươi - Giám đốc Trại tạm giam Công an TP Hải Phòng.

Anh chia sẻ, những năm còn ở Trại tạm giam cũ, công tác giam giữ can phạm nhân (CPN) gặp nhiều khó khăn và nhiều diễn biến rất phức tạp. Do đặc thù của công tác quản lý CPN bị tạm giam, tạm giữ khó hơn phạm nhân đang thi hành án, vì những người này đã biết đích ngày về.

Còn người chưa thành án thì mang nhiều tâm tư, tâm lý bất ổn nên hay quậy phá, bất hợp tác. Nhất là những CPN đã có nhiều tiền án hoặc phạm các tội đặc biệt nghiêm trọng như ma túy, giết người, cướp tài sản...

Những đối tượng này luôn tìm mọi cách để thông cung, chối tội, tuyệt thực, tự sát, chống đối, vi phạm nội quy, quy chế giam giữ. Rồi những thành phần phạm tội cũng không kém phức tạp như trẻ vị thành niên, phụ nữ có thai, nuôi con nhỏ, CPN có quốc tịch nước ngoài...

Đặc biệt trong giai đoạn này, những đối tượng nghiện ma túy bị nhiễm HIV/AIDS nhập trại có chiều hướng gia tăng. Trong khi đó, biên chế CBCS luôn trong tình trạng thiếu hụt, hầu hết anh em phải làm việc thêm ca thêm giờ; một số chiến sĩ trẻ được điều động về đơn vị còn yếu về năng lực... cơ sở vật chất phục vụ giam giữ trong tình trạng xuống cấp nghiêm trọng; buồng giam thiếu an toàn nên nhiều CPN trong những vụ án phức tạp phải đưa đi gửi nhờ ở các Trại khác… đã ảnh hưởng không nhỏ đến công tác chuyên môn cũng như tâm tư tình cảm của CBCS trong đơn vị.

Trước những khó khăn đó, Đại tá Phạm Ngọc Tươi luôn nêu gương, đi đầu trong mọi công việc, động viên CBCS hoàn thành các yêu cầu công tác, nhất là phục vụ hiệu quả cho công tác điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án.

Các đối tượng bị tạm giam để điều tra rất nhiều tên bặm trợn, dùng biện pháp cưỡng chế, kỷ luật cũng không sợ, kể cả việc chúng sẵn sàng nhận tội nặng thay cho đàn em để tỏ nghĩa khí giang hồ...

Anh cùng Ban lãnh đạo chỉ đạo CBCS ở các đội công tác phối hợp chặt chẽ với các đơn vị nghiệp vụ trong việc điều tra mở rộng được 65 vụ án trọng điểm, tạo điều kiện để Cơ quan điều tra bắt giữ thêm hàng trăm đối tượng, đẩy nhanh tiến độ phá án.

Trong đó có nhiều vụ án phức tạp, đặc biệt nghiêm trọng, các đối tượng dùng nhiều thủ đoạn để đối phó với cơ quan điều tra, chống phá nội quy trại giam, nại lý do bệnh tật, tuổi già không chịu khai báo.

Đối với những CPN này ngoài việc áp dụng các biện pháp nghiệp vụ để khai thác thông tin, anh còn trực tiếp gặp gỡ, tìm hiểu hoàn cảnh gia đình, nguyên nhân phạm tội của từng đối tượng để từ đó có đối sách thích hợp khiến họ phải tâm phục khẩu phục, chấp hành nội quy, quy chế của Trại và làm chuyển biến tư tưởng của họ.

Anh cho rằng, CPN cũng là những con người, do thiếu hiểu biết về pháp luật nên phạm tội, phải chịu sự trừng phạt của pháp luật nhưng sâu thẳm bên trong mỗi con người đó vẫn có mặt tốt, nên cần gạn đục, khơi trong, đánh thức tính bản thiện của họ.

Biện pháp quan trọng chính là lấy giáo dục thuyết phục tác động đến tâm tư, tình cảm, nhu cầu, nguyện vọng của đối tượng, từng bước cảm hóa để họ ăn năn, hối lỗi thành khẩn khai báo và ngăn ngừa những hành vi phạm tội có thể phát sinh.

Một điển hình như L.V. H, một giang hồ cộm cán, có biệt tài trốn trại đã sắp hết thời thụ án thì nghe tin vợ ở bên ngoài “cặp bồ”. Ruột nóng như lửa đốt nên H đã tính đường trốn Trại ra ngoài để “xử tình địch”.

Nắm được việc này, anh đã cùng đội ngũ cán bộ quản giáo gặp gỡ động viên và H đã suy nghĩ lại: “Có bỏ trốn thì khi bị bắt lại cũng chỉ tù thêm vài ba năm, giang hồ như H ngán gì. Song vì vi phạm của mình mà CBCS của Trại phải bị kỷ luật, người ta đối đãi tốt với mình như thế mà bị vạ lây thì quả thực H không nỡ”... Câu chuyện này được H kể lại trong một dịp gặp lại anh sau khi đã được trả tự do.

Với những phạm nhân đã thành án, anh luôn quan tâm, chỉ đạo CBCS tạo điều kiện, động viên họ chấp hành nghiêm nội qui, yên tâm cải tạo tốt, đạt tiêu chí thi đua để được hưởng các chế độ giảm án, đặc xá theo qui định.

Đối với CPN là người nước ngoài, công tác giam giữ các đối tượng này cũng gặp không ít khó khăn, như: ngôn ngữ bất đồng… Hơn nữa, khi giáo dục quản chế những CPN này yêu cầu phải chấp hành nghiêm những quy định tại các Điều ước quốc tế và phải phù hợp với pháp luật Việt Nam...

Bằng những quyết sách đúng đắn, các biện pháp sáng tạo, sát hợp với tình hình thực tế, Đại tá Tươi đã khiến nhiều CPN người nước ngoài từng bước chấp hành đúng nội quy của trại, tạo điều kiện để Cơ quan điều tra mở rộng án, cũng như phục vụ có hiệu quả các yêu cầu về chính trị, đối ngoại, pháp luật và nghiệp vụ.

Với sự cống hiến thầm lặng không biết mệt mỏi, tâm huyết tận tụy với nghề, mưu trí trong công việc, Đại tá Tươi đã trực tiếp cùng Ban lãnh đạo và đội ngũ quản giáo, các y, bác sỹ trong trại vượt qua những khó khăn, nguy hiểm, tổ chức quản lý, chăm sóc sức khỏe, giáo dục CPN bằng trách nhiệm, sự chân thành, nhất là những CPN tuổi già, bệnh tật, các bị án chung thân, tử hình...

Hằng năm, đơn vị phải quản lý từ 19 đến 22 bị án tử hình, từ 17 đến 20 bị án chung thân. Đối với những phạm nhân này, họ cho rằng cuộc đời đã chấm dứt, sự sống chỉ còn đếm từng ngày nên rất bất cần đời, luôn có hành động chống phá, đặt ra những yêu sách oái oăm gây khó dễ cho cán bộ quản giáo, tìm cách tự sát…

Như trường hợp tử tù Bùi Trọng Nghĩa, 32 tuổi, bị tuyên tử hình về tội giết người. Ngày 20-11-2016, Nghĩa đã tìm cách tự sát bằng cách xé chăn để treo cổ. Tuy nhiên, do cảnh giác nên binh nhất Nguyễn Văn Nghĩa đã kịp thời phát hiện, báo cáo lãnh đạo ngăn chặn được.

Sau khi được động viên, Nghĩa đã từ bỏ ý định. Hầu hết đối với những trường hợp này, ngoài những biện pháp cứng rắn, nhiều trường hợp anh phải xuống tận buồng giam giáo dục, giải thích, chuyện trò, tâm sự, phân tích cho họ hiểu hậu quả của việc chống đối không chỉ đem lại thiệt thòi cho chính bản thân mà còn làm khổ thêm cho người thân của họ mỗi khi được phép gặp mặt.

Có nhiều câu chuyện về các tử tù làm anh nhớ mãi như là N.V.S, do không biết chữ nên không viết thư cho gia đình được. Trong thời gian chờ thi hành án, các cán bộ quản giáo đã xuống phòng giam để dạy chữ cho S.

Đến khi S viết được thư thì cũng là lúc bị đưa đi thi hình án. Lá thư S viết về cho gia đình nét chữ chỉ như học sinh lớp 1 nhưng đẫm nước mắt với những sự ăn năn, hối lỗi với gia đình...

Hay như tử tù về tội ma tuý Nguyễn Thị D, trước khi bị thi hành án, D đã viết lá thư về cho 3 đứa con gái dặn dò “...Ý nguyện cuối cùng lớn nhất của mẹ là các con phải chăm sóc nhau, tuyệt đối không được làm bất cứ điều gì vi phạm pháp luật... chỉ khi các con trưởng thành, làm được điều mẹ dặn thì mới được phép ra mộ thắp hương cho mẹ…”.

Với những CPN bị nhiễm HIV/AIDS; các bệnh nhiễm trùng lở loét, lao phổi… anh cùng đồng đội dành thời gian quan tâm, nói chuyện, hỏi thăm sức khỏe. Đồng thời, chỉ đạo đội ngũ y, bác sỹ của trại nêu cao y đức của người thầy thuốc tận tâm điều trị cho họ.

Trong 5 năm vừa qua, (2013-2018), Đại tá Phạm Ngọc Tươi cùng với tập thể CBCS - TTGCAHP đã nỗ lực khắc phục những khó khăn, luôn hoàn thành xuất sắc công tác chuyên môn.

Ngay khi chuyển về cơ sở mới, đơn vị đã nhanh chóng ổn định tổ chức, anh cùng Ban lãnh đạo trại quan tâm, động viên những CBCS nhà ở xa, bố trí công việc hợp lý để CBCS bảo đảm chất lượng công tác cũng như có điều kiện chăm sóc gia đình.

Đại tá Phạm Ngọc Tươi cho biết, tình hình giam giữ CPN hiện nay cơ bản được duy trì ổn định, số CPN vi phạm được hạn chế ở mức thấp nhất, không có CPN trốn, chết không bình thường, hoặc gây án mới ở trong Trại.

Đặc biệt không để xảy ra việc thông cung, việc CPN sử dụng ma túy và điện thoại, không có tình trạng gọi-ném vật cấm vào buồng giam... Qua các đợt kiểm tra chất lượng công tác tạm giam, tạm giữ, trại luôn đạt loại tốt, được Tổng cục VIII Bộ Công an, VKSND Tối cao và thành phố ghi nhận, đánh giá cao.

Với những thành tích xuất sắc, Trại tạm giam Công an TP Hải Phòng đã 7 năm liên tục đạt danh hiệu “Đơn vị Quyết thắng”, được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Chiến công.

Cá nhân Đại tá Phạm Ngọc Tươi đã vinh dự được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen. Năm 2015 được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng Ba. Năm 2013 và 2017 được công nhận danh hiệu “Chiến sỹ thi đua toàn lực lượng CAND”.

Văn Thịnh

Nguồn tin: http://cstc.cand.com.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây