Bản lĩnh, quyết đoán

Thứ ba - 10/04/2018 08:29
Bản lĩnh, quyết đoán đó là tố chất nổi bật mà bất kỳ ai tiếp xúc với Đại tá Mai Hòa Bình, Trưởng phòng Cảnh sát Hình sự (CSHS) Công an tỉnh Kiên Giang, đều có thể cảm nhận được.


Và theo chia sẻ của anh, đó cũng là một trong những tố chất cần có của một người “lính hình sự”, những người luôn phải đương đầu với đủ loại tội phạm nguy hiểm, trong những tình huống khốc liệt.

4 yếu tố tạo thành “chất thép”

Xuất thân trong một gia đình có cha là bộ đội kháng chiến chống Mỹ ở Vĩnh Tuy, Gò Quau (Kiên Giang), từ nhỏ cậu bé Mai Hòa Bình đã mang hoài bão trở thành chiến sĩ Công an góp phần mang lại cuộc sống bình yên cho nhân dân. Với hoài bão đó, sau khi tốt nghiệp trung học phổ thông, Mai Hòa Bình đã quyết định thi vào ngành Trinh sát, Trường đại học Cảnh sát nhân dân.

Đến năm 1990, Mai Hòa Bình ra trường, về nhận công tác tại Phòng Cảnh sát Hình sự (CSHS) Công an tỉnh Kiên Giang. Năm 2002, anh được chuyển công tác ra làm Phó trưởng Công an huyện Phú Quốc, cũng phụ trách về hình sự. Năm 2011, anh lại được chuyển về làm Trưởng Phòng CSHS tỉnh. Gần 30 năm trong nghề, dù bất cứ công việc gì hay trên cương vị nào, người lính hình sự mang tên Mai Hòa Bình vẫn luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ.

Bản lĩnh, quyết đoán
Đại tá Mai Hòa Bình - Trưởng phòng CSHS Công an tỉnh Kiên Giang.

Chia sẻ với chúng tôi về kinh nghiệm “chinh chiến” trong suốt gần 30 năm làm lính hình sự, Đại tá Mai Hòa Bình cho biết: 

“Muốn trở thành một lính hình sự, cần có sự kết hợp của một số yếu tố. Thứ nhất, phải yêu ngành yêu nghề. Có như vậy mới có thể giữ được ngọn lửa nhiệt huyết của người lính hình sự. Thứ hai, một người lính hình sự nhất định phải có khả năng chịu đựng được gian khó, khổ cực, vì đây là một nghề nhiều hiểm nguy, có thể phải đi làm nhiệm vụ bất kể giờ giấc và trong bất kỳ điều kiện nào. Thứ ba, phải có sự cảm thông, chia sẻ và ủng hộ của gia đình, đặc biệt là vợ con. Có như vậy người lính hình sự mới có thể yên tâm công tác. Nếu vợ con không thông cảm, thì với đặc thù đi đêm đi hôm của lính hình sự sẽ dễ dẫn đến lục đục trong gia đình”.

Nhưng quan trọng nhất, theo Đại tá Bình, là người lính hình sự phải có bản lĩnh và quyết đoán. “Không bản lĩnh là không thể làm hình sự được”, Đại tá Bình khẳng định. “Phải bản lĩnh, dám nói dám làm và quyết đoán trong công việc. Chẳng hạn anh đi trinh sát mà không bản lĩnh, không quyết đoán được thì cơ hội truy bắt tội phạm sẽ qua ngay, không đạt được kết quả như mong đợi”.

Phá trọng án trong vòng 30 giờ

Chính nhờ bản lĩnh, quyết đoán mà Đại tá Bình và Cán bộ chiến sĩ (CBCS) Phòng CSHS Kiên Giang năm 2017 đã phá được một vụ trọng án tưởng chừng không có manh mối chỉ trong vòng 30 giờ. Đó là vụ án giết người cướp của đặc biệt nghiêm trọng diễn ra vào đêm 21-7-2017.

Sáng 22-7, Phòng CSHS nhận được tin báo từ Công an huyện Châu Thành, cho biết phát hiện một xác chết ở tuyến tránh, trên người có nhiều nhđâm. Ngay lập tức, các anh có mặt tại hiện trường.

Tuy nhiên, khi đến nơi anh em không khỏi hoang mang, vì tất cả các dấu vết tại hiện trường gây án đã bị xóa sạch vì một cơn mưa rất lớn vào sáng sớm ngày hôm đó. Chứng cứ hầu như không thu được gì, ngay cả vết máu cũng đã bị mưa làm trôi hết. 

Qua điều tra bằng nhiều biện pháp nghiệp vụ, Phòng CSHS Công an tỉnh xác định được nạn nhân làm nghề chạy xe ôm, thường đậu ở bến Ngã 4 Lạc Hồng. Dò hỏi các nhân chứng quanh khu vực Ngã 4 Lạc Hồng, một người cho biết thấy có người đến nhờ nạn nhân chở xe ôm vào khoảng 12 giờ khuya. Tuy nhiên, nhân chứng không nhìn rõ người thuê xe ôm và cũng không biết gì thêm.

Nhận thấy khu vực Ngã 4 Lạc Hồng là nơi có nhiều tụ điểm game bắn cá, Đại tá Bình phán đoán hung thủ có thể là một tay mê cờ bạc, bị thua sạch tiền nên đã nghĩ cách giết xe ôm cướp tài sản. Lập tức, anh liền tung lực lượng của phòng và huy động Công an các huyện đi đến tất cả các tiệm cầm đồ để xem hung thủ có cầm chiếc xe máy của nạn nhân hay không. 

Bản lĩnh, quyết đoán - Ảnh minh hoạ 2
“Để có được thành công đó, quan trọng nhất là phải có sự đoàn kết, đồng lòng, từ CBCS đến lãnh đạo đều như một. May mắn là Phòng CSHS Công an tỉnh Kiên Giang từ xưa đến nay có truyền thống rất đoàn kết. Để làm được điều đó, lãnh đạo phải gương mẫu đi đầu, việc khó việc khổ phải đi trước để làm tấm gương cho anh em”. - Đại tá Mai Hòa Bình - Trưởng phòng CSHS Công an tỉnh Kiên Giang

Đúng như phán đoán, 9 giờ sáng ngày 22-7, trinh sát phát hiện chiếc xe máy của nạn nhân tại một tiệm cầm đồ ở Tân Hiệp. Điều khó khăn là đối tượng đã dùng giấy tờ giả để cầm xe, nhưng qua mô tả của chủ tiệm cầm đồ, Công an cũng đã phác họa được sơ lược nhân dạng của hung thủ.

Nhận định đối tượng là một con bạc nghiện nặng, nên thế nào cũng quay lại chỗ cũ để chơi, các trinh sát được lệnh nắm tình huống ở các tụ điểm game bắn cá quanh Ngã 4 Lạc Hồng. Quả như dự đoán, chiều ngày 23-7, đối tượng đã quay lại để chơi game và bị bắt giữ. Một vụ án tưởng chừng không có manh mối nhưng nhờ bản lĩnh, kinh nghiệm và sự quyết đoán, Đại tá Bình cùng đồng đội đã phá án chỉ trong vòng 30 giờ.

Không nợ trọng án

Kiên Giang là địa bàn có địa hình phức tạp, vừa có chung biên giới với nước bạn Campuchia (54 km), vừa có rừng núi, đồng bằng, biển (200 km) và hải đảo (hơn 100 đảo). Đặc biệt trong vài năm gần đây, huyện đảo Phú Quốc đã nổi lên như một điểm nóng thu hút đầu tư, di dân và du lịch. Những ngày cao điểm, ước tính có tới hàng chục chuyến bay từ các tỉnh, thành trong đất liền ra Phú Quốc. Chính điều này đã kéo theo các hoạt động tội phạm phức tạp, đặc biệt là các đối tượng từ Hải Phòng, TP Hồ Chí Minh và Hà Nội.

Để đấu tranh phòng chống tội phạm trong tình hình phức tạp như vậy, Phòng CSHS tỉnh đã điều động một tổ ra túc trực ở huyện đảo, hỗ trợ Công an huyện trong công tác phòng chống và điều tra tội phạm. 

Đặc biệt, cùng với sự phát triển của làn sóng đầu tư và nghỉ dưỡng, du lịch, Phú Quốc đang có nguy cơ hình thành các loại băng nhóm, tội phạm có tổ chức. 

Để ngăn chặn không để phát triển loại tội phạm nguy hiểm này, Phòng CSHS đã chỉ đạo Công an huyện và tổ túc trực phải nắm kỹ địa bàn, xuất hiện đối tượng lạ là phải điều tra về nhân thân, kết hợp với Công an địa phương để có biện pháp phòng ngừa và cảnh báo đối tượng. 

“Chúng tôi kiên quyết không để hình thành các băng nhóm, vì một khi đã hình thành các tổ chức tội phạm sẽ rất khó phá, do đặc thù của tội phạm có tổ chức là thường câu kết với các nhân vật có thế lực”, Đại tá Bình cho biết.

Nhờ sự quan tâm của Ban Giám đốc; sự phối hợp của các ban, ngành; sự nhất trí, đồng lòng của CBCS và bản lĩnh của người đứng đầu, Phòng CSHS Công an tỉnh Kiên Giang nhiều năm qua đã đạt nhiều thành tích trong đấu tranh phòng chống tội phạm về hình sự: Năm 2016 nhận Cờ thi đua của Chính phủ, năm 2017 nhận Cờ thi đua của Bộ Công an. Đặc biệt, Đại tá Mai Hòa Bình khẳng định trong 2 năm qua, Phòng CSHS tỉnh không nợ bất kỳ một vụ trọng án nào.

Long Viên

Nguồn tin: http://cstc.cand.com.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây