Bác sỹ trại giam và những câu chuyện không có trong hồ sơ

Thứ ba - 17/03/2020 16:27
Đỡ đẻ, chăm sóc bệnh nhân có HIV/AIDS giai đoạn cuối, kể cả tắm rửa, khâm liệm bệnh nhân chết, trông giữ xác chết chờ làm các thủ tục cần thiết... là những công việc mà cán bộ y tế các trại giam thực hiện. Những việc đó, dù không có trong quy định nhưng với trách nhiệm của người thầy thuốc, họ đã sẵn sàng chia sẻ với phạm nhân.


Trong các cán bộ y tế trại giam, không ít người phơi nhiễm HIV, thậm chí đã bị nhiễm HIV khi làm nhiệm vụ, nhưng họ vẫn vượt lên tất cả, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.

1.Đồng nghiệp chúng tôi gọi vết những vết thương trong lòng của bác sỹ Nguyễn Quang Ánh, trại giam Thủ Đức, Bộ Công an là những vết thương không mảnh đạn bởi vết thương đó không rách thịt, không đổ máu nhưng ám ảnh con người đến tận cùng. 

Anh Ánh là cán bộ y tế trại giam đầu tiên bị nhiễm HIV khi làm nhiệm vụ. Vết thương không mảnh đạn đó xảy ra vào năm 2001, khi anh Ánh trực tiếp cấp cứu phạm nhân Bùi Văn Phú bị nhiễm HIV. Trong lúc điều trị, đối tượng này đã dùng mảnh sành tự rạch vào động mạch nhằm hăm dọa cán bộ và các phạm nhân khác. Anh Ánh đã phân tích, động viên nhưng Phú không nghe, cầm ca máu có HIV của mình hắt lên mặt và người anh Ánh. 

Bác sỹ trại giam và những câu chuyện không có trong hồ sơ
Cán bộ y tế trại giam khám bệnh cho phạm nhân.

Mải cấp cứu cho đối tượng nên anh Ánh không đi xét nghiệm. Không ngờ, 3 năm sau khi vợ anh sinh con bất ngờ phát hiện nhiễm HIV nên yêu cầu anh xét nghiệm. Kết quả, cả hai vợ chồng anh đều đã nhiễm HIV. Quá đau khổ, vợ anh đã từ giã cõi đời để lại đứa con gái còn đỏ hỏn. Anh đã vượt qua mọi khó khăn, mất mát để sống tiếp, nuôi con...

Nhiều y bác sỹ khác của trại giam, dù không phải trải qua những hi sinh, mất mát như bác sĩ Nguyễn Quang Ánh nhưng hàng ngày phải tiếp xúc với bệnh nhân lao, bệnh nhân có HIV, bệnh nhân nhiễm hàng trăm nghìn loại bệnh nguy hiểm khác.

Từng chứng kiến Trung tá Nguyễn Thị Yến, Đội trưởng Đội Y tế - Môi trường, Trại giam Phú Sơn 4 khám bệnh cho các phạm nhân nằm điều trị ở bệnh xá, tôi thực sự thấu hiểu những vất vả mà chị và các đồng nghiệp phải trải qua. Bệnh nhân đa phần là những người mắc trọng bệnh, người nhà ít quan tâm nên họ coi y bác sĩ chính là người thân của mình, là chỗ níu dựa để sống nốt cuộc đời, trả hết món nợ mà họ đã gây ra. 

Tiếp xúc với chúng tôi, ông Hoàng Văn Toán quê ở Phú Bình, Thái Nguyên cứ níu giữ lại để gửi lời cảm ơn tới các y, bác sĩ của trại đã cứu ông qua nhiều cơn bạo bệnh. 

Ông Toán vốn suy tim, xơ gan nặng, có thể gặp nguy hiểm đến tính mạng bất cứ lúc nào, cũng không còn khả năng gây nguy hiểm cho xã hội nữa nên ông đủ điều kiện để tạm đình chỉ thi hành án. Trại giam Phú Sơn 4 đã nhiều lần liên hệ với gia đình đề nghị làm thủ tục để ông Toán được về nhà chữa bệnh, tuy nhiên, không hiểu vì lí do gì đó, gia đình ông không có hồi âm. 

Thương hoàn cảnh của ông Toán như vậy, bác sỹ Nguyễn Thị Yến và cán bộ Trại giam Phú Sơn 4 luôn dành cho ông Toán sự chăm sóc đặc biệt để ông yên tâm điều trị, chữa bệnh.

Ở Trại giam Thanh Phong cũng tương tự như vậy. Đơn vị có nhiều phạm nhân mắc lao mãn tính nên Bộ Công an đã cho xây dựng khu điều trị riêng biệt dành cho các phạm nhân lao, lao - HIV. Đa số khi vào trại, các phạm nhân mắc lao thường đã điều trị ở ngoài rất nhiều, nhưng họ là những người ít quan tâm đến sức khoẻ nên khi hết triệu chứng là bỏ dở liệu trình. Chính vì vậy, sau khi phạm tội, bị bắt và phải thi hành án thì quá trình điều trị gặp rất nhiều khó khăn. 

Thêm nữa do bệnh nhân tái phát bệnh nhiều lần, mãn tính rất ngại hợp tác điều trị. Trong khi quá trình điều trị kéo dài, rất vất vả phức tạp. 

Đặc biệt, nhiều phạm nhân vừa mắc lao vừa có HIV nên rất bi quan, không muốn hợp tác với cán bộ y tế. Chính vì vậy, ngoài phải điều trị bệnh cho phạm nhân, các cán bộ y tế còn phải động viên, giải thích cho họ về tác dụng của thuốc và phương pháp điều trị mới sẽ có hiệu quả rõ rệt, khỏi hoàn toàn bệnh nếu bệnh nhân hợp tác điều trị theo đúng phác đồ.

Hay như ở Trại giam số 5 - nơi có nhiều phạm nhân nữ đến thi hành án thì công tác khám chữa bệnh của các y bác sỹ không chỉ là chữa bệnh mà kiêm cả đỡ đẻ, cấp cứu nhi. Đặc biệt, đối với những phạm nhân chết do bệnh tật, thì các y, bác sỹ cũng chính là những người kiểm tra cuối cùng, trông giữ họ, làm các thủ tục cần thiết khác với mong muốn họ trở về thế giới bên kia là những người tự do, không còn tù tội...

2. Nữ bác sĩ đầu tiên của lực lượng Công an bị phơi nhiễm HIV - chị Nguyễn Thị Thu Hương, Trại giam Quảng Ninh cũng là người từng đối diện với những phút giây sinh tử khi thực hiện nhiệm vụ của mình. Bệnh nhân khiến chị phơi nhiễm HIV là phạm nhân Phạm Đình Chung đã chuyển sang AIDS ở giai đoạn cuối, bị tràn dịch màng phổi rất nặng. 

Khi thấy bác sĩ Hương, Chung mấp máy môi, nói trong hơi thở đứt quãng: “Bác sĩ ơi, cứu cháu với!”. Vừa làm những động tác đơn giản cấp cứu cho hắn, chị Hương vừa động viên: “Yên tâm đi không sao đâu”. Khi chị Hương chọc kim vào ven tay phạm nhân Chung để lấy máu xét nghiệm thì bất ngờ hắn rụt tay lại. Cùng lúc ấy, mũi kim từ tay phạm nhân tung ra cắm phập vào tay chị. Bác sĩ Hương chỉ kịp kêu lên một tiếng rồi gọi y tá đang trực. Cả hai chị em cùng hốt hoảng khi nhìn thấy máu từ ven của đối tượng đã truyền vào tay chị khiến chị bị phơi nhiễm HIV...

Khó khăn, vất vả là vậy, nhưng ngày lễ, ngày Tết, kể cả ngày thầy thuốc Việt Nam - khi cả nước tôn vinh các y, bác sỹ thì những người làm cán bộ y tế ở các Trại giam vẫn thầm lặng công việc của mình. Họ không được bệnh nhân tặng hoa, cũng không có “phong bì” từ người nhà phạm nhân. Nhưng trên hết những điều đó, đối với họ là trách nhiệm, là tình yêu thương đối với các phạm nhân - bệnh nhân của mình. 

Và điều họ mong muốn nhất, trăn trở nhất đó là các gia đình có phạm nhân bị bệnh hiểm nghèo, phạm nhân có HIV/AIDS,  hãy rộng vòng tay với con em họ. Bởi, nếu có được sự động viên của gia đình, dù chỉ là những lời hỏi thăm qua điện thoại cũng giúp các phạm nhân - bệnh nhân có nghị  lực hơn rất nhiều để vượt qua bệnh tật, cố gắng sống khoẻ để trả nợ tội lỗi mình đã gây ra.

3.Công việc khó khăn, vất vả là thế nhưng cơ sở vật chất dành cho công tác khám chữa bệnh hiện nay ở các trại giam vẫn vô cùng thiếu thốn. Nhiều đơn vị không có khu điều trị cách ly cho các phạm nhân bị bệnh truyền nhiễm, nhiều bệnh xá ở xa trung tâm Trại chỉ có 1 cán bộ y tế đảm nhiệm khám chữa bệnh, điều trị cho hàng trăm bệnh nhân nên phải làm việc cả ngày đêm, không có ngày nghỉ.

Thiếu tướng Hoàng Xuân Du, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát Quản lý trại giam, cơ sở giáo dục bắt buộc, trường giáo dưỡng (QLTG, CSGDBB, TGD) cho biết, hiện nay, lực lượng Cảnh sát QLTG, CSGDBB, TGD có gần 800 cán bộ y tế, trong đó có hơn 300 cán bộ nữ. Từ chỗ chỉ là một bộ phận thuộc Đội Hậu cần thì nay đã trở thành Đội Y tế có bệnh xá với các trang thiết bị y tế cơ bản góp phần nâng cao chất lượng  hiệu quả công tác quản lý, chăm sóc sức khoẻ cho CBCS và đối tượng giam giữ, góp phần không nhỏ trong việc đảm bảo an ninh, an toàn cơ sở giam giữ và xây dựng lực lượng.

Trong những năm qua, đội ngũ cán bộ y tế trại giam đã khám, cấp phát thuốc, khám sức khoẻ định kỳ, lập hồ sơ theo dõi sức khoẻ cán bộ chiến sĩ; khám đầu vào cho 100% phạm nhân, trại viên, học sinh; theo dõi điều trị tại bệnh xá và chuyển viện theo dõi những trường hợp vượt quá khả năng của đơn vị. Ngoài nhiệm vụ chuyên môn, lực lượng y tế còn phối hợp thực hiện tốt các nhiệm vụ đảm bảo chế độ chính sách, quản lý giam giữ và giáo dục cải tạo phạm nhân, trại viên, học sinh.

Mặc dù phải làm nhiệm vụ chăm sóc, bảo vệ và nâng cao sức khoẻ cho cán bộ chiến sĩ và hàng chục nghìn người bị giam giữ trong điều kiện hết sức khó khăn, phức tạp, tỷ lệ phạm nhân, trại viên, học sinh mắc lao, nhiễm HIV và các bệnh truyền nhiễm cao gấp nhiều lần so với cộng đồng. 

Đặc biệt, trong điều kiện trang thiết bị y tế còn thiếu thốn, lạc hậu, các phương tiện bảo hộ và chẩn đoán, phát hiện các bệnh truyền nhiễm như lao, HIV còn hạn chế, nguy cơ lây nhiễm cao nhưng các thế hệ thầy thuốc Cục Cảnh sát QLTG, CSGDBB, TGD luôn cố gắng rèn luyện y đức, hết lòng phục vụ chăm sóc sức khoẻ CBCS và đối tượng giam giữ...

Phương Thuỷ

Nguồn tin: http://cstc.cand.com.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây