Cả ba nghệ sĩ đều xuất thân từ Đoàn kịch nói CAND (nay là Nhà hát CAND), và có bước khởi đầu kì lạ, như một duyên nghiệp. Họ đến với nghề thật tình cờ, như một sự đưa đẩy, sắp xếp của số phận. Tưng bừng trên sân khấu và điện ảnh đã bao năm, hoá thân vào đa dạng thân phận nhân vật, mỗi người trong họ đều ghi dấu ấn và để lại trong lòng khán giả những dấu ấn khó phai mờ.
1. NSND Nguyễn Thị Thuý Hiền sinh năm 1973, hiện đang giữ cương vị Giám đốc Nhà hát Công an nhân dân (Đoàn kịch CAND & Nhà hát ca múa nhạc CAND). Căn phòng làm việc trên tầng 2 giản dị giống như chủ nhân, nhưng khi tiếp xúc với chị, cảm giác lửa nghề lúc nào cũng sôi sùng sục như nham thạch phun trào. 20 năm gắn bó với sàn diễn, cháy hết mình với từng vai. Không nhan sắc rực rỡ kiêu sa, không đài các quý phái mà ở chị có nét duyên riêng đến lạ, lôi cuốn, hấp dẫn khán giả ở những độ cười nghiêng ngả, như vỡ trận, hoặc người xem xúc động, khóc rưng rức...
Sinh ra và lớn lên tại Hà Nội, nhà ở gần Cột Cờ, gần công viên Lênin, Hà Nội trong NSND Nguyễn Thị Thúy Hiền mang sắc hồng của đào Nhật Tân, màu vàng của quất Quảng Bá, màu xanh lung linh của Hồ Gươm hiền hoà, và thi thoảng thả bộ trên đường Cổ Ngư thơ mộng ngắm hoàng hôn...
Nghệ sĩ Nhân dân Nguyễn Thị Thuý Hiền. |
Nhỏ tí, cô bé Hiền đã được mẹ dẫn lên Cung thiếu nhi sinh hoạt lớp kịch. Suốt những năm tháng ngồi trên ghế nhà trường, Hiền là trung tâm của những buổi biểu diễn văn nghệ, một vở kịch có thể đảm nhận được mấy dạng vai. Hết cấp 3, lên đại học cha cô là một thẩm phán muốn con gái học ngành luật. Tưởng an phận với sự sắp đặt của cha, nhưng, người bạn thân của Hiền, đạo diễn Đỗ Thanh Hải rủ hai đứa cùng thi vào Trường đại học Sân khấu & Điện ảnh Hà Nội.
Chiều cao khiêm tốn, Hiền đỗ nhưng điểm không cao nên phải học lớp B cùng với Công Lý (lớp dành cho những sinh viên thấp điểm hơn lớp A). Một năm sau, nhờ sự cố gắng, Hiền và Công Lý đều được chuyển sang lớp A. Quãng đầu đời không quá suôn sẻ nhưng xem ra có hậu, khiến Hiền tin rằng cứ cố gắng thì nghề không phụ. Tốt nghiệp khoá diễn viên ra trường về đoàn kịch Công an, những năm đầu chị được giao cho vai phụ, chạy qua sân khấu trong vài phút: khi thì bà bán bánh mì, lúc đứa trẻ bán vé số... Ừ! Thôi kệ chứ! Vai lớn không có được, thì vai nhỏ, vai phụ, vai bé tí cũng không sao. Miễn là mình phải tìm được một cái hay riêng, phải thật là đặc biệt. Người diễn viên có nghề hay không, chỉ cần ra sân khấu 2 phút là biết liền. Và quả thật, bà bán bánh mì, đứa bé bán vé số, từ giọng nói, dáng điệu, cử chỉ, ui trời ơi là trời, hay ơi là hay í, "ăn" hết mất phần duyên của thiên hạ.
Một lần, được giao cho vai đế trong vở: "Thằng Mẫn tóc nâu", có nghĩa là chỉ nói đế vào thôi, thế mà sau khi xem Hiền diễn, đạo diễn NSND Lê Hùng cứ tấm tắc: "Cuộc thi không có giải phụ chứ có giải phụ thì chắc chắn con bé này sẽ được giải".
Còn nhớ ngày mới vào nghề có cuộc Thi tài năng trẻ toàn quốc, lúc đó NSND Trần Nhượng làm trưởng đoàn kịch kêu Hiền đóng trích đoạn thầy bói mù. Lúc tập vở ở đoàn đang diễn trên sân khấu nghe tiếng "bịch" một cái rõ to. Quay ra, úi giời! thì ra chú làm âm thanh cho đoàn xem con bé mới vào nghề diễn buồn cười quá, quên là đang ngồi trên lan can, nên ngã phịch xuống đất. Chú ngã đau quá, gượng dậy bảo: "Cái con ranh diễn thế nào mà làm chú cười...". Nhưng cũng không ít lần Hiền đã làm cho khán giả khóc.
Đó là lần Hiền vào vai Kim Sen - nữ cán bộ điều tra trong vở kịch "Hoa Thép" của tác giả Đại tá Phan Gia Liên, Đạo diễn NSND Lê Hùng. Kịch bản dựa trên một câu chuyện có thật của một nữ chiến sĩ công an. Kim Sen có cuộc sống gia đình không mấy hạnh phúc, chồng chị là một trí thức bất mãn và không thông cảm với nghề nghiệp của vợ... Đến cuối vở kịch, người nữ chiến sĩ anh hùng ấy đã phải hy sinh. Ngồi ở hàng ghế khán giả, nhiều người lặng đi, mắt đỏ hoe. Cánh gà sân khấu khép lại, mọi người bị cuốn vào câu chuyện, họ thương nhân vật chưa thể đứng dậy ra về. Phải đến 10 phút sau, khi Hiền ở trong cánh gà, có một phụ nữ chạy vào ôm chầm lấy. Đôi mắt của người phụ nữ ấy vẫn long lanh giọt lệ, vì cảm xúc với nhân vật chưa thể dứt, còn Hiền mắt vẫn ướt chưa kịp khô. Người phụ nữ rưng rưng nói: "Bây giờ mình mới biết các đồng chí công an khổ thế này".
2.NSND Nguyễn Công Bẩy sinh năm 1965, sở hữu gương mặt điển trai, nhiều thiện cảm, anh được đạo diễn giao cho hàng loạt vai chính kịch, các vai diễn dài hơi mang nhiều tâm trạng, có chiều sâu tâm lý và có tư chất. Nhưng, là một người diễn viên đa tài, thích ứng nhanh, nhiều lần anh hoá thân vào những ông trùm sừng sỏ, hay một viên quan tham nhũng cũng "chất" ra trò lắm ấy.
Cuộc đời luôn có những điều bất ngờ và thú vị, như một cuốn tiểu thuyết hay mà người ta không biết cái kết thế nào. Hết lớp 12, cậu học trò Nguyễn Công Bẩy muốn lắm vào Công an và Quân đội. Nhưng có lẽ vận may chưa tới. Rồi anh thi vào trường Đại học Văn hóa Hà Nội, khoa Sân khấu. Ngày tốt nghiệp ra trường, loay hoay đưa đẩy vô tình thế nào anh lại về Đoàn kịch nói Công an nhân dân.
Rồi vào ngành. Rồi diễn. Thời kì mới vào chỉ là những vai nhỏ, vai phụ bé tí tin hin, dần dần lên vai chính, vai trung tâm. Năm 1995, lần đầu tham gia Liên hoan Sân khấu toàn quốc anh được Huy chương Bạc. Cột mốc đáng nhớ trong cuộc đời hoạt động nghệ thuật của mình, đó là năm 1996, Liên hoan Sân khấu nhỏ toàn quốc anh được Huy chương Vàng vai chiến sĩ công an Phong trong vở: "Đám cưới trong đêm mưa". Vở kịch đậm tính nhân văn cao cả của một người chiến sĩ trinh sát đầy lòng trắc ẩn. Khi ấy, nhân vật Phong đã rất đẹp qua lối diễn xuất tinh tế đầy cảm xúc của người diễn viên trẻ Nguyễn Công Bẩy.
Nghệ sĩ Nhân dân Nguyễn Công Bẩy. |
Hàng chục năm gắn bó Đoàn kịch CAND, anh đã để lại cho người xem nhiều cảm xúc ngọt ngào, đáng nhớ khi thể hiện hình tượng người chiến sĩ công an nhân dân "Vì nước quên thân vì dân phục vụ". Hiện nay, với cương vị Phó Cục trưởng Cục Công tác Đảng và công tác chính trị, Bộ Công an, Đại tá Nguyễn Công Bẩy không còn tham gia diễn xuất nữa, nhưng anh vẫn phụ trách hoạt động của Nhà hát Công an nhân dân, vẫn tha thiết gắn bó với sân khấu.
3.Đại tá NSND Nguyễn Văn Hải (Nguyễn Hải) được trời phú cho một "khuôn mặt đáng ghét đến kì lạ". Đến nỗi qua hàng chục năm hoạt động trong lĩnh vực sân khấu & truyền hình, các đạo diễn khi cần một vai phản diện liền nghĩ ngay không ai khác ngoài Nguyễn Hải. Anh sinh năm 1958, nguyên Phó trưởng đoàn kịch CAND, từ lâu đã là một gương mặt thân quen của sân khấu và phim truyền hình.
Trước đây anh học kỹ thuật rồi ra làm kỹ thuật, vậy cơ duyên với nghiệp diễn lại về đầu quân ở Đoàn kịch CAND. Mà cũng diễn hay đáo để. Những vai diễn của anh gai góc, mưu mô, nhiều thủ đoạn. Lắm lúc lại xảo quyệt và nham hiểm chưa từng. Nhưng, ngoài đời theo như lời các bạn đồng nghiệp và những người từng tiếp xúc với anh, thì nhìn bề ngoài thế thôi chứ thực chất anh là người tốt tính và sống nội tâm.
Hàng loạt những vai không thể thay thế, đóng đinh tên tuổi làm nên thương hiệu Nguyễn Hải trên sóng truyền hình như: Trịnh Khả trong "Chuyện làng Nhô"; tướng cướp Hoàng Đạo trong "Cái chết của con thiên nga"; Lê Thanh trong "Chạy án"; gần đây là nhân vật lão Cấn trong bộ phim ăn khách "Quỳnh búp bê".
Nghệ sĩ Nhân dân Nguyễn Hải là gương mặt quen thuộc với khán giả cả nước. |
Chẳng biết bà mụ nặn thế nào lại ra gương mặt chuyên vào vai phản diện thế chứ nên khi đi hỏi vợ, anh đã bị ông bố vợ chẳng thể nào ưng gả con gái vào cái tay sát thủ máu lạnh. Bố vợ anh còn nói với con gái: "Con mà lấy cái thằng đó thì ngày nào cũng no đòn". Nhưng, kì thực, ở ngoài anh khác lắm, sống tình cảm, không va chạm ăn thua với cuộc đời.
Có lẽ, sự thiệt thòi và hi sinh nhất của anh là ở những vai diễn phản diện. Nhiều khi nhập vai hay quá, thành công quá rồi thì cũng bị ghét quá. Lắm khi sau một bộ phim vừa công chiếu trên truyền hình, anh ra đường, họ ném cho anh cái nhìn khó chịu. Người ta chỉ trỏ, rồi xua đuổi. Anh bảo: "Khán giả đôi khi không phân biệt trên phim và ngoài đời thực". Ngay kể cả cậu con trai của anh từ khi còn đi học, bị bạn bè xa lánh vì không muốn chơi với con của một ông ác, thậm ác. Cậu bé về buồn lắm, bị stress vì những câu nói của các bạn. Điều đó đã ám ảnh cậu và cả một người cha giàu tình cảm như anh.
Những tháng ngày ấy kéo dài đến khi lớn lên cậu hiểu nghề nghiệp của bố. Vợ anh, chính là cô bạn học cùng chung lớp, Trường Đại học Sân khấu & Điện ảnh Hà Nội. Họ đã cùng nhau đi cả đoạn đường dài, trái lại với mọi người khi quay lưng, "hắt hủi" anh thì vợ lại chính là điểm tựa, niềm tin yêu, chỗ dựa vững chắc để cho anh yên tâm làm nghề. Để có được thành công như hôm nay, anh luôn biết ơn người vợ của mình, một hậu phương vững chắc.
Anh luôn tâm niệm, dù diễn dạng vai nào thì cũng hướng người xem đến giá trị tốt đẹp, hướng đến sự nhân văn. Chính suy nghĩ giản dị và chân thật đó đã thắp sáng cho anh vào những vai diễn tưng bừng, đầy ấn tượng trên sân khấu và truyền hình.
Tác giả: Trần Mỹ Hiền
Nguồn tin: http://cand.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn