Ông Mai Văn Trinh cho biết, Bộ GD-ĐT đã phối hợp với Ban chỉ đạo thi tại Hà Giang kiểm tra, rà soát từ ngày 14-7 và phát hiện đúng là có những sai phạm trong quá trình chấm bài thi trắc nghiệm.
Căn cứ vào quy chế thi, lãnh đạo Bộ GD-ĐT đã thành lập hội đồng chấm thẩm định tất cả các bài thi trắc nghiệm tại hội đồng chấm thi Hà Giang. Việc chấm thi đến tối ngày 17-7 thì hoàn tất trên tinh thần nghiêm túc, trả lại kết quả thật cho bài thi.
Trong quá trình kiểm tra cũng đã xác minh được đối tượng gây ra sai phạm này. Hiện cơ quan chức năng đang tiếp tục tập hợp chứng cứ để có kết luận cuối cùng về sự việc.
Ông Mai Văn Trinh - Cục trưởng Cục Khảo thí và kiểm định chất lượng, Bộ GD-ĐT trả lời báo chí lúc 1h sáng 17-7 tại Hà Giang. Ảnh TTO. |
Trước đó, ngay sau khi Bộ Giáo dục & Đào tạo công bố kết quả thi THPT Quốc gia 2018, dư luận đang hướng sự chú ý đến tỉnh Hà Giang bởi những nghi vấn có sự bất thường trong kết quả thi ở tỉnh này.
Cụ thể, nhiều chuyên gia phát hiện thấy riêng môn Vật lý, tỉnh Hà Giang có 65 điểm 9 đến 10, và có 28 bài đạt mức 8 đến 9 điểm. Tức là, số thí sinh đạt 9 đến 10 điểm gấp đôi số thí sinh đạt 8 đến 9 điểm. Điều này rất vô lý bởi thông thường, điểm số càng cao phải càng giảm nhưng đây hoàn toàn ngược lại.
Thêm nữa, cả nước có hơn 925.000 thí sinh đi thi THPT Quốc gia 2018, còn Hà Giang chỉ có gần 5.500 thí sinh. Nghĩa là số thí sinh của cả nước gấp gần 170 lần số thí sinh của Hà Giang.
Tuy nhiên, theo thống kê từ dữ liệu điểm thi, riêng ở khối thi A1, Hà Giang có tới 36 học sinh đạt mức trên 27 điểm, còn cả nước chỉ có 76 học sinh đạt mức điểm này. Tức là riêng Hà Giang chiếm tới gần một nửa.
Theo một chuyên gia khảo thí, nếu việc gian lận kết quả thi trắc nghiệm xử lý bằng hình ảnh trong quá trình quét bài thi thì sẽ dễ phát hiện hơn bởi ban chỉ đạo thi của tỉnh và ban chỉ đạo thi cấp quốc gia đều còn lưu trữ dữ liệu của từng bước chấm thi trắc nghiệm.
Theo quy định, các tập dữ liệu quét bài thi gốc (kèm theo số báo danh, chưa kiểm dò, chưa sửa chữa, chưa chấm thi) được xuất từ phần mềm, đảm bảo cấu trúc và yêu cầu theo quy định của Bộ GD-ĐT, được ghi vào 2 CD giống nhau (gọi là đĩa CD1), dán niêm phong, có chữ ký của bộ phận giám sát; một đĩa giao cho chủ tịch hội đồng thi lưu giữ, một gửi chuyển phát nhanh về Bộ GD-ĐT.
Sau khi niêm phong CD1, các đơn vị mới được phép mở niêm phong các tệp dữ liệu phục vụ chấm thi do Cục Quản lý chất lượng (Bộ GD-ĐT) gửi đến. Tổ xử lý bài trắc nghiệm tiến hành việc xử lý bài thi và chấm thi chính thức.
Kết quả chấm thi chính thức của các bài thi trắc nghiệm được ghi vào 2 đĩa CD giống nhau (gọi là đĩa CD2), dán niêm phong, có chữ ký của những cán bộ giám sát; 1 đĩa giao cho chủ tịch hội đồng thi lưu giữ, 1 đĩa gửi về Bộ GD-ĐT trước ngày 7-7.
Trong trường hợp đặc biệt phải rà soát lại như Hà Giang thì cần mở niêm phong các CD1 và CD2 có chứa dữ liệu trên cùng với việc chấm thẩm định lại những bài làm có dấu hiệu bất thường để đối sánh kết quả. Nếu những tác động bài làm này không chứng minh được thí sinh cố tình vi phạm thì kết quả chấm thẩm định sẽ là kết quả được phục hồi cho thí sinh.
Tuy nhiên, chuyên gia này cũng cho rằng việc “bắt tay nhau” sửa lại bài làm của thí sinh trước khi đưa vào máy quét, máy chấm thì tình hình sẽ phức tạp hơn nhiều. Việc xử lý ra sao với kết quả bài thi của thí sinh cũng sẽ rất khó, khó phục hồi bài làm ban đầu của thí sinh để trả lại kết quả đúng với thực tế vì tất cả đều chỉ là dấu khoanh tròn bằng bút chì vào 1 trong 4 đáp án của mỗi câu hỏi.
Xử lý như thế nào nếu phát hiện vi phạm? Luật sư Nguyễn Văn Hậu - Phó Chủ tịch Hội Luật gia TP Hồ Chí Minh Trên cơ sở kết luận xác minh của cơ quan chức năng, người thực hiện hành vi vi phạm trong công tác chấm thi THPT quốc gia sẽ bị xử lý hành chính, hình sự tùy theo tính chất của hành vi vi phạm theo quy định Thông tư 04/2017/TT-BGDĐT ngày 25/01/2017 của Bộ Giáo dục và đào tạo về ban hành quy chế thi trung học phổ thông quốc gia và xét công nhận tốt nghiệp trung học phổ thông. Theo Điểm c Khoản 1 Điều 48 Quy chế thi trung học phổ thông quốc gia và xét công nhận tốt nghiệp trung học phổ thông, ban hành kèm theo Thông tư 04/2017/TT-BGDĐT ngày 25/01/2017 của Bộ Giáo dục và đào tạo về ban hành quy chế thi trung học phổ thông quốc gia và xét công nhận tốt nghiệp trung học phổ thông, hành vi gian lận khi chấm thi, cho điểm không đúng quy định, vượt khung hoặc hạ điểm của thí sinh sẽ bị xử phạt với hình thức “Tuỳ theo mức độ vi phạm có thể bị hạ bậc lương, hạ ngạch, cách chức hoặc chuyển đi làm công tác khác đối với những người có hành vi vi phạm”. Ngoài ra, đối với hành vi “Cố ý chữa điểm trên bài thi, trên biên bản chấm thi hoặc trong bảng điểm” sẽ bị xử lý với hình thức buộc thôi việc hoặc đề nghị truy cứu trách nhiệm hình sự đối với người có một trong các hành vi sai phạm, điều này được quy định tại Điểm d Khoản 1 Điều 48 Quy chế thi trung học phổ thông quốc gia và xét công nhận tốt nghiệp trung học phổ thông. Ngoài các hình thức xử lý nêu trên, các cơ quan có thẩm quyền có thể cấm đảm nhiệm những công việc có liên quan đến thi từ 1 đến 5 năm đối với người thực hiện hành vi vi phạm. |
Tác giả: Việt Cường
Nguồn tin: http://cand.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn