Theo quan điểm của Luật sư Đặng Kim Ngân Hà về ''một số vấn đề liên quan khi pháp nhân bị xâm phạm uy tín '' cho rằng: Xét về nguyên tắc pháp lý, công ty có thể tiến hành thủ tục khởi kiện khi bị xâm phạm, cụ thể tại Điều 584 Bộ luật dân sự 2015: “Người nào có hành vi xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp khác của người khác mà gây thiệt hại thì phải bồi thường”.
Với quy định này, nếu muốn được bồi thường thiệt hại, nguyên đơn phải chứng minh được 3 yếu tố như: có thiệt hại thực tế xảy ra, có hành vi trái luật gây thiệt hại, có mối quan hệ nhân quả giữa hành vi trái luật và thiệt hại. Công ty có thể yêu cầu các khoản tiền bồi thường thiệt hại do danh dự, nhân phẩm, uy tín khi bị xâm phạm: Chi phí hợp lý để hạn chế, khắc phục thiệt hại.
Luật sư Đặng Kim Ngân Hà |
Thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút. Tuy nhiên, để có cơ sở để xác định về yêu cầu đòi bồi thường, công ty phải đưa ra được các tài liệu chứng minh cho việc doanh thu của công ty trước và sau khi bị xâm hại uy tín đã giảm sút bao nhiêu? Công ty đã làm gì để khắc phục, hạn chế những thiệt hại đó? Công ty cần nêu rõ các biện pháp công ty đã sử dụng và hiệu quả của các biện pháp ấy.
Qua nhiều năm cố vấn pháp lý, đại diện bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các doanh nghiệp nước ngoài và nhà nước, Luật sư Đặng Kim Ngân Hà cho rằng thời gian từ khi doanh nghiệp đệ trình hồ sơ pháp lý khởi kiện, chờ đợi việc Tòa án tiến hành xem xét, giải quyết thông qua các giai đoạn tố tụng hoặc chờ đợi quyết định và kết luận điều tra của cơ quan quản lý nhà nước có thể kéo dài tới hàng năm.
Thương hiệu được hiểu như nhãn hiệu, uy tín, cơ hội kinh doanh của Doanh nghiệp trên thị trường. Vào giai đoạn đầu, các thông tin chưa được kiểm chứng đã có thể tạo ra cuộc khủng hoảng truyền thông tới thương hiệu doanh nghiệp và tâm lý khách hàng bị chao đảo bởi vì không phải tất cả các khách hàng đều đủ bình tĩnh và lý trí để xác định mục đích cuối cùng của các tin đồn thất thiệt này là gì, nếu tại thời điểm này, doanh nghiệp không có một đội ngũ chuyên nghiệp xử lý khủng hoảng truyền thông thì có lâm vào tình trạng phá sản, làm ăn thua lỗ trước khi chờ đợi được kết quả minh oan của cơ quan nhà nước.
Một phần nguyên nhân do doanh nghiệp không có kinh nghiệm hoặc mô hình doanh nghiệp nhỏ, không đủ tiềm lực tài chính để theo đuổi đến cùng và xử lý khá chậm trong cuộc khủng hoảng truyền thông dẫn tới không thể hạn chế các thiệt hại vô hình về uy tín, thương hiệu ngay tại giai đoạn đầu.
Do đó khi ''sự cố'' xảy ra doanh nghiệp cần thực hiện cùng lúc các giải pháp pháp lý và giải pháp thương mại xử lý khủng hoảng truyền thông ngay từ giai đoạn đầu nhằm ngăn ngừa thiệt hại, sự đánh giá tiêu cực, hiểu lầm của dư luận có thể gây ảnh hưởng gián tiếp hoặc trực tiếp đến danh tiếng, vị thế và tài chính của cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp đó.
Sự im lặng và thụ động sẽ biến mọi tình huống trở nên tệ hại hơn và nhận được nhiều sự giận dữ hơn. Lên tiếng trên mạng xã hội, đưa ra thông cáo, lời trình bày rõ ràng vấn đề doanh nghiệp đang mắc phải là phương pháp giải quyết phù hợp nhất tới khách hàng, đối tác cũng như dư luận để ngăn chặn khủng hoảng truyền thông.
Việc bảo vệ uy tín thương hiệu của doanh nghiệp là điều vô cùng quan trọng và luôn được đặt lên hàng đầu của doanh nghiệp trên thị trường cạnh tranh hiện nay.
Tác giả: PV
Nguồn tin: http://cand.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn