Bộ luật có 17 chương, 220 điều với những nội dung mới cơ bản như sau:
1. Tăng tuổi nghỉ hưu (Điều 169)
Bộ luật đã thể chế hóa Nghị quyết TW số 28-NQ/TƯ về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội, điều chỉnh tăng tuổi nghỉ hưu theo lộ trình chậm, cụ thể:
- Tuổi nghỉ hưu chung trong điều kiện lao động bình thường, nam nghỉ hưu ở tuổi 62 (vào năm 2028) và nữ ở tuổi 60 (vào năm 2035) theo lộ trình mỗi năm tăng 4 tháng đối với nữ và mỗi năm tăng 3 tháng đối với nam kể từ năm 2021.
- Quyền nghỉ hưu sớm hơn không quá 5 tuổi trừ trường hợp pháp luật có quy định khác, được áp dụng đối với người lao động bị suy giảm khả năng lao động; làm nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; làm việc ở vùng có điều kiện kinh tế- xã hội đặc biệt khó khăn.
Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội sẽ ban hành danh mục những nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm làm cơ sở để xác định những trường hợp người lao động có thể nghỉ hưu ở độ tuổi thấp hơn với khoảng 1810 nghề. Số lượng người lao động đang làm các công việc này khoảng 3 triệu người.
2. Tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở:
Bộ luật đã quy định về tổ chức của người lao động không thuộc hệ thống Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và hoạt động của tổ chức này trong việc đại diện, bảo vệ quyền lợi của người lao động trong quan hệ lao động.
3. Nới trần thêm giờ làm việc theo tháng từ 30h/tháng lên 40h/tháng và quy định cụ thể các trường hợp được làm thêm giờ đến 300 giờ/năm.
4. Bổ sung thêm 1 ngày nghỉ lễ liền kề trước hoặc sau ngày Quốc khánh 2-9.
5. Đảm bảo hơn sự tự do giao kết hợp đồng lao động:
Người lao động có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động không cần lý do mà chỉ phải báo trước cho người sử dụng lao động.
6. Nhà nước chỉ ban hành mức lương tối thiểu, người sử dụng lao động tự quyết định chính sách tiền lương (thang, bảng lương) trên cơ sở tham vấn với tổ chức đại diện người lao động.
7. Bảo đảm bình đẳng giới, tạo điều kiện để người lao động nữ thực hiện quyền của mình; hạn chế tối đa các quy định cấm; sửa đổi một số quy định áp dụng chung cho cả lao động nam và lao động nữ.
8. Mở rộng sự bảo vệ đối với lao động chưa thành niên ở cả khu vực chính thức và phi chính thức, lao động chưa thành niên làm việc không có quan hệ lao động.
9. Sửa đổi các luật có liên quan:
- Sửa đổi 3 điều của Luật Bảo hiểm xã hội (Điều 54, Điều 55 và Điều 73) liên quan về điều kiện hưởng lương hưu do Bộ luật Lao động 2019 đã điều chỉnh tăng tuổi nghỉ hưu.
- Sửa đổi 1 điều trong Bộ luật Tố tụng dân sự (Điều 32) về những tranh chấp về lao động và tranh chấp liên quan đến lao động thuộc thẩm quyền giải quyết của tòa án.
Tác giả: Ban KT-PL
Nguồn tin: http://cand.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn