Luật Quốc phòng 2018 chính thức có hiệu lực kể từ ngày 1-1-2019 quy định, lệnh giới nghiêm được ban bố trong trường hợp tình hình an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội tại một hoặc một số địa phương diễn biến phức tạp đe dọa gây mất ổn định nghiêm trọng và được công bố liên tục trên các phương tiện thông tin đại chúng.
|
Ảnh minh hoạ. |
Thẩm quyền ban bố lệnh giới nghiêm được quy định như sau:
- Thủ tướng ban bố lệnh giới nghiêm tại một hoặc một số địa phương cấp tỉnh;
- UBND cấp tỉnh ban bố lệnh giới nghiêm tại một hoặc một số địa phương cấp huyện;
- UBND cấp huyện ban bố lệnh giới nghiêm tại một hoặc một số địa phương cấp xã;
- UBND đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt ban bố lệnh giới nghiêm tại một hoặc một số khu vực trên địa bàn.
Lệnh giới nghiêm phải xác định nội dung sau đây:
- Khu vực giới nghiêm;
- Đơn vị đảm nhiệm và nhiệm vụ thi hành lệnh giới nghiêm;
- Thời hạn bắt đầu và kết thúc hiệu lực, nhiều nhất không được quá 24 giờ;
- Khi hết hiệu lực, nếu cần thiết phải tiếp tục giới nghiêm thì phải ban bố lệnh mới;
- Nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong khu vực giới nghiêm;
- Quy tắc trật tự xã hội cần thiết ở khu vực giới nghiêm.
Các biện pháp được áp dụng trong thời gian giới nghiêm bao gồm:
- Cấm tụ tập đông người;
- Cấm người, phương tiện đi lại, hoạt động trong những giờ nhất định, tại những khu vực nhất định;
- Đình chỉ hoặc hạn chế hoạt động tại một số nơi công cộng trong những thời điểm nhất định;
- Đặt trạm canh gác và kiểm soát địa bàn, kiểm tra vật phẩm, hành lý, phương tiện, giấy tờ của người đi lại qua trạm canh gác và kiểm soát;
- Kịp thời bắt giữ và xử lý người, phương tiện vi phạm lệnh giới nghiêm và vi phạm quy định khác của pháp luật.
Đồng thời, Luật Quốc phòng giao cho Chính phủ quy định trình tự ban bố lệnh giới nghiêm; trách nhiệm, quyền hạn của cơ quan, tổ chức, đơn vị, địa phương liên quan thi hành lệnh giới nghiêm.