Hiện tượng này năm nào cũng xảy ra, tuy nhiên có vẻ như người ta vẫn phớt lờ với việc phòng chống bệnh dại ở động vật nuôi và vô cùng thiếu ý thức trong việc giữ an toàn sức khoẻ, tính mạng cho cộng đồng xã hội.
Liên tiếp xảy ra vụ việc đau lòng
Vụ việc mới nhất, ngày 9-4 có 6 em học sinh đang chơi ở sân trường Tiểu học số 1 xã Tịnh Hoà, TP Quảng Ngãi thì con chó nuôi của gia đình bà Hồ Thị Xuân ở thôn Đông Hoà, xã Tịnh Hoà bất ngờ xông vào cắn khiến cả 6 em học sinh đang học lớp 1, lớp 3 và lớp 5 bị thương ở bàn tay, bàn chân, lưng và mông.
Ngay lập tức Ban Giám hiệu nhà trường đã sơ cứu cho các em và đưa đi tiêm phòng vaccine dại. Chủ đàn chó cam kết chịu tiền tiêm ngừa vaccine nhưng do hoàn cảnh bà này khó khăn nên nhà trường và phụ huynh ứng tiền chi trả. Công an TP Quảng Ngãi cũng đã đến hiện trường để lập biên bản.
Trước nay, chó vẫn được coi là con vật trung thành và thân thiện với con người, nhưng vài năm trở lại đây, nhiều sự việc đau lòng xảy ra khi chó nổi cơn hung hãn cắn người, thậm chí quay lưng lại với chủ, cắn chủ dẫn đến tử vong. Ở xã Trung Sơn, huyện Lương Sơn, tỉnh Hoà Bình, ngay ngày mùng 2 tết nguyên đán vừa qua (6-2-2019), anh Bùi Văn Tuấn 32 tuổi bị chó nhà cắn vào mu bàn tay gây chảy máu.
Sau khi cắn chủ xong, con chó này lại lao về phía vợ và con gái anh cắn gây xước xát da và chảy máu. Ngày hôm sau con chó này lại tiếp tục cắn con trai anh Tuấn. Một ngày sau anh Tuấn đã bắt con chó xích lại thì bị con chó cắn thêm lần nữa. Quá tức giận anh đã giết chó, rồi mẹ anh Tuấn đem chôn. Khi mẹ anh Tuấn đem chôn con chó thì vô tình máu của con chó lại tiếp xúc với vết hở trên da của bà.
Cả nhà anh Tuấn ai cũng chủ quan nghĩ không sao nên không ai đi tiêm phòng dại. Sự việc tưởng như không có gì thì đến gần hai tháng sau, ngày 31-3, anh Tuấn có biểu hiện nấc, khó thở, sợ nước, sợ tiếng động, hoảng loạn, anh được đưa đi trạm xá. Tại đây được chuẩn đoán là bị bệnh dại. Dù được đưa lên tuyến trên là Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương điều trị nhưng chiều ngày 2 - 4 bệnh nhân tử vong.
Sau khi biết chồng bị bệnh dại thì vợ và con gái anh Tuấn mới đi tiêm phòng dại vào ngày mồng 1-4, riêng con trai anh Tuấn không tiêm được vì cháu lên cơn sốt cao. Đêm 3-4 cháu tử vong.
Chó thả rông ở khu vực phố đi bộ quanh hồ Hoàn Kiếm. |
Cũng vào thời gian con trai anh Tuấn mất do chó cắn thì ngay tại sân vận động thị trấn Lương Bằng, huyện Kim Động, tỉnh Hưng Yên đã xảy ra một sự việc tương tự, gây nên cái chết vô cùng thương tâm cho bé trai 7 tuổi. Bé N đang chơi thì bất ngờ bị đàn chó hung hãn lao vào cắn xé dữ dội. Người đi đường nhìn thấy đã tri hô và người dân đã đuổi đàn chó ra để cứu cháu bé. Nhưng do mất máu quá nhiều, ngay sau khi nhập viện khoảng 1 tiếng cháu bé đã tử vong tại Bệnh viện Việt Đức, Hà Nội.
Một điều đáng nói ở đây là không phải cháu bé xa lạ với đàn chó này. Bố mẹ bé quê ở Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh đã rời quê nhà đến nhà bà Lê Thị An là chủ của đàn chó 9 con để thuê nhà ở đây 10 năm nay. Hai vợ chồng làm nghề bán đậu, cậu bé N từ khi sinh ra đến khi lớn lên đều ở cùng bố mẹ và thân thuộc với đàn chó.
Việc chó cắn người quen không còn là hi hữu, sự việc này khiến cho người ta nhớ lại cách đây không lâu, tháng 7 năm ngoái ngay tại thủ đô Hà Nội, một gia đình ở phố Đội Cấn, quận Ba Đình, bé gái tròn 8 tháng tuổi đang chơi đã bị con vật nuôi của gia đình là giống chó ngao Tây Tạng cắn. Mẹ bé lao vào ngăn nhưng sau khi đưa được con gái ra khỏi con chó hung dữ, đưa bé vào cấp cứu tại Bệnh viện Việt Đức thì cháu bé đã mất máu nhiều nên không qua khỏi.
Sau khi bé gái 8 tuổi ra đi thì chưa đầy một tháng sau Bệnh viện Việt Đức lại tiếp nhận bệnh nhân là ông T., 49 tuổi trú tại quận Thanh Xuân, thành phố Hà Nội bị chó becgie của nhà cắn. Nguyên nhân do ông thấy con chó này xông vào đánh nhau với con chó nhỏ, ông T. mắng, con chó tức giận quay ra ngoạm vào cổ ông T. Ông được người nhà đưa vào bệnh viện trong tình trạng vết thương động mạch đốt sống phải rất nặng, cả hai động mạch nuôi não đều tổn thương nghiêm trọng, ông T. đã tử vong.
Trước đấy chị Nguyễn Thị H. sinh năm 1985 ở thị trấn Lang Chánh, huyện Lang Chánh, tỉnh Thanh Hoá cũng bị chó nhà cắn khi chị đang mang bầu, con chó này còn cắn thêm 7 người nữa. Cả 7 người đều đến trung tâm huyện Lang Chánh để tiêm phòng, riêng chị H không tiêm do chủ quan nghĩ chó nhà mới đẻ nên hung dữ, một thời gian ngắn sau đó chị tử vong do bệnh dại.
Người nuôi cố tình hay vô trách nhiệm?
Trở lại với sự việc đau lòng của em bé 7 tuổi ở thị trấn Lương Bằng, tỉnh Hưng Yên bị đàn chó xông vào cắn xé dẫn đến thiệt mạng, người ta xót xa thương cảm cho cháu bé và càng phẫn uất hơn khi biết, trước đó bà Lê Thị An chủ của đàn chó đã được người dân địa phương đến nhà để thông báo việc một em bé bị chó nhà bà cắn bị thương, bố mẹ của em đã sang nhà bà nói chuyện nhưng bà này vẫn vô tư không nhốt, xích chó, hoặc đeo rọ cho chúng.
Ngay cả khi sự việc thương tâm xảy ra thì người ta vẫn thấy bà An không hề có động thái nhốt, xích chó, vẫn có thói quen thả rông chó như mọi ngày. Chỉ đến khi có cơ quan chức năng đến nhà làm việc thì bà này mới chịu hợp tác.
Theo bác sĩ thú y Phạm Thị Lan Hương, Trung tâm Nghiên cứu ứng dụng và chuyển giao khoa học thú y – Viện Thú y quốc gia: “Người nuôi chó nên tiêm vaccine đầy đủ, tiêm phòng dại định kì theo quy định của nhà nước.
Các biện pháp phòng chống bệnh dại đã được thông báo trên các phương tiện truyền thông, thậm chí Nhà nước trợ giá để tiêm phòng, nhưng ý thức của người nuôi chưa cao. Hiện nay rất nhiều người không tự giác tiêm phòng dại cho chó, nên chính quyền, cơ quan chức năng phải đến tận nhà thông báo hoặc kiểm tra giấy tiêm phòng, nếu không xuất trình được thì phạt người nuôi.
Chó đi ra đường phải có rọ mõm, người nuôi cần có ý thức cầm theo dụng cụ để cho chó đi vệ sinh vì khi chó đi vệ sinh ra đường, ở những nơi công cộng gây mất cảnh quan, và gây ô nhiễm không khí, qua phân chó cũng có những bệnh lây truyền cho người.
Bác sĩ Hương cũng cho biết thêm: “Nếu vô tình bị chó cắn thì trước hết phải xử lý vết thương, vào chỗ gần nhất để rửa tay xà phòng, dịch hết máu ra, sau đó sát trùng bằng cồn. Với vết thương sâu và rộng phải đến bác sĩ tư vấn ngay, bác sĩ sẽ có chỉ định tiêm phòng vaccine dại. Nếu nghi ngờ con chó đấy dại cao thì bác sĩ sẽ tiêm kháng huyết thanh. Nếu trường hợp chó cắn không bị chảy máu thì sát trùng bằng cồn, sau đó sẽ theo dõi con chó trong vòng từ 2-3 tuần.
Khi bị động vật dại như chó, mèo cắn, bệnh nhân thường có những biểu hiện đau nhức cơ thể, sưng tấy tại vết cắn và lan dọc theo hệ thần kinh và kèm theo cảm giác bồn chồn, lo lắng. Sau đó bệnh nhân bị co cứng, co thắt cơ thực quản và hô hấp, sợ gió, sợ nước, hạ huyết áp, giãn đồng tử, phản ứng cơ thể hung hãn, dữ tợn. Nếu là chó hoang không có nguồn gốc thì tốt nhất người bị cắn nên đến bác sĩ để được tư vấn và theo dõi”.
Bác sĩ Hương cho biết: “Mèo bị dại còn nguy hiểm, khó nhận biết hơn chó. Bệnh dại ở mèo thường ẩn ở thể im lặng. Cách đây hai năm, một bé trai 11 tuổi ở Tuyên Quang đã bị mèo nhà hàng xóm cào sau 3 tháng dẫn đến tử vong. Mèo khi bị dại thì không điên cuồng cắn xé như chó. Mèo trốn vào góc tối, sợ gió, sợ nước, sợ ánh sáng, chảy dãi, thích cào.
Ở chó thể điên cuồng nhiều hơn, thể im lặng ít hơn. Với những con chó, mèo nghi bị nhiễm virus dại thì nên báo cho chính quyền để tiến hành tiêu huỷ. Bắt đầu vào mùa hè, nắng lên, virus dại sẽ tăng lên và những động vật chó, mèo sẽ dễ phát bệnh”.
Chó becgie rất hung dữ nếu như bị kích thích. |
Luật sư Trần Thu Nam, Đoàn Luật sư Hà Nội cho biết: Với trường hợp cố tình thả rông chó cắn chết người cần xử lý thật nghiêm để làm án lệ răn đe người khác. Hành vi này sẽ bị xử lý chiếu theo điều 295 của Bộ Luật hình sự về việc vi phạm quy định an toàn lao động, vệ sinh lao động, về an toàn ở những nơi đông người. Người nào vi phạm về an toàn lao động ở nơi đông người thuộc trường hợp làm chết người hoặc gây thương tích 60% trở lên thì phải phạt tiền 20 triệu đến 100 triệu. Người nào vô ý làm chết người thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 1 đến 5 năm. Phạm tội làm chết 2 người trở lên thì bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm.
Dấu hiệu pháp lý được mô tả trong cấu thành tội phạm của tội này. Vô ý làm chết người là trường hợp người phạm tội tuy thấy hành vi của mình có thể gây ra hậu quả chết người, nhưng cho rằng hậu quả đấy sẽ không xảy ra hoặc có thể ngăn ngừa được hoặc người phạm tội không thấy hành vi của mình có thể gây ra hậu quả chết người, mặc dù phải thấy trước và có thể thấy trước hậu quả đó sẽ là hậu quả làm chết người.
Hành vi có thể được thực hiện dưới dạng hành động hoặc không hành động. Những hành vi hành động có thể kể đến như việc trêu chọc một người quá mức dẫn đến hậu quả chết người xảy ra, do cẩu thả trong việc thực hiện công việc khiến cho người khác tử vong ...
Theo Nghị định 90/2017 NĐ-CP ngày 31-7 xử phạt hành chính trong lĩnh vực thú y. Tại điều 7 của Nghị định này quy định đối với hành vi không tiêm phòng dại chó, mèo; để chó, mèo cắn người thì người nuôi sẽ bị phạt từ 1,2 - 1,6 triệu đồng, đây là mức phạt cho hai hành vi. Không đeo rọ mõm khi cho chó ra đường, phạt tiền từ 600.000 – 800.000 đồng. Không tiêm vaccine phòng bệnh dại cho động vật, mức phạt từ 600.000 – 800.000 đồng. Trong trường hợp thiệt hại về tính mạng, phải bồi thường chi phí hợp lý cho người bị thiệt hại, mai táng, tiền cấp dưỡng nếu người bị hại có nghĩa vụ cấp dưỡng. Nếu như chủ nuôi chó bị chính quyền địa phương nhắc nhở, người dân góp ý nhưng không khắc phục, gây ra hậu quả nghiêm trọng có thể bị truy tố về tội cố ý gây thương tích hoặc vô ý làm chết người. |
Nguồn tin: http://antg.cand.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn