Hiểu rõ vấn đề này để thấy, những quy định trong Luật ANM là căn cứ pháp lý quan trọng nhằm đáp ứng yêu cầu cần thiết về bảo vệ an ninh mạng trong tình hình hiện nay. An ninh mạng là một bộ phận của an ninh quốc gia, gắn với công tác quốc phòng, an ninh và trật tự an toàn xã hội.
Chiến lược về an ninh mạng đối với nước ta hiện nay là, nâng cao tiềm lực an ninh mạng, nhanh chóng khắc phục các sơ hở, tồn tại, yếu kém về nhận thức, tăng cường thế chủ động, hiệu quả trong công tác bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, giành thế chủ động trong quản lý vi phạm không gian mạng quốc gia, đạt được những lợi ích lâu dài cho đất nước như quản lý được dữ liệu mà đất nước tạo ra, bảo đảm an toàn cho các hệ thống trọng yếu, hình thành nền công nghiệp an ninh mạng chủ động, hạn chế sự phụ thuộc vào công nghệ nước ngoài, đủ sức phòng thủ, phát hiện, cảnh báo các nguy cơ đe dọa an ninh quốc gia, đáp trả các cuộc tấn công của các thế lực thù địch; đặt vấn đề an ninh mạng song hành với quá trình phát triển kinh tế - xã hội, không cản trở sự phát triển kinh tế nhưng cũng không được coi nhẹ vấn đề an ninh trong quá trình phát triển.
Những vấn đề đặt ra trong công tác bảo đảm an ninh mạng hiện nay chính là:
Xác lập và thực thi đầy đủ chủ quyền, lợi ích, an ninh quốc gia của Việt Nam trên không gian mạng. Việt Nam là một quốc gia có chủ quyền trên không gian mạng. Chủ quyền quốc gia trên không gian mạng phải được xác lập, thực thi đầy đủ trên cơ sở pháp luật quốc gia và quốc tế. Xác định rõ vai trò, tầm quan trọng đặc biệt của công tác bảo đảm an ninh mạng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Bảo vệ an ninh mạng quốc gia để góp phần phát triển đất nước phải đáp ứng, theo đuổi kịp thời sự phát triển của khoa học – công nghệ và của thời đại; là nhiệm vụ vừa cấp bách, vừa lâu dài của cả hệ thống chính trị và toàn dân, nòng cốt là lực lượng vũ trang, đặt dưới sự lãnh đạo trực tiếp, toàn diện của Đảng, sự quản lý của Nhà nước và sự tham gia tích cực của toàn dân.
Huy động sức mạnh tổng hợp của hệ thống chính trị và toàn xã hội, phát huy sức mạnh dân tộc và sức mạnh thời đại để xây dựng và bảo vệ không gian mạng quốc gia. Xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân, thế trận an ninh nhân dân, bảo vệ an ninh mạng quốc gia với nòng cốt là lực lượng vũ trang. Coi trọng công tác tuyên truyền, giáo dục, vận động người sử dụng Internet tuân thủ pháp luật, chuẩn mực đạo đức xã hội, văn hoá, đủ năng lực nhận biết, phân biệt đúng, sai, thật, giả, tích cực đấu tranh, phê phán các thông tin sai trái, bịa đặt, vu cáo, độc hại trên không gian mạng.
Cần tăng cường đầu tư và nâng cao hiệu quả đầu tư cho công tác bảo đảm an ninh mạng. Nhà nước ưu tiên bảo đảm kinh phí cho an ninh mạng quốc gia; huy động mọi nguồn lực của hệ thống chính trị, toàn xã hội và tranh thủ nguồn lực quốc tế cho bảo vệ an ninh mạng quốc gia. Phòng vệ chủ động, sẵn sàng đáp trả kịp thời các mối đe dọa, bảo vệ vững chắc chủ quyền, lợi ích, an ninh quốc gia trên không gian mạng. Xây dựng lực lượng an ninh mạng quốc gia chính quy, tinh nhuệ, hiện đạo, ngang tầm khu vực và quốc tế.
Hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật về an ninh mạng. Rà soát, sửa đổi, bổ sung, ban hành các văn bản quy phạm pháp luật, cơ chế và chính sách về an ninh mạng, phòng chống chiến tranh mạng phù hợp với xu thế phát triển, tạo môi trường không gian mạng lành mạnh, xác định rõ trách nhiệm của cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp trong bảo vệ an ninh mạng và có chế tài xử lý nghiêm các hành vi vi phạm. Quản lý chặt chẽ các dịch vụ trên không gian mạng quốc gia cung cấp xuyên biên giới vào Việt Nam.
Các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân nước ngoài cung cấp dịch vụ viễn thông, Internet trên lãnh thổ Việt Nam phải tôn trọng chủ quyền và tuân thủ pháp luật Việt Nam; đặt cơ quan đại diện và máy chủ dữ liệu người dùng hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam ở trong nước theo yêu cầu của nhà nước Việt Nam.
Tác giả: Ban KT-PL
Nguồn tin: http://cand.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn