Xác định công tác xây dựng phong trào "Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc" có ý nghĩa hết sức quan trọng trong công tác đảm bảo an ninh trật tự và phòng ngừa, đấu tranh với các loại tội phạm và vi phạm pháp luật, những năm qua, Công an huyện Bạch Thông, tỉnh Bắc Kạn luôn đẩy mạnh công tác phát động phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc với nhiều hình thức phong phú, đa dạng đồng thời luôn đi đầu trong việc triển khai xây dựng các mô hình tự quản về an ninh trật tự ở cơ sở, mô hình “Hộ an toàn – Thôn, bản, tổ dân phố bình yên”, mô hình “Quản lý, giám sát, giáo dục người chấp hành xong án phạt tù trở về địa phương tái hòa nhập cộng đồng” là hai mô hình trong số đó, hiện tại hai mô hình này đã được triển khai nhân rộng đến 14 xã, 108 thôn trên địa bàn huyện. Để duy trì hoạt động của mô hình, các thành viên trong mô hình đã thường xuyên tổ chức các buổi tuần tra, nắm tình hình an ninh trật tự trong thôn, bản, khu dân cư; phát hiện, ngăn chặn kịp thời các vụ việc liên quan đến an ninh trật tự, quản lý, giám sát, giáo dục người chấp hành xong án phạt tù trở về địa phương. Qua công tác tuần tra, quản lý, giám sát các thành viên mô hình còn tham gia hòa giải thành công hàng trăm vụ việc mâu thuẫn, xích mích tại các hộ gia đình; thu được nhiều nguồn tin có giá trị phục vụ cho công tác đấu tranh, phòng chống tội phạm; giúp đỡ hàng trăm người chấp hành xong án phạt tù trở về địa phương tái hòa nhập cộng đồng... Hai mô hình trên cũng được xác định là những mô hình hoạt động có hiệu quả phục vụ cho việc xét, đánh giá đạt tiêu chí an ninh trật tự trong xây dựng nông thôn mới.
Trao đổi với chúng tôi, đồng chí Trung tá Lý Trung Long, Trưởng Công an xã Vi Hương, huyện Bạch Thông, đơn vị đầu tiên xây dựng mô hình “Quản lý, giám sát, giáo dục người chấp hành xong án phạt tù trở về địa phương tái hòa nhập cộng đồng” cho biết: Từ khi triển khai mô hình đã đem lại hiệu quả tích cực đối với công tác tái hòa nhập cộng đồng nói riêng và công tác đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn nói chung, những người chấp hành xong án phạt tù đã có cơ hội được đề xuất ý kiến, được giải quyết những tâm tư, nguyện vọng chính đáng để có động lực phấn đấu vươn lên trở thành người có ích cho gia đình và xã hội. Từ khi mô hình hoạt động đến nay đã có 31 trường hợp là người chấp hành xong án phạt tù trên địa bàn xã được tư vấn, trợ giúp pháp lý, tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật. Mô hình hoạt động đã góp phần giữ vững ổn định tình hình an ninh trật tự trên địa bàn xã, số vụ việc vi phạm pháp luật giảm rõ rệt (năm 2023 không xảy ra phạm pháp hình sự, tỉ lệ tái phạm tội trong số đối tượng chấp hành xong án phạt tù là 0%), xã đạt tiêu chuẩn An toàn về an ninh trật tự, được xếp loại xuất sắc trong phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ, xã đạt tiêu chí an ninh trật tự trong xây dựng nông thôn mới.
Song song với triển khai mô hình “Hộ an toàn – Thôn, bản, tổ dân phố bình yên”, mô hình “Quản lý, giám sát, giáo dục người chấp hành xong án phạt tù trở về địa phương tái hòa nhập cộng đồng”, cấp ủy, chính quyền các xã trên địa bàn huyện Bạch Thông thường xuyên quan tâm phát động phong trào toàn dân bảo vệ an ninh tổ quốc và xây dựng, duy trì 07 loại mô hình tự quản về an ninh trật tự ở cơ sở như: Tổ tự quản về an ninh trật tự, Tổ hòa giải, Tổ thanh niên xung kích, Cổng trường an toàn giao thông... Các mô hình trên trở thành nòng cốt trong công tác giữ gìn an ninh trật tự ở cơ sở, thông qua đó, mỗi năm Nhân dân đã cung cấp cho lực lượng Công an hàng trăm nguồn tin có giá trị, các vụ việc liên quan đến ANTT và những mâu thuẫn trong nội bộ nhân dân cơ bản đã được phát hiện và giải quyết dứt điểm, không để phát sinh thành “điểm nóng”, đặc biệt góp phần nâng cao hiệu quả thực hiện tiêu chí an ninh trật tự tại địa phương.
Cùng với huyện Bạch Thông hiện nay các xã, huyện trên địa bàn tỉnh đều triển khai hiệu quả tiêu chí an ninh trật tự trong xây dựng nông thôn mới. Theo đó, để hoàn thành, giữ vững tiêu chí an ninh trật tự trong xây dựng nông thôn mới, hằng năm, lực lượng Công an xã đã tham mưu cho cấp ủy, chính quyền xã xây dựng Nghị quyết, Kế hoạch lãnh đạo nhiệm vụ công tác bảo vệ an ninh chính trị, bảo đảm trật tự an toàn xã hội, đồng thời triển khai các giải pháp thực hiện có hiệu quả công tác phòng ngừa, đấu tranh, phòng chống tội phạm, tệ nạn xã hội và đẩy mạnh phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, kể từ khi có lực lượng Công an chính quy về xã số lượng xã đạt tiêu chí an ninh trật tự trong xây dựng nông thôn mới tăng lên hằng năm (năm 2021: 58/96 xã, năm 2022: 60/96 xã, năm 2023: 66/95 xã).
Qua đánh giá hằng năm, lực lượng Công an cấp xã đã và đang phát huy tốt vai trò nòng cốt trong thực hiện nhiệm vụ bảo vệ ANQG, giữ gìn TTATXH, đấu tranh phòng chống tội phạm và vi phạm pháp luật ở cơ sở, nhờ đó tình hình tội phạm về trật tự xã hội, tệ nạn xã hội được kiềm chế, kéo giảm, chất lượng công tác tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương về lĩnh vực an ninh trật tự được nâng cao. Năm 2023 lực lượng Công an xã toàn tỉnh đã làm tốt công tác phòng ngừa, ngăn chặn và đấu tranh với các loại tội phạm ở địa bàn cơ sở được cấp ủy, chính quyền địa phương ghi nhận, đánh giá cao, đã tổ chức 4.845 buổi tuần tra đêm; tiếp nhận xử lý, giải quyết 322 vụ, việc liên quan đến an ninh trật tự, tổ chức gọi hỏi, kiểm danh, kiểm diện trên 3.493 lượt đối tượng, lập 111 hồ sơ đưa đối tượng đi cơ sở cai nghiện bắt buộc theo Nghị định 116/NĐ-CP, 62 hồ sơ áp dụng biện pháp xử lý hành chính giáo dục tại xã, phường, thị trấn theo Nghị định 120/NĐ-CP. Đồng thời lực lượng Công an xã là thành viên giữ vai trò nòng cốt trong hoạt động của 55 loại mô hình tổ chức quần chúng tham gia giữ gìn an ninh trật tự ở cơ sở, trong đó một số mô hình nổi bật như: 1.301mô hình Hộ an toàn, thôn, bản, tổ dân phố bình yên; 328 mô hình Quản lý, giám sát, giáo dục người chấp hành xong án phạt tù trở về địa phương tái hòa nhập cộng đồng; 01 cụm an ninh khu vực giáp ranh 6 tỉnh, 07 cụm an ninh liên hoàn liên tỉnh, 02 cụm an ninh liên hoàn liên huyện, 12 cụm an ninh liên hoàn liên xã…các mô hình kể trên hoạt động có hiệu quả góp phần hoàn thành tiêu chí an ninh trật tự trong xây dựng nông thôn mới.
Việc đẩy mạnh công tác chuyển hóa địa bàn trọng điểm phức tạp về an ninh trật tự và trật tự an toàn xã hội nhất là các địa bàn dự kiến về đích nông thôn mới, lực lượng Công an xã đã triển khai nhiều biện pháp, phương án để chuyển hóa địa bàn, tính đến 31/12/2023 toàn tỉnh đã chuyển hóa thành công 02 địa bàn trọng điểm phức tạp về an ninh trật tự; 06 địa bàn trọng điểm phức tạp về trật tự an toàn xã hội; tổ chức phát động phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc 916 buổi với 54.775 lượt người tham gia, thu được 527 tin có giá trị phục vụ công tác phòng ngừa, đấu tranh với các loại tội phạm góp phần nâng số lượng tiêu chí đạt trong xây dựng xã nông thôn mới.
Bên cạnh việc triển khai các mặt công tác Công an thực hiện có hiệu quả tiêu chí an ninh trật tự trong xây dựng nông thôn mới, lực lượng Công an cấp xã đã thực hiện hiệu quả “4 cùng” với Nhân dân trong các hoạt động của phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”; tham gia, tổ chức nhiều hoạt động tình nguyện, thăm hỏi, tặng quà cho các hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn, gia đình chính sách, học sinh nghèo vượt khó kết hợp hoạt động giao lưu văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân, xây dựng hình ảnh đẹp của người chiến sĩ Công an trong lòng nhân dân.
Để tiếp tục thực hiện có hiệu quả và giữ vững tiêu chí an ninh trật tự trong xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025, Công an tỉnh đã tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh ra Quyết định số 2158/QĐ-UBND ngày 08/11/2022 về việc ban hành Kế hoạch thực hiện Chương trình nâng cao chất lượng, hiệu quả thực hiện tiêu chí an ninh trật tự trong xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn giai đoạn 2021-2025, đây được coi là tiền đề quan trọng để tỉnh Bắc Kạn tiếp tục thực hiện tốt tiêu chí an ninh, trật tự ở địa bàn cơ sở, góp phần phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương./.