Hướng tới kỷ niệm 40 năm thắng lợi của Kế hoạch phản gián CM12 (09/1984 – 09/2024) – Thắng lợi của trí tuệ, bản lĩnh, lòng dũng cảm và sự sáng tạo của lực lượng Công an nhân dân Việt Nam

Thứ ba - 11/06/2024 22:35
Kế hoạch phản gián CM12 là chiến công lừng lẫy của lực lượng Công an nhân dân nói chung và lực lượng An ninh nhân dân nói riêng, trong đó có vai trò quan trọng của lực lượng Phản gián trong cuộc đấu mưu, đấu trí với bọn gián điệp biệt kích, tổ chức phản động lưu vong của Mai Văn Hạnh và Lê Quốc Túy, góp phần giữ vững an ninh chính trị, làm thất bại âm mưu phá hoại của các thế lực thù địch đối với Việt Nam, có ý nghĩa to lớn mang tầm chiến lược không chỉ về mặt nghiệp vụ mà còn có giá trị lịch sử rất quan trọng trong sự nghiệp bảo vệ An ninh quốc gia.
2 đối tượng Lê quốc Tuý, Mai Văn Hạnh
2 đối tượng Lê quốc Tuý, Mai Văn Hạnh
Kế hoạch phản gián CM12 do đồng chí Phạm Hùng – Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ), Bộ trưởng Bộ Nội vụ (nay là Bộ Công an) đặt tên và chỉ đạo. Đối tượng đấu tranh trong Kế hoạch là bọn gián điệp, biệt kích, các tổ chức phản động lưu vong, nhất là tổ chức phản động “Mặt trận thống nhất các lực lượng yêu nước giải phóng Việt Nam” do Mai Văn Hạnh và Lê Quốc Túy cầm đầu. Kế hoạch phản gián CM12 được thực hiện trong 3 năm (từ tháng 9/1981 – 9/1984), trung tâm chỉ huy của Kế hoạch được đặt tại Hòn Đá Bạc, thuộc địa bàn xã Khánh Bình Tây, huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau.

Năm 1979, tổ chức phản động của Hạnh, Túy được chính quyền cực hữu của một quốc gia trong khu vực cho mượn đất và tạo điều kiện hoạt động. Chúng thành lập trụ sở gọi là “Tổng hành dinh”, có sự liên kết chặt chẽ với bọn phản động quốc tế và các căn cứ, các lực lượng phản động trong nước, lập hai mật cứ có tên “Tự Thắng” và “Quyết Tiến”, huấn luyện, thao diễn và làm doanh trại nhằm phối hợp “trong”, “ngoài”, cài cắm “chân rết” mục tiêu là chống phá Việt Nam tại khắp các tỉnh phía Nam, vươn ra các nước trong khu vực và trải dọc biển Đông đến vùng đảo cực Bắc tổ quốc.

Cuối năm 1980, Hạnh, Túy tung toán gián điệp biệt kịch đầu tiên gồm 23 tên xâm nhập vào nước ta bằng đường bộ, qua Campuchia vào tỉnh An Giang. Tuy nhiên, toán biệt kích mang mật danh “Minh Vương 1” này bị ta phát hiện, truy lùng, bắt gần hết (trong đó 01 tên bị tiêu diệt) và thu giữ điện đài, vũ khí cùng nhiều phương tiện hoạt động khác. Qua phân tích, nhận định tình hình, ta xác định có rất nhiều khả năng bọn phản động này thay đổi hướng xâm nhập. Chúng sẽ đi bằng đường biển vào các tỉnh phía Nam Tổ quốc. Đúng như dự đoán, chiều ngày 15/5/1981, trinh sát phát hiện làn sóng lạ ở bờ biển tỉnh Minh Hải (nay là tỉnh Cà Mau và Bạc Liêu). Lực lượng vũ trang tỉnh Minh Hải được huy động cùng với lực lượng An ninh, phối hợp với lực lượng Quân đội tổ chức truy lùng biệt kích. Nhờ sự cảnh giác phát hiện dấu vết, sự giúp đỡ tích cực của Nhân dân, lực lượng làm nhiệm vụ đã nhanh chóng bắt gọn toán xâm nhập gồm 08 tên, diệt 01 tên, thu toàn bộ vũ khí, phương tiện hoạt động khi chúng chưa kịp liên lạc về trung tâm.

Hạnh, Túy không hề biết các toán biệt kích “mở đường” từ đầu năm 1981, kể cả toán “Minh Vương 1” đều đã bị ta bắt gọn, khống chế, thuyết phục một số đối tượng quan trọng để dùng vào “trò chơi nghiệp vụ” phát về “trung tâm” (đặt ở nước ngoài) những bức điện “tươi sáng” nên chúng hí hửng lập kế hoạch “Minh Vương 2”. Lần này, chúng không di chuyển bằng đường bộ mà thâm nhập bằng đường biển. Toán này có nhiệm vụ luồn sâu vào rừng U Minh Thượng lập mật cứ kháng chiến để tiếp nhận vũ khí, thuốc men, lương thực, tiền bạc từ các chuyến tàu biển chuyển đến sau đó. Chúng có nhiệm vụ nghiên cứu, lập ra những biệt đội ám sát, dùng chất nổ phá hoại những mục tiêu quan trọng ở các tỉnh, đặc biệt là Thành phố Hồ Chí Minh để gây tiếng vang rồi từng bước đưa ra cái gọi là “Mặt trận thống nhất các lực lượng yêu nước giải phóng Việt Nam” ra công khai, nhằm lật đổ chính quyền cách mạng. Song song đó, chúng lập các chiến dịch “Hồng Kông 1”, “Hồng Kông 2”… với hàng ngàn quân xâm nhập vào Việt Nam đánh phá.

Từ ngày 09/9/1981 đến ngày 09/9/1984, địch xâm nhập 17 chuyến bằng tàu biển vào huyện Trần Văn Thời. Mỗi chuyến xâm nhập đều mang theo hàng chục tấn vũ khí, thuốc nổ cực mạnh, gián điệp biệt kích và đều thực hiện đúng ý đồ, đúng địa điểm do ta chuẩn bị trước.

Đêm 09/9/1984, với chuyến xâm nhập thứ 17 do Mai Văn Hạnh cầm đầu cùng 05 tên gián điệp biệt kích, chuyên chở 10 tấn vũ khí từ nước ngoài về điểm tập kết tại Hòn Đá Bạc, Ban Chuyên án CM12 quyết định kết thúc Kế hoạch Chuyên án CM12. Lực lượng ANND Việt Nam đã kết thúc với chiến thắng trọn vẹn, đập tan mưu đồ phá hoại của bọn phản động người Việt lưu vong với danh xưng “Mặt trận thống nhất các lực lượng yêu nước giải phóng Việt Nam”.
 
Khu lưu niệm Hòn đá bạc
Khu Di tích lịch sử quốc gia Hòn Đá Bạc
 
Sau 3 năm thực hiện, kế hoạch phản gián CM12 của lực lượng CAND Việt Nam đã thành công rực rỡ. Lực lượng Công an đã bắt được 189 tên phản động lưu vong, thu giữ 143 tấn vũ khí, 90 tấn đạn dược, 1,2 tấn chất nổ, 14 tấn tiền giả; bắt và tiêu diệt hàng trăm tên gián điệp, biệt kích, thu hàng trăm tấn vĩ khí, nhiều phương tiện chiến tranh. Phá tan hàng chục tổ chức phản động trong nước, bắt hàng ngàn tên phản động đang ẩn nấp trong nội địa với nhiều vỏ bọc khác nhau…  Ghi nhận, đánh giá cao chiến công đặc biệt xuất sắc của các lực lượng tham gia thực hiện thắng lợi Kế hoạch CM12, Đảng, Nhà nước đã phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND cho 02 tập thể và 03 cá nhân thuộc CAND và nhiều phần thưởng cao quý khác. Để ghi lại dấu ấn lịch sử Hòn Đá Bạc – địa danh đã thực hiện thắng lợi Kế hoạch CM12, góp phần tăng cường giáo dục truyền thống, chính trị tư tưởng cho các thế hệ cán bộ, chiến sĩ CAND, Bộ Công an đã phối hợp với chính quyền địa phương đầu tư xây dựng khu Di tích lịch sử quốc gia Hòn Đá Bạc và Tượng đài bảo vệ An ninh Tổ quốc.

Nhìn lại 40 năm thắng lợi của Kế hoạch phản gián CM12, đây là thắng lợi của trí tuệ, bản lĩnh chính trị, lòng dũng cảm, sự sáng tạo, sự chủ động trong bố trí thế trận đảm bảo an ninh của lực lượng Công an Việt Nam. Qua Kế hoạch phản gián CM12, lực lượng Công an đã đúc rút được nhiều bài học lớn, có ý nghĩa quan trọng để hoàn thiện hệ thống lý luận nghiệp vụ Công an và vận dụng vào công tác đảm bảo An ninh quốc gia, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội./.

(Bài viết tham khảo từ nội dung cuốn sách "Kế hoạch phản gián CM-12" của tác giả Nguyễn Phước Tân, Nguyễn Khắc Đức, do Nhà xuất bản CAND xuất bản ngày 17/4/2018). 

Tác giả: Gia Minh- Phòng An ninh đối ngoại

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây