Giả mạo Bộ Công Thương để lừa người dùng về dự án nhận quà online Vân Anh

Thứ năm - 02/11/2023 21:30

Văn bản về “Quyết định phê duyệt dự án tham gia nhận quà online” lan truyền trên mạng đã được xác định là giả mạo Bộ Công Thương. Người dân cần cảnh giác để tránh bị lừa đảo.

Trong thông tin mới phát ra, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số thuộc Bộ Công Thương cho biết, cơ quan nhà đã nhận được phản ánh về việc một số đối tượng trên mạng xã hội đăng tải văn bản giả mạo quyết định của Bộ Công Thương để “phê duyệt dự án tham gia nhận quà online”.

“Bộ Công Thương khẳng định văn bản nêu trên là hoàn toàn giả mạo. Bộ Công Thương và Sàn giao dịch thương mại điện tử Tiki hoàn toàn không có chương trình hợp tác nào như vậy. Sàn giao dịch thương mại điện tử Tiki cũng đã khẳng định hành vi giả mạo tương tự nên trên và đã nhiều lần cảnh báo trên website của Tiki”, cảnh báo của Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) nêu rõ.

lua tuyen cong tac vien 1.jpg
Văn bản giả mạo Bộ Công Thương (Ảnh chụp văn bản giả mạo do Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số cung cấp)

Cùng với việc thông báo rộng rãi để người dân, doanh nghiệp biết và tránh bị lừa đảo, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số cũng đề nghị trường hợp phát thiện đối tượng giả mạo Bộ Công Thương, người dân và doanh nghiệp gửi phản ánh cho Cục, trực tiếp là phòng Quản lý hoạt động thương mại điện tử theo số điện thoại 024-22205512 và thư điện tử qltmdt@moit.gov.vn.

Từ nội dung văn bản giả mạo, có thể dự đoán việc các đối tượng xấu sử dụng văn bản này để củng cố niềm tin hòng dụ dỗ người dân tham gia các chương trình mạo danh sàn thương mại điện tử để tuyển cộng tác viên online.

“Lừa đảo tuyển cộng tác viên online” là 1 trong 24 hình thức lừa đảo phổ biến trên không gian mạng Việt Nam, đã được Cục An toàn thông tin (Bộ TT&TT) khuyến nghị đến đông đảo người dân, qua chiến dịch “Tháng hành động tuyên truyền về nhận diện và phòng chống lừa đảo trực tuyến” diễn ra hồi các tháng 6, 7/2023.

Theo Cục An toàn thông tin, sử dụng hình thức lừa đảo tuyển cộng tác viên online, các đối tượng giả mạo các trang sàn thương mại điện tử như Tiki, Shopee, Lazada và các thương hiệu lớn để chiếm đoạt tài sản của các nạn nhân. Khoản tiền các đối tượng lừa chiếm đoạt được từ hình thức này thường từ vài triệu đến vài trăm triệu đồng.

Một trong những dấu hiệu để nhận biết hình thức lừa đảo này là đối tượng yêu cầu người dùng tạm ứng tiền. Do đó, nếu được yêu cầu nộp một khoản tiền tạm ứng trước khi bắt đầu công việc, người dân cần cảnh giác. Đối tượng lừa đảo thường sử dụng chiêu này để chiếm đoạt số tiền của nạn nhân mà không cung cấp công việc thực tế.

Đối tượng lừa đảo cũng có thể yêu cầu người dân cung cấp thông tin tài khoản cá nhân, bao gồm số thẻ tín dụng hoặc thông tin ngân hàng, với lý do để thực hiện thanh toán hoặc tạo tài khoản. “Hãy luôn cảnh giác và không chia sẻ thông tin nhạy cảm của bạn với bất kỳ ai mà bạn không tin tưởng hoặc không biết rõ”, Cục An toàn thông tin khuyến nghị.

Ngoài ra, còn có một số dấu hiệu khác giúp người dùng nhận biết với hình thức lừa đảo tuyển cộng tác viên online như: trang thanh toán đơn hàng không an toàn, quảng cáo công việc quá hấp dẫn và dễ dàng, thiếu thông tin công ty hoặc không có thông tin liên hệ, thiếu hợp đồng hoặc thỏa thuận rõ ràng...

Lừa đảo trực tuyến đang diễn ra phức tạp, với nhiều chiêu thức, thủ đoạn. Chỉ tính riêng trong nửa đầu năm nay, lừa đảo trực tuyến tại Việt Nam đã tăng 64,78% so với cùng kỳ năm ngoái; tăng 37,82 % so với 6 tháng cuối năm 2022. Ngoài hình thức lừa đảo tuyển cộng tác viên online, để tự trang bị kiến thức, phòng chống lừa đảo trực tuyến, người dân có thể tìm hiểu “Cẩm nang nhận diện và phòng chống lừa đảo trực tuyến” đã được Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia, Cục An toàn thông tin đăng tải công khai trên Cổng không gian mạng quốc gia tại địa chỉ khonggianmang.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây