Thật là thảm họa cho quản trị viên IT và chủ doanh nghiệp nếu trang web của họ bị hacker tấn công. Một sự vụ như thế có thể khiến doanh nghiệp của bạn bị tàn phá nặng nề hoặc thậm chí bị sụp đổ. Vậy cái giá phải trả cho một trang web bị tấn công là bao nhiêu? Nó ảnh hưởng như thế nào tới việc kinh doanh của bạn? Hãy cùng Quản Trị Mạng đi tìm câu trả lời.
Bên cạnh chi phí khắc phục, sửa chữa trang web, còn rất nhiều chi phí không tên khác mà bạn phải chi ra nếu như bị hack. Dưới đây là những hậu quả phổ biến nhất:
Sau khi bị hack, bạn sẽ phải chi tiền cho nhóm phát triển bên ngoài hoặc bên trong để khôi phục lại trang web. Chi phí khắc phục này đôi khi còn lớn hơn nhiều so với chi phí bảo mật trang web. Các công ty thường sẽ phải giảm ngân sách cho việc cải thiện bảo mật và chi tiêu cho việc sửa chữa. Chi phí phục hồi là tổn thất đầu tiên mà mọi công ty phải đối mặt nếu bị hacker tấn công.
Với một công ty thương mại điện tử, phần lớn doanh thu tới từ các trang web của họ. Càng nhiều người truy cập trang web, tỷ lệ chuyển đổi mà một công ty nhận được ngày càng cao. Và tỷ lệ chuyển đổi cao tương ứng với một nền tảng có giá trị. Khi trang web của bạn không thể hoạt động trong thời gian dài, bạn có thể mất lượng lớn doanh thu dự kiến. Quy mô của khoản thiệt hại này phụ thuộc vào khoảng thời gian chết.
Trang web của bạn có thể chứa những thông tin quan trọng, bao gồm thông tin khách hàng, bí mật kinh doanh... Nếu hacker tấn công trang web của bạn, chúng sẽ truy cập, làm rò rỉ hoặc thậm chí xóa bỏ những dữ liệu ấy. Việc bị rò rỉ, mất dữ liệu có thể khiến doanh nghiệp của bạn phải đóng cửa.
Tất nhiên, bạn là người phải chi trả cho những thiệt hại này. Bạn có thể trở thành nạn nhân của một vụ tống tiền chuộc dữ liệu... Để dễ dàng khôi phục lại dữ liệu bạn nên lưu trữ nó ở một nơi khác. Đừng chỉ chọn một nhà cung cấp dịch vụ lưu trữ hoặc dịch vụ khôi phục dữ liệu, ít nhất nên chọn hai.
Google luôn cố gắng biến internet thành một nơi an toàn cho tất cả mọi người. Hệ thống bot của Google luôn cố gắng phát hiện ra các mã độc trên mọi trang web. Nếu chúng tìm thấy mã độc, chúng sẽ gắn nhãn trang web của bạn là "Trang web này có thể đã bị hack" hoặc "Trang web này có thể gây hại cho máy tính của bạn". Bị lọt vào danh sách đen của Google là thảm họa với mọi trang web. Còn gì tệ hại hơn việc khách hàng và đối tác nhìn thấy nhãn "Trang web này có thể gây hại cho máy tính của bạn" ngay bên dưới thương hiệu của bạn.
Câu chuyện chưa kết thúc ở đó đâu. Google sẽ không xóa các nhãn cảnh báo ngay lập tức sau khi bạn khắc phục vấn đề. Thường thì khoảng sau một hoặc hai tuần các nhãn này mới được gỡ bỏ. Trong thời gian ấy, có thể nhiều người dùng sẽ tránh xa trang web của bạn vì họ thấy nhãn cảnh báo. Ngoài ra, bạn có thể mất rất nhiều tiền do lưu lượng truy cập bị giảm sút.
Trang web bị hack có thể khiến danh tiếng của công ty bạn bị sụp đổ. Khi đó, ngay cả những khách hàng trung thành nhất của bạn cũng sẽ không còn tin tưởng vào bạn nữa.
Bạn đang chuẩn bị cho một chiến dịch marketing lớn nhưng lại bị hack và bị Google đưa vào danh sách đen? Điều này hoàn toàn có thể xảy ra và chắc chắn sẽ ảnh hưởng tới công việc kinh doanh của bạn. Bạn sẽ phải hoãn chiến dịch marketing lại hoặc thậm chí hủy bỏ nó.
Một chiến dịch marketing bị hoãn sẽ gây thiệt hại lớn về tài chính cũng như các mối quan hệ đối tác.
Để giảm bớt các mối đe dọa, bạn cần nâng cao khả năng bảo mật trang web của mình. Bạn cần phát hiện sớm và sửa chữa các lỗ hổng càng sớm càng tốt. Hiện tại, ngày càng có nhiều mã độc được sử dụng để khai thác các lỗ hổng của trang web.
Bạn hãy luôn nhớ rằng con người luôn là mắt xích yếu nhất trong các khâu bảo mật. Chính vì thế, hãy luôn đảm bảo rằng các nhân viên IT của bạn tuân thủ đúng quy trình bảo mật. Chắc chắn là số tiền mà bạn chi cho các quy trình bảo mật sẽ luôn nhỏ hơn so với chi phí mà bạn phải trả để khắc phục thiệt hại.
Một trang web bị hack sẽ gây ra hậu quả cực kỳ nghiêm trọng về cả tài chính và danh tiếng. Đôi khi mức giá phải trả cho một vụ hack lớn tới mức bạn không thể tưởng tượng được.
Theo thống kê, cứ mỗi phút trôi qua trên thế giới lại có một trang web bị tấn công. Việt Nam đứng thứ 19 trong số các quốc gia có nhiều trang web bị tấn công nhất. Phòng bệnh hơn chữa bệnh nên các công ty hãy đầu tư vào bảo mật càng sớm càng tốt.
Nguồn tin: quantrimang.com
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn