1. Thúc đẩy tăng trưởng bền vững, sáng tạo và bao trùm
Tăng trưởng bền vững, sáng tạo và bao trùm là một trong những ưu tiên hợp tác APEC hàng đầu trong bối cảnh kinh tế thế giới phục hồi chưa vững chắc và bất bình đẳng gia tăng. Tính "bền vững" và "bao trùm" của phát triển được nhấn mạnh nhằm góp phần thực hiện Chiến lược APEC về tăng trưởng chất lượng giai đoạn đến năm 2020 và các Mục tiêu Phát triển bền vững của Liên hợp quốc. Cải cách cơ cấu và đổi mới sáng tạo cũng đóng vai trò rất quan trọng nhằm tạo năng động mới cho tăng trưởng, thông qua việc cải thiện năng suất lao động, phát triển nguồn nhân lực và bảo đảm phân bổ nguồn lực hiệu quả. Đây là mô hình tăng trưởng lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm.
2. Đẩy mạnh liên kết kinh tế khu vực sâu rộng
Trong những năm vừa qua, đẩy mạnh liên kết kinh tế khu vực sâu rộng và tăng cường kết nối được đề cao trong chương trình nghị sự APEC nhằm đáp ứng nhu cầu gia tăng liên kết kinh tế sâu rộng hơn và phát triển của các nền kinh tế châu Á – Thái Bình Dương. Trong năm 2017, các nền kinh tế APEC sẽ tiếp tục đẩy mạnh hoàn tất các Mục tiêu Bô-go về tự do hóa thương mại và đầu tư vào năm 2020, đồng thời tăng cường kết nối trên 3 phương diện: cơ sở hạ tầng, thể chế và con người. Những nỗ lực mới là cần thiết để APEC duy trì vai trò động lực thúc đẩy hội nhập kinh tế khu vực sâu rộng.
3. Nâng cao năng lực cạnh tranh, sáng tạo của doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa (MSMEs) trong kỷ nguyên số
Doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa (MSMEs) là một động lực đối với tăng trưởng và tạo việc làm tại các nền kinh tế APEC. Sự phát triển và tham gia sâu vào các chuỗi giá trị của các doanh nghiệp này tạo ra những xung lực mới cho sự phát triển của các nền kinh tế APEC. Việc “nâng cao năng lực cạnh tranh và sáng tạo” của các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa càng trở nên quan trọng hơn trong kỷ nguyên số, với những cơ hội và thách thức mới. Việc nâng cao sức cạnh tranh, sáng tạo đồng thời thể hiện sự tiếp nối và thúc đẩy triển khai tiếp những chương trình hoạt động củaAPEC trong lĩnh vực liên quan đến doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa.
4. Tăng cường an ninh lương thực và nông nghiệp bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu
An ninh lương thực luôn được đề cao trong hợp tác APEC, do châu Á – Thái Bình Dương cung ứng khoảng 55% tổng sản lượng nông sản thế giới. An ninh lương thực cũng là mục tiêu thứ hai trong các Mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc đến năm 2030. Trong những năm gần đây, APEC đã chú trượng nhiều hơn đến việc giải quyết các tác động tiêu cực của biến đối khi hậu đối với các nỗ lực bảo đảm an ninh lương thực và nông nghiệp bền vững. An ninh lương thực gắn với “nông nghiệp bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu” giúp các nền kinh tế APEC ứng phó hiệu quả hơn các tác động ngày càng gay gắt của biến đổi khí hậu.
Tác giả: www.apec2017.vn
Nguồn tin: www.apec2017.vn/ap17-c/vi/page/các-ưu-tiên
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn