Liên quan đến những thông tin về việc bảo vật quốc gia bức tranh “Vườn xuân Trung Nam Bắc” của danh họa Nguyễn Gia Trí bị hư hỏng, Bộ trưởng Bộ VHTT&DL Nguyễn Ngọc Thiện đã chỉ đạo Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm phối hợp với Cục Di sản văn hóa và Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam khẩn trương kiểm tra tình hình thực tế tại địa phương và làm việc với Sở Văn hóa và Thể thao TP. Hồ Chí Minh cùng các cơ quan, đơn vị liên quan về việc bảo quản bảo vật quốc gia này. Thời hạn báo cáo Bộ trưởng trước ngày 3/5.
“Vườn xuân Trung Nam Bắc” là tác phẩm tinh túy nhất của danh họa Nguyễn Gia Trí. Tác phẩm được hoàn thành trong suốt 20 năm, khởi đầu từ năm 1969 và hoàn thành năm 1989. Mọi thành tựu trong quá trình nghiên cứu, tìm tòi, tích lũy về sơn mài đều được danh hoạ tài ba gửi gắm vào đây.
Được lưu giữ tại Bảo tàng Mỹ Thuật TP HCM, tranh “Vườn xuân Trung Nam Bắc” của danh họa Nguyễn Gia Trí là một trong số những bức tranh tiêu biểu của nền mỹ thuật hiện đại Việt Nam được công nhận là Bảo vật quốc gia. Tranh được vẽ bằng chất liệu sơn mài, khổ 540cm x 200cm, là hiện vât gốc, độc bản.
Thể hiện một đề tài quen thuộc là vẻ đẹp của người phụ nữ Việt, nhưng tranh “Vườn xuân Trung Nam Bắc” được làm mới với sự hiện diện của phụ nữ cả 3 miền. Bức tranh mô tả các thiếu nữ trong trang phục truyền thống từng vùng tươi vui, ca hát thể hiện sức sống tươi mới giữa mùa xuân trong một khung cảnh thiên nhiên rộng lớn.
Tương tự những tác phẩm sơn mài cùng thời, “Vườn xuân Trung Nam Bắc” không có nhiều màu sắc mà chủ yếu là đỏ, đen, vàng, trắng. Vậy nhưng sức hấp dẫn đến ma mị của tác phẩm đủ mạnh để làm lay động những ai đứng trước nó. Ngắm nhìn tác phẩm, người xem cảm thấy như mình được trở về miền ký ức với cảnh sắc thiên nhiên đầy sức sống, với vẻ đẹp thiếu nữ dịu dàng…tất cả không thể hoàn mỹ hơn.
Được biết, UBND TP.HCM quyết định trích ngân sách 100.000 USD mua kiệt tác này cách đây 2 thập kỷ. Quyết định này đã gây ra cuộc tranh luận kéo dài trong nhiều năm.
Ngay cả khi bức tranh đã được mua và giao cho Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM, cuộc tranh luận vẫn chưa chấm dứt. Cho đến khi một nhà sưu tập người Bỉ trả giá 1 triệu USD để mua lại kiệt tác này, nhiều người mới hiểu được quyết định đúng đắn của UBND TP.HCM khi đó và cuộc tranh luận cũng chính thức khép lại.
Sau thời gian bảo quản, Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM đã quyết định làm vệ sinh bề mặt cho tác phẩm. Tuy nhiên, theo thông tin phản ánh của du khách và giới mỹ thuật, sau cuộc “làm sạch”, bức tranh đã không còn giữ được nguyên trạng, biến sắc và nhợt nhạt.
Hà Tùng Long
Nguồn tin: http://dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn