Chàng Xuân “tóc đỏ” năm nào từng gây ấn tượng mạnh với khán giả với lối diễn xuất xuất sắc giờ tóc đã ngả màu muối tiêu, trở thành một đạo diễn thành công. Riêng nét mặt hài hước, cách nói chuyện hóm hỉnh, trí tuệ... vẫn không thay đổi.
Xuất hiện trong chương trình “Quán thanh xuân” tháng 7 với chủ đề rạp chiếu bóng của thanh xuân, NSƯT - đạo diễn Quốc Trọng đã có những chia sẻ thú vị xoay quanh bộ phim Số đỏ cũng như vai diễn đóng đinh với tên tuổi của mình, Xuân “tóc đỏ”.
Gần 30 năm trôi qua, kể từ khi anh đóng phim Số đỏ, giờ ra đường mọi người vẫn nhận ra Xuân “tóc đỏ” Quốc Trọng. “Tôi cũng rất lạ là mấy chục năm rồi mà mọi người vẫn phát hiện ra. Ngày xưa, khi đóng phim Số đỏ tôi gầy lắm, có 47 kg. Thảm họa lớn nhất của tôi là tôi phải bế chị Thanh Trầm (người thủ vai bà Phó Đoan) khoảng 60 kg.
Với vai Xuân “tóc đỏ”, khán giả vẫn ấn tượng ở những câu nói khi anh ta bước chân vào giới thượng lưu, vênh váo giới thiệu: “Me sừ Xuân, nguyên sinh viên trường thuốc, giáo sư quần vợt, giám đốc hiệu Âu hóa, phụ nữ tân thời”.
Xuất thân của Xuân “tóc đỏ” là từ thằng bán thuốc. Sau tôi đọc bài thuốc ấy, người trong ngành Y cho biết, nếu không biết thì tưởng đây là giáo sư thật. “Dù già cả, dù ấu nhi, thân sương hàn nắng gió bất kỳ biết đâu/ Sinh ra cảm sốt nhức đầu/ Da khô, mình nóng âu sầu ủ ê/ Đêm ngày nói sảng nói mê/ Chân tay mỏi mệt khó bề yên vui/ Vậy xin mách bảo đôi lời/ Nhức đầu giải cảm liệu đời dùng ngay”, bài bán thuốc của Xuân “tóc đỏ” đấy”, Quốc Trọng kể lại.
Nhớ lại không khí phim Số đỏ ra rạp ở Hà Nội xưa, đạo diễn Quốc Trọng nói: “Tôi được hưởng không khí chen chúc, lẻn vào rạp ở Hà Nội nhiều. Ngày đó, mỗi lần có phim mới ra là háo hức lắm. Chúng tôi dành dụm từ tiền ăn sáng để mua vé xem phim. Hoặc nếu không có thì trẻ con chúng tôi cứ đến, đợi khi khách ùa vào đông nhất thì luồn chui ở dưới chân. Có lần chạy vào nhà vệ sinh để trốn, sau đó chúng tôi len lén ra ngồi ở lối đi ở rạp. Khi thấy người soát vé đến, chúng tôi lại luồn qua các hàng ghế để... chuồn.
Sau này, khi tôi đóng phim, thời điểm ấy không còn không khí chen chúc như ngày tôi còn nhỏ. Mặc dù thời kỳ này phim ảnh đã phát triển nhưng mà ấn tượng nhất là phim Số đỏ. Bộ phim được ví như “quả bom” phim. Hầu hết các rạp ở Hà Nội, người xếp hàng mua vé chật kín các cung giờ. Suất chiếu cuối cùng lúc 1h30 sáng vẫn đông đúc người xếp hàng nghiêm chỉnh chờ vào xem. Rạp nào cũng thuê công an bảo vệ không thì... vỡ rạp. Phim “Số đỏ” ra mắt hot kinh khủng. Điều đó khiến tôi rất vui”.
Khi MC Diễm Quỳnh hỏi rằng: “Số đỏ ngày đó gây sốt vì có nhiều cảnh nóng, nhiều cảnh từ trước đến thời điểm đó chưa có ở phim Việt?”, đạo diễn Quốc Trọng thừa nhận: “Đúng rồi! Tôi không thống kê các bộ phim trước đó nhưng với Số đỏ có lẽ là bộ phim... thiếu phục trang nhất!”. Anh cũng hóm hỉnh tiết lộ thêm, khi đóng “cảnh nóng”, anh chỉ thấy ê ẩm cả người vì “quá sức”.
Trước đó, Quốc Trọng cũng chia sẻ: “Lúc vào vai Xuân “tóc đỏ”, tôi bé tí bé teo, thế mà suốt ngày phải bế hết cô này, đến bà nọ nên xương khớp cứ rã cả ra. Bà "Phó Đoan" và “cô Tuyết” ngây thơ lúc đó đều xấp xỉ 60 - 65 kg. Nhân vật đóng bà Phó Đoan là diễn viên gạo cội nên rất biết cách để mình bế được dễ nhất. Có những cảnh hai chị em diễn đi diễn lại hàng chục lần mới xong. Chị ấy sợ dù là cảnh “nude giả” nhưng sẽ ảnh hưởng đến gia đình, con cái...
Còn “cô Tuyết” ngây thơ thì diễn bế là cứ thế đứng như trời trồng mặc cho mình làm gì thì làm. Cái thân 47kg mà vác xong 65kg thì cứ phải nói là nhừ. Xong “đúp” phim nào với Tuyết là tôi thở không ra hơi”.
Tuy nhiên, vào đúng thời điểm "Số đỏ" tạo nên cơn sốt, một vị lãnh đạo ở ngành điện ảnh đã bất ngờ ra lệnh cấm chiếu bộ phim vì cho rằng có nhiều cảnh hở hang, phản cảm.
Theo Quốc Trọng, khi biết việc này, Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh đã yêu cầu được xem bộ phim Số đỏ. Xem xong, Tổng Bí thư không những khen phim tốt mà còn tặng đạo diễn Hà Văn Trọng một cây thuốc lá Bông Sen và một gói bánh. Sau đó bộ phim đã thoát khỏi lệnh cấm...
Số đỏ là một bộ phim của nền điện ảnh Việt Nam, được chuyển thể từ nguyên tác Số đỏ - một tiểu thuyết trào phúng rất nổi tiếng đặc trưng cho phong cách hiện thực phê phán những năm 1930-1945 của nhà văn Vũ Trọng Phụng.
Không chỉ mạnh tay phê phán các thói hư tật xấu của xã hội lúc bấy giờ, ngay cả vấn đề được né tránh nhiều là các pha “giường chiếu” cũng được Vũ Trọng Phụng miêu tả khá bạo tay trong cuốn tiểu thuyết.
Nguyễn Hằng
Nguồn tin: http://dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn