Nhiều người đến liên hệ công việc tại Trung tâm Văn hóa - Truyền thông huyện Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh) không khỏi ngỡ ngàng, xót xa khi tận mắt chứng kiến chiếc chuông đồng phủ kín bụi được đặt trong góc của căn phòng.
Bằng mắt thường cũng thấy điều kiện bảo quản không đảm bảo, ẩm thấp, bụi bặm, chiếc chuông theo thời gian đã bị ô xi hóa, hiện vật bị ảnh hưởng nặng nề, trong đó đường nét một số chữ khắc bài thơ bằng chữ Hán trên thân chuông đã không còn rõ.
Qua đo đếm, quan sát, chuông có chiều cao gần 120cm, đường kính hơn 60cm, nặng hơn 200kg. Quai chuông được cấu tạo hình con rồng khom lưng, bốn chân có móng vuốt bám chặt vào đỉnh chuông. Trên thân chuông có 6 núm đúc, phân bố thành 3 cặp đối xứng (chiều song song với hướng rồng có 2 cặp, chiều vuông góc có 1 cặp), là nơi để thỉnh chuông.
Bài thơ bằng chữ Hán ghi tên tác giả: Hiệp Thạch Phạm Sư Mạnh (người Hải Dương, sống ở thế kỷ XIV, đời Trần, được bổ nhiệm làm quan trong nhiều năm, thăng đến chức Tri khu mật viện sự) trên thân chuông được khôi phục lại toàn văn có nội dung: “Nam vọng Hoành sơn đại hải đoan/Kình đào húng dũng bạch vân gian/Thiều thiều vạn lý nam chinh lộ/Xa giá Hoan Châu bố chánh an.
Dịch nghĩa:
Nhìn theo núi Hoành sơn, phía Nam là một vùng biển lớn/Sóng kình dữ dội tung bọt trắng/Trùng trùng vạn dặm đường Nam chinh/Xã giá đến vùng xa xôi giúp chính sự được yên”.
Có giả thiết cho rằng, bài thơ trên thân chuông được làm thời kỳ nhà vua Trần Duệ Tông đi đánh Chiêm Thành.
Theo tìm hiểu, chiếc chuông quý trên được người dân và chính quyền xã Cẩm Thịnh (huyện Cẩm Xuyên) phát hiện vào cuối năm 1990 khi đào gốc cây trên nền chùa Rối tại thôn Trường Xuân. Sau khi được phát hiện, UBND huyện Cẩm Xuyên đã tiếp nhận, đưa về cất giữ từ đó đến nay. Đây cũng là chiếc chuông quý đời Trần duy nhất được phát hiện ở Hà Tĩnh cho tới thời điểm này.
Sáng ngày 24/5, trao đổi với về giải pháp bảo quản chuông, ông Phạm Danh Cường, Giám đốc Trung tâm Văn hóa - Truyền thông huyện Cẩm Xuyên cho hay: Do không có phòng bảo quản chuyên biệt nên chúng tôi phải đặt chiếc chuông tạm bợ ở phòng thư viện. Do điều kiện bảo quản không đảm bảo, hiện vật không tránh khỏi bị ảnh hưởng.
Trước thực trạng chiếc chuông bị ô xi hóa, hiện vậy có nguy cơ hư hỏng làm giảm tính thẩm mỹ, ý nghĩa văn hóa, lịch sử, ông Cường cho rằng một cơ sở như Bảo tàng tỉnh với phòng bảo quản tốt sẽ phù hợp hơn để bảo quản, trưng bày chiếc chuông.
“Còn nhiều vấn đề xung quanh hồ sơ pháp lí của chiếc chuông cổ này, nên việc bàn giao hay không lại còn phụ thuộc nhiều yếu tố và phải xin ý kiến của lãnh đạo huyện”- ông Cường nói.
Trong thẩm quyền hiện nay, ông Cường cho biết, Trung tâm chỉ có thể bảo quản ở mức tối đa hiện có, đồng thời thuê bảo vệ trông coi, tránh bị kẻ xấu đánh cắp.
Hà Phương
Nguồn tin: http://dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn