Duy Thảo cũng là người cố hữu, cố hữu một cách bền vững, ít suy suyển. Cứ xem cái cách nhớ vườn xưa (hay ngày xưa) của ông trong “Vườn xưa” thì rõ: Mảnh vườn của những ngày xưa/ Tôi đi từ dạo mình chưa biết mình/ Bao làng quê của chiến tranh/ Con đê thì lớn, mái đình thì cao/ Trưa hè vọng một tiếng rao/ Nhớ canh hến Thượng, nôn nao muốn về. Cứ xem cái cách ông tự nhận mình là ai với một thái độ thừa tự tin trong “Anh như thế đó” thì rõ: Ừ rồi, đợi đó mà xem/ Anh như thế đó chẳng thêm bớt mà. Cứ xem cái cách ông nhớ khoảng trời xưa trong “Khoảng trời xưa” thì rõ: Khoảng trời đói cháo thèm cơm/ Giêng hai thương chú cu cườm lẻ loi. Cứ xem cái cách ông phân vân về cái thời để nhớ trong “Nhớ” thì rõ: Một thời để nhớ thì xa/ Cái thời dễ nhớ biết là nhớ ai.
K. Lubomirski – nhà thơ nổi tiếng người Áo sở hữu tứ thơ “Không là gì” độc đáo, sâu sắc và kiệm lời: Không là gì hết cả/ Đời là sự thoáng qua/ Một đời đâu đủ sức/ Hiểu hết một bông hoa.
Vậy là để “hiểu hết một bông hoa” có khi phải để cả một đời người mà vẫn “đâu đủ sức”.
Còn Duy Thảo trong “Trở mình”, có hai câu kết cũng liên quan đến hoa, rất đáng để suy ngẫm: Giận thương bao chuyện, đành là/ Xin yêu lấy một loài hoa mình trồng.
Có lẽ để yêu được một loài hoa, đã khó. Yêu một loài hoa do mình trồng, còn khó hơn nữa. Cảm giác một sự tương đồng vô tình qua lại nào đó giữa “Không là gì” và “Trở mình”, theo chủ quan của tôi, là rất rõ.
Ông là người luôn xa lạ với đời sống thị thành, xa lạ với sự mưu sinh riết róng và sự khép kín lạnh lẽo: Từ ngày ra bám phố/ kẻ lạ rồi khách quen/ đêm im ắng cánh cửa/ ngày nhao nhác đồng tiền (“Tìm về”). Ông là người thật lòng đau xót khi hạ bút ở tình thế “cực chẳng đã” qua “Gặp bạn lính”: Tấm huân chương lúc nghèo không bán nổi. Ông là người yêu đời sống này, sống đời sống này đến mức: Mai rồi về cõi hư không/ Tìm đâu được chén rượu hồng dương gian. Đó cũng là quan niệm rất gần với chánh niệm của ông theo tinh thần nhà Phật. Ông là người ưa ngẫm ngợi, có lúc tự mình luận về mình theo cách của mình: Điều đáng có thành không/ Điều đáng không thành có/ Ta như kẻ lạc loài/ Trước bao điều bỡ ngỡ (“Đọc sách đêm cuối năm”). Còn đây là bài thơ hay ở cách nói và cũng rất chan chứa yêu thương: Gọi bà, lo vợ chóng già/ Gọi em, con cháu rầy ra, dở hơi/ Anh đành gọi tên em thôi/ Để còn trẻ mãi cái thời quen nhau.
Tôi coi việc ví mình là cây khát đất và ví người mình yêu là cánh đồng hoang là một phát hiện của Duy Thảo. Cả tứ thơ “Cây khát đất” như dồn tụ ở khổ cuối:
Em lại rằng: Em chỉ cánh đồng hoang
Anh nhận mình là cây khát đất
Ta đau đáu nơi hai bờ bỏng rát
Trước dòng sông, trước ngọn gió vô hình
và coi cặp lục bát dưới đây trích từ “Mưa chiều” bộc lộ ít nhiều chất tài tình thi sĩ:
Thôi chiều đừng rắc hạt mưa
Để ta ướt với ngẩn ngơ nỗi mình.
Đọc “Thơ Duy Thảo”, tôi nghĩ thơ Duy Thảo giống như những tiếng chim cu cườm gù sau bờ tre, bụi trúc, vừa rất gần, vừa rất xa, bí ẩn và giục giã. Một không gian của làng quê sẽ ra sao, một hiện thực của làng quê sẽ ra sao nếu thiếu đi tiếng cu gù? Bất giác tôi nhớ đến bài thơ “Vòng cườm trên cổ chim cu” của nhà thơ lớn Chế Lan Viên viết từ đầu năm 1974 của thế kỷ trước, trong có những câu thật khác thường:
Con cu cườm vẫn đeo vòng cườm muôn thuở
Triệu tấn bom không thể nào làm xổ
Một hạt cườm trên cổ chim tơ …
…Nghe rồi. Tự đâu thời xa xửa xa xưa
Tự sông Thương đôi dòng, Vọng phu hoá đá
Tiếng chim như tự buổi bình Ngô, tự thuở Hai Bà
Tiếng chim như tình ái, như thơ…
…Ở xứ nghìn năm chiến tranh, vạn ngày trận mạc
Để yên lòng người thì con chim hát
Cho kẻ ra đi, cho kẻ đợi chờ
Bom đạn ngất trời thì đã sao đâu?
Trăm hạt cườm trên cổ chim không thiếu hạt cườm nào.
Chim cu gáy sự vật tuần hoàn theo quy luật,
Chim cu gáy thì xanh rờn cỏ mọc
Đỏ trái chín cành cao cành thấp
Thì anh lại yêu em như buổi ban đầu…
Tác giả: Nhà thơ: Đặng Huy Giang
Nguồn tin: http://dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn