Tước vương miện còn khó hơn cả trao vương miện?
Theo nhà thơ, nhà báo Dương Kỳ Anh - “cha đẻ” của Hoa hậu Việt Nam thì các cuộc thi nhan sắc lớn trên thế giới đều có quy chế rất rõ ràng trong việc tước bỏ vương miện của Hoa hậu. Chính vì thế mà ở một số cuộc thi nhan sắc đã từng có tiền lệ tước vương miện Hoa hậu khi phát hiện vi phạm. Cụ thể, trong quy chế của cuộc thi, BTC sẽ đưa ra các quy định về mức độ để có xử lý. Vi phạm pháp luật, vi phạm đạo đức, vi phạm quy chế… và những vấn đề khác.
Tuy nhiên, ở Việt Nam, việc đề ra các quy chế vẫn còn nhiều lúng túng và chưa thực sự rõ ràng. Vì thế, dù trong lịch sử nhan sắc Việt từng có nhiều người đẹp khi vừa đăng quang đã dính phải lùm xùm, dư luận gay gắt đòi tước vương miện vì thấy không xứng đáng… nhưng vẫn chưa Hoa hậu nào bị tước vương miện.
Đơn cử, vào năm ngoái, Hoa hậu Kỳ Duyên đã khiến dư luận một phen dậy sóng khi lộ hình ảnh hút thuốc và hít bóng cười. Ngay sau khi sự việc xảy ra, BTC đã phát văn bản đề nghị Kỳ Duyên giải trình sự việc nhưng khá lâu sau Hoa hậu Việt Nam 2014 vẫn không có bất kỳ lời giải thích nào với BTC. Điều này càng khiến dư luận phẫn nộ bởi thái độ và cách hành xử đó khó lòng chấp nhận. Tuy nhiên, cuối cùng BTC cũng chỉ bị khiển trách mà không bị tước vương miện.
Lý giải về điều này, ông Lê Xuân Sơn - TBT báo Tiền phong, Trưởng BTC Hoa hậu Việt Nam 2014 cho rằng, áp lực dư luận trong việc đòi tước vương miện của Kỳ Duyên là rất lớn nhưng hội đồng xem xét sự việc không phải vì áp lực mà căn cứ trên những gì xác minh được. Tức căn cứ trên mức độ, tính chất của vi phạm, có cân nhắc đến yếu tố nhân văn. Và để có được những căn cứ đó, BTC đã phải mất 20 ngày để xác minh thông tin, làm việc với các đầu mối, tham vấn ý kiến của các chuyên gia pháp luật - văn hóa - cơ quan quản lý.
Trường hợp của Hoa hậu Lê Âu Ngân Anh mới đây cũng lâm vào tình cảnh tương tự. Ngay sau khi vừa đăng quang, Hoa hậu Đại Dương 2017 đã bị dư luận lên tiếng đòi tước bỏ vương miện vì người đẹp này từng phẫu thuật thẩm mỹ và có nhan sắc không tương xứng với chiếc vương miện.
Xét theo Nghị định 79/2012/NĐ-CP và quy chế của cuộc thi thì việc Lê Âu Ngân Anh từng phẫu thuật thẩm mỹ là vi phạm nghị định, quy chế. Tuy nhiên, BTC Hoa hậu Đại Dương 2017 không thể tước bỏ vương miện của Lê Âu Ngân Anh vì chưa có tiền lệ tước bỏ vương miện đối với thí sinh từng phẫu thuật thẩm mỹ nhưng sau đó đã tháo ra để tham gia cuộc thi. Rõ ràng, quy chế không có quy định cụ thể nên khi áp chiếu để xử lý trường hợp này không phải dễ.
Bản thân Thứ trưởng Bộ VHTT&DL Vương Duy Biên lại cho rằng, lỗi ở đây là do BTC đã cân nhắc Lê Âu Ngân Anh lên ngôi vị Hoa hậu Đại Dương chứ không phải do người đẹp này. Vì bản thân người đẹp trước đó đã thông báo việc từng phẫu thuật thẩm mỹ lẫn tháo đoạn sụn nâng mũi ra để tham gia cuộc thi chứ không giấu giếm như người đẹp Nguyễn Thị Thành trước đây.
“Tước vương miện là anh phải vi phạm pháp luật, vi phạm đạo đức nghiêm trọng… Ở Việt Nam quyền tước vương miện thuộc về BTC, tất nhiên có báo cáo lên Bộ, Cục là cơ quan quản lý và cấp phép. Việc của Lê Âu Ngân Anh là cô ấy có khai chuyện thẩm mỹ từ khi bắt đầu tham gia cuộc thi nên mọi việc xử phạt BTC phải chịu trách nhiệm”, nhà báo Dương Kỳ Anh chia sẻ thêm.
Thực tế, việc tước bỏ vương miện đối với một cuộc thi nhan sắc không phải là điều dễ dàng. Theo nhà báo Dương Kỳ Anh thì vương miện chỉ là hình thức biểu thị danh hiệu. Và việc tước vương miện/danh hiệu cũng đồng nghĩa với việc thừa nhận cuộc thi đã thất bại.
Bản thân ông Lê Xuân Sơn khi chia sẻ với báo chí về quyết định xử lí Hoa hậu Kỳ Duyên cũng thú nhận cảm thấy buồn, đau, tiếc và lo. Ông cũng tâm sự rằng, uy tín và giá trị của cuộc thi do công sức của biết bao con người gầy dựng trong 30 năm, không thể vì câu chuyện này mà đạp đổ được.
Trả lại vương miện được quyền nhưng không dễ
Không chỉ có chuyện tước vương miện của các Hoa hậu chưa có tiền lệ mà trong lịch sử nhan sắc Việt cũng chưa có cả tiền lệ nhận lại vương miện khi bị trả. Theo đó, năm 2014, Triệu Thị Hà - Hoa hậu các dân tộc Việt Nam 2011 đã viết đơn xin trả lại vương miện cho BTC với lời lẽ rất thiết tha nhưng không được chấp thuận. Lí do mà BTC Hoa hậu các dân tộc Việt Nam 2011 đưa ra là căn cứ vào các quy định hiện hành, chưa có quy định về việc thu hồi vương miện Hoa hậu.
Mới đây, vì bất bình với cách hành xử BTC Hoa hậu Đại Dương 2017 mà Đặng Thu Thảo - Hoa hậu Đại Dương 2014 đã tuyên bố từ bỏ danh hiệu mà cô đã đạt được.
“Tôi cũng trả lại danh hiệu Hoa hậu Đại dương Việt Nam 2014 vì cảm thấy không thể tiếp tục nhiệm vụ khi ban tổ chức thiếu tôn trọng. Tôi sẽ hoàn toàn độc lập, không còn liên quan đến cuộc thi Hoa hậu Đại dương Việt Nam nữa”, Đặng Thu Thảo tuyên bố.
Thực tế, đây mới chỉ là tuyên bố từ phía cá nhân Đặng Thu Thảo, còn về phía BTC Hoa hậu Đại Dương 2014 vẫn chưa hề có bất kỳ phát ngôn nào về việc nhận lại vương miện. Và mới đây, khi xuất hiện trên một chương trình truyền hình, Đặng Thu Thảo cho biết mình hiện vẫn đang làm công việc của một Hoa hậu.
Cách đây không lâu, trên trang cá nhân của mình, Hoa hậu Bảo Ngọc - Mrs Vietnam World 2017 cũng đã bày tỏ nhiều bất bình về cách hành xử của BTC. Và cô cũng đã quyết định trả lại danh hiệu Mrs Vietnam World 2017 vì cảm thấy lừa gạt bởi chính những người tổ chức cuộc thi. Trước đó, BTC Mrs. Vietnam World 2017 cũng từng “đánh tiếng” là sẽ tước vương miện của Bảo Ngọc để trao lại cho Á hậu 1 vì cho rằng người đẹp này thiếu tôn trọng BTC, thiếu đạo đức, không đủ tư cách đại diện cho Mrs Vietnam World 2017... nhưng đến nay việc tước vương miện chưa được thông báo chính thức.
Nhà báo Dương Kỳ Anh cũng cho rằng, việc trả lại vương miện là quyền của mỗi Hoa hậu, kể cả Hoa hậu đã hết nhiệm kỳ lẫn Hoa hậu đương nhiệm. Trong quy định của pháp luật lẫn quy chế của các cuộc thi nhan sắc lớn không có quy định nào cấm trả lại vương miện. Nhưng việc trả lại vương miện là một điều tối kỵ bởi không đẹp về mọi mặt. Bản thân Đặng Thu Thảo khi được hỏi vì sao lại đòi trả lại vương miện đã khẳng định rằng đó là một thông lệ bình thường.
Nhận định về quy chế các cuộc thi Hoa hậu ở Việt Nam, một chuyên gia cho rằng, chưa có một cuộc thi Hoa hậu nào ở Việt Nam có được một quy chế đúng chuẩn quốc tế, kể cả cuộc thi có yếu tố nước ngoài. Vì lẽ đó, khi các người đẹp mang danh hiệu vi phạm, BTC rất lúng túng để xử lý. Nếu có đưa ra được hình thức xử lý thì vẫn mang tính “bảo vệ danh dự” cuộc thi là chính chứ không theo kiểu dùng luật để xử lý. Đó cũng là lí do khiến cho việc tước bỏ vương miện hoặc trả lại vương miện vẫn là câu chuyện dài chưa hồi kết.
Tác giả: Hà Tùng Long
Nguồn tin: http://dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn