Tập mở màn của “Điều con muốn nói” là tâm sự của cô bé Thảo Vy (12 tuổi). Thảo Vy là một vũ công nhí, từng đoạt giải Á quân “Tiếu lâm tứ trụ nhí 2018”. Trước khi trở thành một cô bé sống mạnh mẽ, giàu năng lượng như hiện tại, cô từng có tuổi thơ “kinh hoàng”. Cô bé từng suýt chết vì bị bỏng nặng, sống mặc cảm với nhiều vết sẹo trên cơ thể và uất ức vì bị mẹ ép học vũ đạo.
Thảo Vy kể, năm em 1 tuổi, bé vô ý bị ấm nước sôi đổ lên người. Khi đưa vào bệnh viện, bác sĩ bảo khó qua khỏi. Mẹ cô bé khi ấy khóc và ngất xỉu liên tục, không ăn uống gì, chỉ trong vòng một tuần mà sụt đến 5kg. May mắn, những vết bỏng của Thảo Vy dần trở nên lành lặn theo thời gian.
Tuy nhiên, tai nạn khiến cô bé bị nhiều vết sẹo trên gương mặt, cánh tay và nhiều bộ phận trên cơ thể. Cuộc sống của cô bé gần như gắn liền với bệnh viện bởi cô phải điều trị rất lâu dài. Một thời gian dài, cô sống trong mặc cảm vì vết sẹo khắp cơ thể và nỗi ân hận vì đã vô ý để ấm nước sôi đổ lên người khiến mẹ luôn lo lắng.
“Khi nhìn vào những vết sẹo, con thấy có lỗi với mẹ. Tại sao con lại tự gây ra tai nạn để mẹ phải khóc, buồn vì con nhiều đến vậy?”, Thảo Vy nói.
Để con bớt mặc cảm, chị Thu Hằng - mẹ Thảo Vy thường may áo tay dài để che đi vết sẹo của con. Dần dà, theo thời gian, hai mẹ con cũng xóa dần nỗi mặc cảm và xem những vết sẹo như là “một điều đặc biệt của bản thân”.
Sau di chứng của trận bỏng, Thảo Vy có phần “thấp bé nhẹ cân” hơn so với các bạn đồng trang lứa. Bác sĩ khuyên cô bé nên tập luyện thể thao, vận động nhiều hơn để tăng sức đề kháng cho cơ thể. Gần nhà không có nhà thiếu nhi hay lớp năng khiếu dành cho trẻ em, gia đình phải tự làm một phòng tập riêng mời thầy về dạy Aerobic cho cô bé.
Một thời gian sau, thầy cũng xin nghỉ dạy vì đi lại quá xa. Không có lớp học, chị Thu Hằng phải chở Thảo Vy từ huyện lên thành phố Bạc Liêu để em tham gia lớp học nhảy. Nhà cách lớp học gần 40km, mỗi ngày hai mẹ con mất 2 tiếng đồng hồ chở nhau trên xe máy, vượt một đoạn đường gần 80km cả đi lẫn về, trong suốt 2 năm trời.
Năm Thảo Vy 5 tuổi, có lần cô bé không chịu tập nhảy vì cảm thấy bản thân không làm được các động tác như các bạn. Sau 7 năm, Thảo Vy vẫn nhớ như in trận đòn roi của mẹ ngày ấy.
“Lần đó khi tập nhảy, con khóc nhiều nên mẹ đưa con vào phòng và đánh con. Lúc ấy, mẹ đánh con bằng cây roi nhỏ nhưng rất đau khiến mông con đau và bầm tím trong hai tuần. Mẹ nói mệt quá rồi giờ con có muốn học không, nếu không mẹ cho học cái khác. Con ước gì khi đó mẹ đừng đánh con”, Thảo Vy nghẹn ngào kể.
Chị Thu Hằng chia sẻ, chị cảm thấy ân hận khi nghe những lời từ tận trái tim của con gái.
“Lúc ấy, tôi giận vì con khóc mà không chịu tập nhảy. Tôi đánh và bắt cháu phải nín khóc nhưng con càng khóc tức tưởi hơn. Tối về, cháu cởi đồ ra tôi thấy người cháu có nhiều vết hằn ngang dài thì mới xót, ôm con vào lòng. Nhiều khi, tôi nhớ lại cũng cảm thấy bản thân đau. Tôi lúc ấy chỉ nghĩ con tập để khỏe, đánh con vì muốn con tốt hơn”, mẹ Thảo Vy day dứt.
“Nếu như bây giờ quay ngược thời gian, con sẽ vòng tay ra ôm và nói với mẹ rằng con cám ơn mẹ đã luôn bên cạnh, động viên để con có sức khỏe như ngày hôm nay. Con cám ơn mẹ đã luôn cùng với chiếc xe này chở con đến phòng tập mặc dù quãng đường rất xa. Con cám ơn mẹ đã luôn bên con theo dõi…”, Thảo Vy ngập ngừng khi thổ lộ những lời yêu thương chưa bao giờ dám nói ra với mẹ.
Cô bé còn có lời gửi gắm đầy bất ngờ đến mẹ: “Con cũng muốn mẹ tự chăm sóc cho mình bởi con đã 12 tuổi. Ngày ngày, mẹ quá quan tâm đến con, từng chút một, lúc con đi học, đi tập rồi đi diễn. Mẹ không có thời gian nào để chăm sóc cho mẹ…”.
Ốc Thanh Vân và chuyên gia tâm lý Tô Nhi A phân tích lời nói động viên hay yêu thương sẽ có một giá trị to lớn và thật may mắn khi con trẻ nghe được những lời ngọt ngào, tích cực đến từ cha mẹ để bộc lộ tiềm năng của bản thân. Và điều cuối cùng, sau những hờn giận, Thảo Vy là một cô bé ngoan, luôn hiểu mẹ và muốn mẹ hãy dành thời gian để chăm chút, yêu thương bản thân nhiều hơn.
Hà Tùng Long
Nguồn tin: http://dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn