“Việc cấp phép các ca khúc là không cần thiết”
Nhạc sĩ Phó Đức Phương, Giám đốc Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam đã chỉ ra 4 điều hệ lụy khi Cục NTBD ra văn bản “phổ biến rộng rãi” cho hơn 300 ca khúc.
Một là, không cần thiết. Theo nhạc sĩ Phó Đức Phương, việc công bố danh sách hơn 300 ca khúc nhạc đỏ được phổ biến rộng rãi là không cần thiết vì bản thân các ca khúc đã được phổ biến rộng rãi rồi. Hàng vạn ca khúc khác cũng thế, không cần thiết phải cấp phép. Hai là, bất khả thi. Ba là, tốn kém thời gian và tiền bạc của Nhà nước. Và bốn là gây rốn ren trong đời sống xã hội nói chung, gây rối ren, mệt mỏi, nhiễu nhương trong đời sống âm nhạc nói riêng.
Nhạc sĩ Phó Đức Phương chia sẻ: “Mấy tháng trước, khi trả lời báo chí xoay quanh vấn đề cấp phép ca khúc của Cục Nghệ thuật Biểu diễn, tôi có nói rằng chỉ nên liệt kê danh sách các ca khúc bị cấm. Nhưng nghĩ lại, tôi cũng thấy việc này là không cần thiết, nó tốn công sức. Theo tôi, chỉ đưa ra những nguyên tắc cấm, ví dụ như ảnh hưởng đến an ninh, ảnh hưởng đến hòa bình thế giới, gây thù hằn dân tộc, vi phạm thuần phong mỹ tục…
Nhạc sĩ Phó Đức Phương cho rằng, hành động cấp phép ca khúc của Cục Nghệ thuật Biểu diễn có sự bất cập trong tư duy và sai lầm phương pháp quản lý.
“Không nên lẫn lộn khái niệm cấp phép. Chỉ có tác giả (chủ sở hữu tác phẩm) mới được quyền cho phép hay không cho phép người khác sử dụng tác phẩm của mình. Các cơ quan quản lý nhà nước chỉ có quyền kiểm duyệt tác phẩm nào vi phạm hay không…”, nhạc sĩ Phó Đức Phương chia sẻ thêm…
“Cấp phép cho Quốc ca Việt Nam - Chuyện rất buồn cười”
Đồng quan điểm với nhạc sĩ Phó Đức Phương, nhạc sĩ Nguyễn Cường cho rằng một ca khúc ra đời, quyền thuộc về tác giả. “Tôi chẳng thấy đất nước nào trên thế giới cấp phép ca khúc cả. Cục Nghệ thuật Biểu diễn có quyền cấm hát, cấm biểu diễn ca khúc nào đó nhưng không có quyền cấp phép. Quyền thuộc về tác giả”, nhạc sĩ Nguyễn Cường khẳng định.
Nhạc sĩ Nguyễn Cường nói thêm: “Sáng tác ca khúc cũng là một trong những hoạt động nghệ thuật. Vẽ tranh cũng thế. Nhưng Cục có đến từng phòng tranh để cấp phép cho từng bức tranh hay không? Sao lại cấp phép cho ca khúc?”.
Vị nhạc sĩ này thẳng thắn cho rằng, việc cấp phép cho các ca khúc là nhảm nhí, thậm chí là “thảm họa”. Việc Cục Nghệ thuật Biểu diễn công bố danh sách hơn 300 ca khúc được phổ biến rộng rãi, trong đó có Quốc ca Việt Nam là rất “buồn cười”.
“Cục có thể công bố danh sách các ca khúc bị cấm vì vi phạm chống phá này nọ, nhưng cũng phải hết sức cẩn thận kẻo gây phản ứng trong dư luận. Tôi được biết, từng có người bước vào vòng lao lý vì hát một số ca khúc nhạy cảm, nhưng nay các ca khúc đó đang được hát trên truyền hình”, nhạc sĩ Nguyễn Cường cho biết.
Trước thông tin, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch có ý kiến những ca khúc không vi phạm thuần phong mỹ tục, không vi phạm chống phá này khác… thì không cần phải cấp phép, nhạc sĩ Nguyễn Cường rất đồng tình.
“Các sáng tác của tôi cũng vậy, sáng tác nhiều, tôi cũng chưa khi nào đến xin cấp phép các ca khúc của mình cả”, tác giả “Ly café Ban Mê” chia sẻ.
Tác giả: Nguyễn Hằng
Nguồn tin: http://dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn