"Phải 21 tuổi tôi mới có mối tình đầu tiên"
Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh có rất nhiều tác phẩm văn học nổi tiếng, nhất là về tình yêu tuổi học trò. Vậy vì sao anh lại quyết định chọn “Mắt biếc” để xây dựng thành phim?
Tôi yêu thích truyện “Mắt biếc” từ rất lâu. Tôi luôn cảm thấy gần gũi và đồng cảm với các nhân vật trong câu chuyện này, nhất là nhân vật Ngạn. Nhưng vài năm trước đây, tôi chưa sẵn sàng để chuyển thể tác phẩm này vì nghĩ đây là tác phẩm rất khó để chuyển thể, nó nghiêng về nội tâm rất nhiều.
Dẫu vậy, tôi vẫn luôn nuôi dưỡng ý muốn muốn truyền tải những tâm sự và suy nghĩ của nhân vật trong tác phẩm lên phim. Phải khi tìm ra được hướng đi cho tác phẩm này tôi mới tự tin để làm.
Có lẽ đây là bộ phim tôi tâm huyết và yêu thích nhất từ trước tới nay vì nó gần gũi với tôi. Tôi cảm thấy rất thoải mái khi làm bộ phim này và hiểu rất rõ từng nhân vật.
Việc anh quyết định chọn những gương mặt mới tinh như: Trúc Anh, Trần Nghĩa, Trần Phong, Khánh Vân, Thảo Tâm… để giao vai có được xem là một sự mạo hiểm?
Vì đây là tác phẩm văn học nổi tiếng được bao nhiêu người yêu thích và quá nổi tiếng nên áp lực tìm kiếm diễn viên phù hợp đè nặng ê-kíp. Mỗi người sẽ có cách nhìn riêng và sự tưởng tượng của mỗi người khác nhau. Cái khó nhất là làm sao để tìm được những diễn viên đáp ứng được những mong muốn của mọi người.
Khi gặp Trần Nghĩa và Trúc Anh, đầu tiên, tôi thấy đây là những gương mặt mình hình dung khi đọc tác phẩm. Bên cạnh đó, các bạn có cách diễn rất tự nhiên, mộc mạc, giản dị… Đó là những điều tôi rất mong muốn để truyền tải tác phẩm được một cách chân thực nhất. Mong rằng, mọi người sẽ đồng cảm được với các nhân vật và thấy được thông điệp về tình yêu vĩ đại mà tác phẩm gốc lẫn bộ phim gửi gắm.
Bộ phim nói về tình yêu trong sáng thuở học trò. Trong phim liệu có bóng dáng thuở học trò của anh trong đó?
Tình yêu thời học trò của tôi rất thê thảm và bi kịch (cười). Thú thật là thời học cấp 3, tôi là một người rất nhút nhát. Tới đại học tôi vẫn chưa sửa được sự nhút nhát và sống khép kín. Tôi có tình yêu trễ hơn rất nhiều so với bạn bè cùng trang lứa. Phải 21 tuổi tôi mới có mối tình đầu tiên.
Tôi cũng không hiểu sao thời đó mình lại nhút nhát và khép kín đến thế. Tôi luôn tìm những thứ như: vẽ tranh, viết lách, nghệ thuật… để nương náu. Đó là lý do vì sao tôi rất đồng cảm với nhân vật Ngạn trong “Mắt biếc”.
Vậy Ngạn cho anh nhìn thấy hình ảnh gì của mình trong đó?
Victor có thể giống Ngạn ở chỗ là một anh chàng si tình và rất nghệ sĩ. Vì sống khép kín nên thường không biểu lộ cảm xúc ra bên ngoài. Bởi lẽ đó mà tôi rất hiểu và đồng cảm với nhân vật Ngạn.
Có một cái rất lạ là thời đó tôi sống nhút nhát nhưng lại có rất nhiều cô gái muốn tiếp cận tôi. Tất nhiên, tôi luôn giữ khoảng cách đối với họ. Điều này tôi không thể giải thích được. Có lẽ tôi thiếu tự tin và có những mặc cảm riêng. Nhưng khi mình vượt qua được cái đó rồi, chấp nhận chia sẻ và sống mở lòng hơn thì con người mình thoải mái hơn.
"Đừng gọi tôi là đạo diễn đào hoa nhất làng điện ảnh”
Nhiều người bảo anh là đạo diễn đào hoa nhất làng điện ảnh Việt. Bằng chứng là thời kỳ về Việt Nam làm phim, anh luôn có rất nhiều bóng hồng vây quanh. Anh nghĩ sao về điều này?
Tôi không bao giờ nghĩ mình đào hoa đâu, đừng gọi tôi là “đạo diễn đào hoa nhất làng điện ảnh”. Tôi chỉ là người giàu tình cảm và yêu phụ nữ thôi. Tôi nghĩ rằng, mỗi người sẽ có một mẫu người yêu thích. Có thể hồi xưa nhiều người thấy tôi có những nét giống với mẫu người họ thích nên đem lòng yêu mến. Ai cũng sẽ có những nét giống với mẫu người mà người khác thích. Có điều mình có nhận ra không thôi.
Thời gian gần đây, anh rất hay chia sẻ hình ảnh của con trên trang cá nhân. Vậy cuộc sống của anh thay đổi như thế nào từ khi làm bố?
Có thể nói, bây giờ tôi mới hiểu được cảm giác tuyệt vời khi có một đứa con. Mỗi ngày được gặp con và nhìn thấy con cười thôi là tôi cảm thấy hạnh phúc ngập tràn. Chuyện chăm sóc và che chở cho một sinh linh bé bỏng đặc biệt lắm. Bé là người đã thay đổi tôi trong rất nhiều chuyện. Tôi sống tình cảm, nhạy cảm và kiên nhẫn hơn rất nhiều.
Nhưng anh bận bịu và phải thường xuyên đi xa thế thì thời gian đâu để gần con?
Từ khi có con, tôi ít khi rời xa con lắm. Như khi quay phim “Mắt biếc” ở Huế 51 ngày thì cả hai mẹ con cùng ra đó sống với đoàn phim. Lúc đầu, tôi nghĩ có con bên cạnh sẽ khiến mình bị chi phối suy nghĩ nhưng cuối cùng con lại là tác nhân giúp tôi thư giãn sau một ngày làm việc căng thẳng. Mỗi lần bên con, tôi bỏ được công việc sang một bên để làm mới lại chính mình.
Từ lúc có em bé, bà xã Ngọc Diệp của anh dường như không thể tham gia phim ảnh?
Đúng thế, khi quyết định sinh em bé, chúng tôi thống nhất khi có con phải tự mình chăm sóc con chứ không để người khác. Vợ chồng chúng tôi đều muốn, khi con dưới 5 tuổi, bố mẹ sẽ là những người gần gũi nhất với con. Diệp rất yêu con và sẵn sàng hy sinh sự nghiệp vì con. Có thể nói, sự hiện diện của con là một niềm hạnh phúc lớn trong gia đình.
"Có điện ảnh tôi mới thực sự thấy mình được sống"
Anh nghĩ điện ảnh thay đổi con người anh như thế nào?
Điện ảnh cho tôi sống được với giấc mơ của mình. Nếu không có điện ảnh, tôi không biết mình sẽ là người như thế nào. Nó giống như đồ ăn, thức uống, hơi thở… mỗi ngày. Có điện ảnh tôi mới thực sự thấy mình được sống. Tôi nhận ra điều này nên dù đã vấp ngã rất nhiều lần nhưng tôi vẫn quyết tâm đứng dậy để theo đến cùng đam mê.
Anh cảm thấy thế nào khi nhiều người nói anh là đạo diễn thành công nhất hiện nay?
Tôi rất vui khi được mọi người xem như thế nhưng điều đó cũng tạo ra một áp lực lớn. Tôi làm phim vì đam mê và nhiều khi cảm xúc sẽ lái mình theo một hướng không trùng lắp với thị hiếu của khán giả. Cho nên không phải phim nào tôi đưa ra cũng ăn khách.
Thật lòng là tôi không hiểu được 100% thị hiếu của khán giả. Vì đó là cái thay đổi liên tục. Nếu mình cứ chạy theo thị hiếu thì mình sẽ đánh mất đi cái chất và hướng đi của câu chuyện mình đang kể. Tôi nghĩ rằng, nếu mình hiểu được phim mình đang làm, thông điệp mình muốn truyền tải đến với khán giả là cái gì… mình sẽ giữ được cái chất của mình.
Là người thành công vang dội trong việc làm những tác phẩm điện ảnh từ chuyển thể kịch bản văn học. Anh thấy xu hướng này hiện đang nằm ở chừng mực nào?
Tôi thấy xu hướng làm phim từ việc chuyển thể văn học rất tốt. Đó là một tín hiệu đáng mừng bởi Việt Nam chúng ta có rất nhiều tác phẩm hay, nội dung sâu sắc và có chất điện ảnh. Bởi thế, mọi người thay vì làm lại những phim cũ hoặc “remake” (khai thác lại kịch bản nước ngoài) mà cố gắng khai thác kho tàng văn học sẽ tìm được nhiều ý tưởng thú vị.
Thực ra, trước đây đã có nhiều phim làm theo xu hướng chuyển thể từ tác phẩm văn học. Thành công hay chưa mình không bàn tới nhưng đó quả là việc không hề đơn giản. Tôi hiểu được những rủi ro và thử thách nên không phải ai cũng muốn làm phim từ chuyển thể tác phẩm văn học đâu. Riêng bản thân tôi vẫn nghĩ đó là một hướng đi rất tốt.
Cảm ơn anh đã chia sẻ thông tin.
Hà Tùng Long
Nguồn tin: http://dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn