Trọng tài Trần Văn Lập bẻ còi trên sân Bình Dương
Ví dụ như trọng tài Trần Văn Lập, người “bẻ còi” trong trận B.Bình Dương – Than Quảng Ninh trên sân Bình Dương hôm 14/9, từng… “bẻ còi” ở mùa bóng trước, tại vòng 23 V-League 2017.
Trong trận đấu năm ngoái trên sân Long An, tiền đạo Wander Luiz khi đó khoác áo Long An đưa bóng vào lưới FLC Thanh Hoá, trọng tài Trần Văn Lập ban đầu ra hiệu công nhận bàn thắng, nhưng trước sức ép dữ dội của đội bóng xứ Thanh, ông Lập thay đổi quyết định, rồi huỷ bàn thắng của đội chủ nhà.
Cùng một lỗi tương tự nhưng trọng tài Lập không hề rút kinh nghiệm, dù được tập huấn, đến mùa giải năm nay lại “bẻ còi” tiếp, lần sau mức độ sai càng nặng hơn lần trước.
Cái sai của ông Lập không chỉ là sai về nhận định, như dạng tình huống bóng chạm mặt hậu vệ Dương Văn Khoa của Than Quảng Ninh trên sân Bình Dương hôm 14/9, nhưng ông Lập lại phán đoán rằng chạm tay, đuổi Văn Khoa và cho B.Bình Dương hưởng phạt đền, mà cái sai của ông Lập còn lại sai nặng về nghiệp vụ: Rút thẻ vàng thứ 2 cho Hồ Tấn Tài của B.Bình Dương, nhưng lại… quên rút thẻ đỏ, để cầu thủ của đội bóng đất Thủ Dầu tiếp tục hiện diện trên sân.
Lỗi nhận định có thể gọi tai nạn, nhưng sai nặng về nghiệp vụ thì rõ ràng là năng lực chuyên môn. Trọng tài đã kém về năng lực chuyên môn, có tập huấn bao nhiêu đợt cũng khó mà khá lên. Đấy cũng là tình cảnh chung của giới cầm còi tại V-League.
Cái này thì phải xem lại khâu điều hành chung của giới trọng tài, rằng người điều hành là các ông trưởng Ban trọng tài Nguyễn Văn Mùi và phó ban Dương Văn Hiền có phải là người có năng lực điều hành giỏi hay không? Thậm chí có công tâm và khách quan trong khâu tuyển chọn đầu vào, phân công và đánh giá trọng tài?
Khâu tuyển chọn đầu vào kém thì chuyên môn của giới trọng tài sẽ yếu kém kéo dài, trong khi đây là tình trạng của giới trọng tài V-League nhiều năm qua.
Khâu phân công, đánh giá trọng tài thiếu khách quan, sẽ dẫn đến tình trạng trọng tài kém năng lực nhưng vẫn được trọng dụng, nguy hiểm hơn nữa là trọng tài thiếu ý chí phấn đấu, với tâm lý có sai thường xuyên vẫn được sử dụng.
Dĩ nhiên, rất khó khẳng định giới điều hành Ban trọng tài có công tâm và khách quan hay không, nhưng có một chi tiết có thể khẳng định là thực tế nhiều trọng tài kém, thường xuyên mắc lỗi vẫn đều đặn được phân công nhiệm vụ qua nhiều mùa giải.
Lấy ví dụ ngay chính trọng tài Trần Văn Lập, năm ngoái sau vụ “bẻ còi” trên sân Long An, mang tiếng là bị “treo còi” đến hết giải, nhưng thực ra chỉ nghỉ… 3 trận, vì sự cố xảy ra ở vòng 23 V-League 2017, trong khi giải kết thúc sau vòng 26, nên thực tế ông Lập chỉ nghỉ 3 vòng 24, 25 và 26 của V-League năm ngoái.
Mắc lỗi quá nặng, ảnh hưởng đến sự tồn vọng của một đội bóng (năm ngoái Long An rớt hạng) mà chỉ nghỉ 3 trận, sau đó quay lại mắc lỗi tiếp, thử hỏi các đội bóng nhìn vào công tác điều hành trọng tài và cảm thấy được đối xử công bằng ở chỗ nào?
Hoặc như trọng tài Nguyễn Trọng Thư, hiện đã trở thành “chuyên gia” mắc lỗi tại V-League, nhưng đến giờ vẫn xuất hiện ở sân chơi chuyên nghiệp, vẫn được phân công làm nhiệm vụ thì chẳng biết giới trọng tài rút kinh nghiệm về lỗi của họ ở điểm nào?
Hôm 14/9, trong vai trò của trọng tài thứ 4, là trợ lý cho trọng tài Trần Văn Lập trên sân Bình Dương, trọng tài Nguyễn Trọng Thư cũng không hoàn thành nhiệm vụ, không phát hiện ra việc Hồ Tấn Tài (B.Bình Dương) đã dính 2 thẻ vàng, không kịp thời báo cáo cho trọng tài chính.
Nếu trọng tài thứ 4 Nguyễn Trọng Thư hoàn thành nhiệm vụ của mình, kịp nhắc cho trọng tài Trần Văn Lập, ông Lập đã không đến mức “bẻ còi”, rồi giới trọng tài không phải bẽ bàng trước dư luận cả nước.
Ông Thư cũng thuộc tuyến trọng tài thường xuyên mắc lỗi, lỗi rất nặng, nhưng sau nhiều scandal vẫn quay trở lại với công việc cũ và… mắc lỗi tiếp!
Tác giả: Kim Điền
Nguồn tin: http://dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn