Một cuộc trò chuyện với ông Vi Kiến Thành - Cục trưởng Cục Mỹ thuật, nhiếp ảnh và Triển lãm, từ sự kiện trên và tác động của nó tới thị trường mỹ thuật Việt Nam.
Từ góc nhìn của ông thì sự kiện này có ý nghĩa như thế nào?
- Đây là một thông tin ấn tượng, hết sức vui mừng vì giá trị kinh tế của một bức tranh VN thông qua giao dịch tại các sàn đấu giá có tính chuyên nghiệp. Đây là giá bán tranh VN cao nhất từ trước tới nay trên thị trường thế giới. Và cho thấy thị trường tranh VN phải vận hành theo hướng minh bạch, công khai để tiếp tục có những tác phẩm vươn tầm.
Thường việc giao dịch trên thị trường tranh VN không công khai, minh bạch, dẫn tới hai hệ lụy: Giá tranh VN không được đẩy lên cao ở thị trường quốc tế và phát sinh tệ tranh giả, tranh sao chép giả làm tranh thật. Một thời gian dài, các giao dịch mua bán tranh ở ta đều bí mật. Người mua có thể mua trực tiếp với họa sĩ và việc mua không có biên lai, hóa đơn và tất nhiên là không có biên lai thuế. Với các gallery, ngành thuế cũng cào bằng, áp mức thuế cho chủ gallery, khiến Nhà nước thất thu thuế, trong khi đúng ra ngành thuế phải cần cụ thể từng tác phẩm mua bán phải nộp thuế bao nhiêu...
Theo ông, vì sao tranh của họa sĩ Lê Phổ đạt mức trên 1 triệu USD?
- Việc tranh của họa sĩ Lê Phổ bán giá cao không thuần túy là do giá trị thật của tác phẩm, mà bên cạnh chất lượng, giá trị nghệ thuật còn rất nhiều yếu tố kèm theo: Vị trí của tác giả, đời sống thực tế và huyền thoại của tác phẩm, lịch sử tác phẩm ra đời từ đâu, qua tay các nhà sưu tập nào hay lưu trữ ở bảo tàng nào... Về bức “Đời sống gia đình” này, tôi không nắm được đời sống của nó.
Còn giá trị tranh của Lê Phổ nằm ở tinh thần VN, tinh thần Á Đông. Các nhân vật trong tranh ông từ thiếu nữ, em bé đều tạo hình rất VN, được đưa vào tác phẩm kiên trì, kiên định. Tạo hình của ông không biến động theo thời gian, mà nó xuyên suốt, tạo nên thương hiệu, làm người xem thấy quan điểm thẩm mỹ của ông. Có tranh sơn dầu, ông vẫn vẽ gần như tranh lụa, không xử lý khối, ánh sáng như kiểu Châu Âu.
Lê Phổ là một họa sĩ sống ở Pháp nhiều năm, và tên tuổi ông cứ dày thêm qua tác phẩm, qua hoạt động nghề nghiệp một cách chuyên nghiệp, đến một thời điểm nhất định tạo nên mức giá rất cao cho tác phẩm của mình.
Trong mắt ông, những họa sĩ nào ở VN trong tương lai gần có thể bán tranh bằng hoặc cao hơn tranh họa sĩ Lê Phổ?
- Hiện ở trong nước có một nhóm họa sĩ thuộc hàng top, bán giá cao và chất lượng nghệ thuật cũng rất tốt, như Đặng Xuân Hòa, Hồng Việt Dũng, Phạm Luận... Phía nam có họa sĩ Lê Kinh Tài, đáng chú ý, tầm chưa đến 40 tuổi mà bán nhiều tranh với giá cao... Cũng có một số tác giả bán tốt nhưng tôi không đánh giá cao về chất lượng nghệ thuật.
Các nhà sưu tập tranh thế giới hiện tìm kiếm gì ở tranh Việt Nam?
- Hơn 20 năm về trước, các nhà sưu tập đã bị bất ngờ vì mỹ thuật VN, khi trước đó họ chỉ biết VN là một nước chiến tranh liên miên, không ngờ vẫn có một lớp họa sĩ vẽ rất tốt, chủ yếu theo mỹ thuật Đông Dương. Sau này, kể từ giai đoạn đổi mới trở đi, các nhà sưu tập tìm đúng những cái họ quan tâm, tuy nhiên sự suy thoái kinh tế trên thế giới đã tác động tới các nhà sưu tập. Bản thân những nhà sưu tập tầm cỡ cũng rất bảo thủ, họ muốn nhắm tới những tác giả có độ tin cậy cao, được kiểm chứng qua cả một quá trình về tài năng.
Tiếc là các họa sĩ VN thường trong quá trình vận hành mà chưa tới đỉnh. Nội lực của họa sĩ VN thường không tịnh tiến theo thời gian, 60 tuổi đổ lại thì phát tiết nhiều cái hay, còn ít người 60 trở đi mà sáng tạo vượt bậc, vượt khung. Điều này mâu thuẫn với thế giới khi thường họa sĩ càng già vẽ càng hay. Ở ta, hiếm có ai được như họa sĩ Trần Lưu Hậu năm nay trên 80 tuổi mà vẫn vẽ hay. Tôi cũng không lý giải được điều này, có thể do đặc thù của họa sĩ VN chăng?
Các nhà quản lý có vai trò gì trong việc tạo cơ chế cho người tài, thưa ông?
- Cục và hội có thể tác động như người khuyến khích, tạo môi trường làm việc thuận lợi, còn cá nhân nghệ sĩ quyết định chất lượng tác phẩm. Tôi tin là trong tương lai, chúng ta ngày càng có thêm nhiều tác giả tầm cỡ...
Mỹ thuật là lĩnh vực cởi mở, thông thoáng. Chúng ta cần thị trường mỹ thuật trong nước đảm bảo sức tiêu thụ bền vững thì đỉnh cao mới vọt lên. Nếu không chỉ là hoạt động đơn lẻ, ngẫu hứng...
Vì sao các cuộc thi va triển lãm mỹ thuật toàn quốc 5 năm/lần đáng ra phải là sân chơi đẳng cấp nhất, vậy mà chưa thực sự là sự kiện nổi bật của giới mỹ thuật cả nước, thưa ông?
- Các họa sĩ VN luôn muốn sự mới mẻ ở công tác tổ chức, ở nhân sự, giám tuyển, nhưng không phải nhu cầu này lúc nào cũng được đáp ứng. Sống trong đời sống phẳng, nhu cầu giới thiệu, triển lãm tác phẩm ở trong và ngoài nước không còn bị bó hẹp như ngày xưa. Bão hòa các sân chơi, vì thế việc thu hút các họa sĩ như trước kia là rất khó. Muốn làm như thế phải quyết liệt thay đổi, ngay từ việc công bố hội đồng nghệ thuật từ đầu, để thí sinh yên tâm gửi gắm tác phẩm vào những tên tuổi xứng đáng. Mọi thay đổi đều khó như triển lãm đổi mới “Mở cửa” đã thử nghiệm thay đổi cách làm mới, nhưng cũng gặp nhiều phản ứng khác nhau...
Hiện nhu cầu mua tranh của công chúng ngày càng tăng, nhưng họ lại lúng túng khi chọn tranh, ông có lời khuyên nào?
- Chúng ta thiếu những nơi làm tư vấn mỹ thuật cho công chúng. Nhưng tư vấn mỹ thuật ở ta cũng chưa có tiền lệ, bản thân không phải người Việt nào cũng muốn tin vào tư vấn. Nhưng hiện nay, tất cả các cục trong ngành văn hóa nghệ thuật đang triển khai một đề án công nghiệp văn hóa, trong đó phải làm ngân hàng dữ liệu về tác giả, tác phẩm. Khi xong, công chúng sẽ có thể truy nhập vào đó để lựa chọn...
Xin trân trọng cảm ơn ông.
Tác giả: Theo Việt Văn Lao Động
Nguồn tin: http://dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn