NSƯT Thu Huyền cho rằng, chị có chút bất ngờ khi biết tin mình không được Hội đồng xét tặng danh hiệu Nghệ sĩ nhân dân cấp TP. Hà Nội thông qua hồ sơ. Tuy nhiên, chị nghĩ rằng, mình còn trẻ nên vẫn còn cơ hội để cống hiến, phấn đấu và khẳng định mình. Bản thân chị cũng không nặng nề câu chuyện này và hoàn toàn tôn trọng quyết định của Hội đồng.
“Thị Mầu” Huyền “chèo” chia sẻ thêm, theo những gì chị được biết thì việc chị bị “trượt” danh hiệu Nghệ sĩ nhân dân là do thiếu phần trăm huy chương. Theo đó, tiêu chí của việc xét tặng danh hiệu Nghệ sĩ nhân dân là phải có 2 huy chương vàng toàn quốc. Trong khi đó, nghệ sĩ Thu Huyền có một huy chương vàng toàn quốc và một huy chương vàng của Hội Nghệ sỹ Sân khấu Việt Nam. Huy chương vàng toàn quốc được tính 100%, còn huy chương của Hội Nghệ sỹ Sân khấu chỉ được tính 70%. Như vậy, nếu xét về tiêu chí huy chương, chị còn thiếu 30%.
Trên thực tế, ngoài việc tham gia diễn xuất và đảm nhận cương vị quản lý của Nhà hát Chèo Hà Nội, nghệ sĩ Thu Huyền còn tham gia giảng dạy lẫn truyền vai Thị Mầu cho nhiều sinh viên. Các sinh viên được chị truyền vai như: Thanh Tân, Huyền Trang… từng đoạt giải cao trong các kỳ liên hoan. Phần cống hiến được ghi rõ trong hồ sơ nhưng khi Hội đồng xét tặng danh hiệu xem xét tới.
NSND Hoàng Dũng - Thành viên của Hội đồng xét tặng danh hiệu Nghệ sĩ nhân dân, Nghệ sĩ ưu tú cũng khẳng định, việc nghệ sĩ Thu Huyền bị trượt danh hiệu Nghệ sĩ nhân dân cấp TP. Hà Nội là do bị thiếu phần trăm huy chương. Tuy nhiên, trong phiên họp Hội đồng xét tặng cấp TP. Hà Nội, khi xét đến trường hợp của nghệ sĩ Thu Huyền và nghệ sĩ Thanh Loan, ông có đề nghị, không nên chỉ dựa vào tiêu chí huy chương để xem xét đối với những trường hợp này.
“Trong các tiêu chí để xét tặng danh hiệu Nghệ sĩ nhân dân, Nghệ sĩ ưu tú thì huy chương là một tiêu chí quan trọng. Vì tiêu chí này phần nào phản ánh năng lực chuyên môn của người nghệ sĩ. Tuy nhiên, đó không phải là tiêu chí quyết định.
Việc xét tặng danh hiệu còn được xem ở khía cạnh cống hiến của người nghệ sĩ và cả sự ảnh hưởng của họ đối với giới chuyên môn lẫn công chúng. Trường hợp Thu Huyền ngoài việc tham gia diễn xuất còn có giảng dạy và truyền nghề cho sinh viên. Đó cũng là một khía cạnh cống hiến cần xem xét đến.
Bên cạnh đó, các nghệ sĩ lớn tuổi được Hội đồng linh hoạt xem xét thì cũng cần phải linh hoạt đối với những nghệ sĩ trẻ để họ có động lực mà cống hiến nhiều hơn. Khi xem xét đến trường hợp của Thu Huyền và Thanh Loan do Hội đồng không xem xét hồ sơ ngay từ đầu còn nếu bỏ phiếu thì tôi sẽ bỏ phiếu cho họ”, NSND Hoàng Dũng bày tỏ.
NSND Lê Tiến Thọ - Chủ tịch Hội Nghệ sỹ Sân khấu Việt Nam cho rằng, theo quy định thì đúng là việc xem xét phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ nhân dân phải đủ 2 huy chương vàng cấp Nhà nước. Tuy nhiên, điều này còn tùy thuộc vào từng Hội đồng xét tặng. Không phải Hội đồng nào cũng “nhất nhất” theo đúng tiêu chí đó.
“Nếu xét thấy tài năng, công lao và cống hiến của người nghệ sĩ đối với lĩnh vực nghệ thuật họ đang hoạt động là lớn lao thì cũng không nên cứng nhắc. Việc xét tặng có tới 4 tiêu chí chứ không phải chỉ có mỗi huy chương. Nếu chỉ xét mỗi huy chương thôi thì không cần phải thành lập tới mấy Hội đồng xét tặng. Huy chương chỉ có giá trị trong cuộc thi hoặc hội diễn thôi, còn giá trị của sự cống hiến đối với nghệ thuật trong đời sống phải được nhìn nhận một cách thực tế hơn”, NSND Lê Tiến Thọ nói.
Theo Chủ tịch Hội Nghệ sỹ Sân khấu Việt Nam thì vì tiêu chí cứng về huy chương đã được đưa vào nghị định rồi nên không thể sửa chữa được. Tuy nhiên, sắp tới, khi tổng kết và đánh giá lại nghị định của Chính phủ về việc xem xét phong tặng danh hiệu, ông sẽ đóng góp ý kiến để điều chỉnh lại các quy định cho linh hoạt hơn.
Tác giả: Hà Tùng Long
Nguồn tin: http://dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn