“Mạng hoá” phim hài…
Từng có một thời, khán giả Việt “phát cuồng” với các thể loại hài. Vì lẽ đó, các nhà sản xuất ào ạt tung ra các vô số chương trình truyền hình thực tế liên quan đến hài để câu kéo khán giả. Một thời gian dài, mở kênh nào, đài nào, giờ nào… người ta cũng có thể bắt gặp các chương trình thực tế về hài. Cho đến thời điểm này, các chương trình thực tế này vẫn chưa có dấu hiệu giảm bớt dù khán giả không còn mặn mà như xưa.
Các sân khấu hài, các đĩa phim hài… đã có lúc phải điêu đứng vì sự “đè bẹp” của truyền hình thực tế. Và để tìm “đất sống”, nhiều nhà sản xuất băng đĩa đã phải chọn cách dựng lại những vở hài cũ và phát hành miễn phí trên trang Youtube.
Đạo diễn Phạm Đông Hồng cho biết, 22 năm gắn bó với lĩnh vực sản xuất băng đĩa nhạc, chưa năm nào anh bỏ làm hài tết. Mỗi năm, dù khó khăn anh cũng phải bắt tay sản xuất vài đĩa hài. Tuy nhiên, thời buổi khó khăn, phim hài theo dạng băng đĩa phát hành dịp tết “chết sặc” bởi truyền hình thực tế và nạn sao chép lậu đã khiến các nhà sản xuất loay hoay tìm “đất sống”.
Vừa qua, đạo diễn Phạm Đông Hồng bắt tay vào thực hiện serie “Chí phèo ngoại truyện” và “Thầy đồ dạy học”. Cả 2 serie hài này xây dựng các câu chuyện hài hước dựa trên những tác phẩm văn học nổi tiếng như: Chí Phèo, Tấm Cám, Thạch Sanh… nhưng lồng vào đó là những vấn đề thời sự được xã hội quan tâm. Toàn bộ những sản phẩm này sẽ được phát miễn phí trên kênh Youtube riêng kèm phụ đề tiếng Anh, tiếng Trung. Nghĩa là phim sẽ được Youtube bảo vệ bản quyền và trả tiền dựa vào lượng truy cập. Với hình thức kinh doanh này, nhà sản xuất sẽ được nhận nhiều lần tiền bản quyền.
Tương tự, nghệ sĩ Vượng “râu” cũng vừa kết hợp cùng nghệ sĩ Bảo Chung dựng lại hai tiểu phẩm “Liên khúc tình xa” và “Thông gia đại chiến”. Đây là hai tiểu phẩm từng “làm mưa làm gió” thị trường băng đĩa nhạc những năm thập niên 90 gắn liền với tên tuổi Bảo Chung - Tấn Hoàng… Cả hai tiểu phẩm này khi hoàn thành sẽ được phát hành miễn phí trên kênh Nụ cười vàng của Youtube.
“Trước sự lấn át của truyền hình thực tế, sự bùng nổ mạnh mẽ của mạng xã hội và công nghệ số, chúng tôi buộc phải thay đổi hình thức sản xuất phim hài nếu không sẽ “chết”. Bây giờ khán giả cũng muốn nhanh, tiện khi xem hài qua các ứng dụng trên mạng xã hội.
Tôi còn nhớ, cách đây không lâu, khi phát hành đĩa ca nhạc - hài kịch “Tết vạn lộc”, chúng tôi in không kịp. Cứ vừa thông báo đã có hàng chục khách ký hợp đồng ôm trọn gói. Tuy nhiên, xu hướng làm phim bắt đầu thay đổi, nhiều đoàn làm phim cũng bắt đầu “mạng hóa” tiểu phẩm hài để tăng sự phủ sóng, tăng lợi nhuận từ việc ký hợp đồng quảng cáo trên Youtube”, nghệ sĩ Vượng “râu” chia sẻ.
Hài tục, hài nhảm… làm tiếng cười mất đi tính “thiêng”
Đạo diễn Phạm Đông Hồng cho rằng, làm phim hài bây giờ rất khó bởi “tiếng cười” ít nhiều đã bị bão hoà. Vấn nạn hài nhảm, hài tục, hài nhạt… đã khiến cho tiếng cười mất đi tính “thiêng”. Bên cạnh đó, đội ngũ viết được kịch bản hài đúng nghĩa hài ngày càng khan hiếm.
“Bây giờ không chỉ có sân khấu hài, truyền hình thực tế hài, phim hài mà trong các chương trình giáo dục nhà nông, chính luận cũng đưa hài vào. Như vậy dân ta thiếu nhưng kỳ thực là thừa tiếng cười . Vì lên sóng nhiều quá nên đôi lúc các chương trình làm theo phong trào.
Tất cả những thứ bị gọi là “hài nhảm” thời gian gần đây là do không có tình huống mà chỉ những lời thoại, thậm chí lời thoại rất nhảm, khiến khán giả dị ứng. Thực tế, chúng ta không nên trách diễn viên vội mà người đáng trách trước hết là nhà sản xuất làm ăn kiểu chộp giật”, đạo diễn “Chôn nhời” nói.
Nghệ sĩ Vượng “râu” cũng đồng tính với ý kiến đó. Anh cho rằng, trình độ và thị hiếu thưởng thức của khán giả bây giờ đã khác. Nếu ngày xưa, nhà sản xuất tung ra sản phẩm gì (kể cả sản phẩm chứa tiếng cười nhảm nhí) khán giả cũng buộc phải đón nhận thì nay khán giả đã có quyền lựa chọn thứ phù hợp với mình. Nếu họ cảm thấy những tiểu phẩm (chương trình) chọc cười tục tĩu, nhảm nhí, nhạt nhẽo… họ sẽ lên tiếng tẩy chay ngay.
“Bây giờ, đa số khán giả đều đòi hỏi những tiểu phẩm hoặc chương trình có sự đầu tư về kịch bản, diễn viên, bối cảnh và công nghệ hình ảnh. Đặc biệt, khán giả trẻ bây giờ chủ yếu xem qua mạng xã hội, qua các kênh trực tuyến… nên nếu hình ảnh kém họ sẽ bỏ qua. Ngoài ra, phim hài cũng đòi hỏi phải ăm ắp tính thời sự, những vấn đề nóng hổi được quan tâm, tiếng cười phải tinh tế… Nếu không theo kịp xu hướng đó, các sản phẩm sẽ bị “bỏ qua” và tự “chết mòn”, nghệ sĩ Vượng “râu” nói.
Liên quan đến câu chuyện “hài Bắc thâm sâu, hài Nam nhí nhố”, nghệ sĩ Vượng “râu” cho rằng, hài kịch ở đâu cũng có thế mạnh riêng và điểm yếu riêng. Vì thế, trong các chương trình cuối năm luôn có sự góp mặt của nghệ sĩ hai miền Nam - Bắc. Ngay cả chương trình “Ơn giời, cậu đây rồi!” dù sản xuất ở phía Nam nhưng lại có cả sự tham gia của nghệ sĩ phía Bắc là để cân bằng tiếng cười, xóa nhòa những định kiến về hài Nam - hài Bắc.
Theo nghệ sĩ Vượng “râu”, sở dĩ thỉnh thoảng vẫn có những thứ hài tục - hài nhảm tồn tại là do nhiều người không hề có tí duyên hài nào nhưng vẫn “nhảy” lên sân khấu diễn hài. Thêm vào đó, nhà sản xuất nghiệp dư ngày càng nhúng tay vào lĩnh vực này quá nhiều khiến cho hài bị nghiệp dư hoá. Để khắc phục được tình trạng này, ngoài sự kiên quyết của khán giả, còn đòi hỏi sự nghiêm túc của nhà sản xuất và diễn viên.
“Khán giả bây giờ không như ngày xưa. Cứ cù nách mà chọc cười bằng những trò lố hoặc những câu thoại nhợt nhạt là bị “tố” ngay. Mạng xã hội bây giờ trở thành một “vũ khí” lợi hại để khán giả thể hiện “quyền lực” của mình. Cho nên, làm hài mà không đầu tư, không chỉn chu, không sạch sẽ… là bị “out” ngay”, nghệ sĩ Vượng “râu” nhấn mạnh.
Tác giả: Hà Tùng Long
Nguồn tin: http://dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn