Những chuyện bất thường
4 tháng sau khi SEA Games 31 khép lại, 3 trọng tài Jujitsu của Việt Nam lên tiếng thông báo về việc họ chưa được thanh toán tiền ăn. Không lâu sau đó, đến lượt một số cán bộ làm việc tại SEA Games ở môn Boxing cũng nêu lên câu chuyện tương tự. Điều đáng nói ở đây là một số tình tiết lạ được những người trong cuộc chia sẻ.
7 giờ sáng ngày 5/10, bài viết có tiêu đề "Làng Boxing ngóng tiền công SEA Games" xuất hiện. Đến 11 giờ cùng ngày, một bài viết khác được đăng với nội dung "Các trọng tài Boxing đã nhận đủ tiền làm nhiệm vụ tại SEA Games 31". Vậy những người trong cuộc đã nhận đủ tiền hay chưa? Vì sao lại có 2 luồng thông tin khác nhau đến vậy?
Ở thời điểm hiện tại, toàn bộ trọng tài, cán bộ Boxing Việt Nam đã nhận đủ tiền công làm nhiệm vụ ở SEA Games 31. Tuy nhiên, cách họ nhận về lại rất khác nhau. Ông Lê Anh Tuấn (Viện Khoa học Thể dục thể thao) nhận đầy đủ các khoản tiền công vào tháng 7, khoảng 2 tháng sau khi SEA Games 31 kết thúc. Số tiền ông nhận được là xấp xỉ 6 triệu đồng, bao gồm cả tiền ăn.
Khác với ông Lê Anh Tuấn, trọng tài Lý Đức Trường (Đại học Thể dục thể thao) chỉ được nhận tiền làm nhiệm vụ là 3,78 triệu đồng, không bao gồm tiền ăn và tiền di chuyển. Phải đến cuối tháng 8, khi Liên đoàn Boxing Việt Nam (VBF) họp và giới thiệu ông Trường vào Ban chấp hành VBF nhiệm kỳ 2, một nhân viên thuộc bộ môn Boxing (Tổng cục Thể dục thể thao - TDTT) mới đến gửi ông Trường số tiền còn thiếu và yêu cầu ký nhận.
Bà Bùi Thị Nhật Lệ (trọng tài đẳng cấp 1 sao được Liên đoàn Boxing Thế giới AIBA chứng nhận) phải đợi đến khi bài viết "Làng Boxing ngóng tiền công SEA Games" được đăng tải mới được nhận đủ tiền công. Nếu không có dư luận lên tiếng, hẳn các trọng tài sẽ phải đợi thêm một thời gian nữa mới được nhận lại khoản thù lao tương đương với công sức họ đã bỏ ra.
Một chi tiết đáng chú ý khác là số tiền được chuyển bù cho các trọng tài Boxing làm nhiệm vụ ở SEA Games 31 xuất phát từ một tài khoản cá nhân, chứ không phải từ Tổng cục TDTT hay bộ môn Boxing - Kickboxing. Điều này có thể hơi khó hiểu, nhưng ít ra những trọng tài Boxing đã nhận đủ thù lao. Ở môn Jujitsu, trọng tài thậm chí còn được yêu cầu ký xác nhận ăn đủ 3 bữa/ngày ở SEA Games 31, một điều không có thật.
Vì sao "sợ" Liên đoàn?
Ở thời điểm ra mắt, Liên đoàn Boxing Việt Nam (VBF) thông báo tự chủ mọi hoạt động thu chi, không sử dụng ngân sách nhà nước. Bên cạnh khoản kinh phí hoạt động đến từ tiền túi của Chủ tịch Trần Minh Tiến, VBF đã bắt đầu có nhà tài trợ đồng hành. Đây là tín hiệu tích cực với thể thao Việt Nam, nhưng không phải ai cũng vui vì điều đó.
Theo phân cấp, Tổng cục TDTT bao gồm nhiều Trưởng bộ môn phụ trách chuyên môn ở từng môn thể thao. Nhân vật này thường không muốn có Liên đoàn, bởi trong trường hợp một Liên đoàn không sử dụng ngân sách nhà nước như VBF xuất hiện, điều đó sẽ khiến họ mất đi phần ngân sách tương ứng, không thể chủ động thu chi như trước thời kỳ có Liên đoàn.
Trên thực tế, mỗi Liên đoàn thể thao khi thành lập thường mời Trưởng bộ môn, hoặc chuyên viên phụ trách bộ môn của môn thể thao đó làm Tổng thư ký Liên đoàn. Chức danh này trang trọng và có thực quyền, nhưng không phải Liên đoàn nào cũng trả lương cho vị trí đó. Tổng thư ký khi ấy như một cán bộ được Tổng cục TDTT biệt phái sang Liên đoàn, chỉ được nhận lương cơ bản nhà nước và không có những nguồn thu khác.
Bị cắt ngân sách phát triển bộ môn cùng nhiều khoản thu khác là nguyên nhân chính khiến một số cán bộ thể thao Việt Nam “sợ” xu hướng xã hội hóa, dù điều này là chuyện tất yếu xảy ra. Đây là ngọn nguồn phát sinh mâu thuẫn và những khoản thu, chi không rõ ràng như với một số môn thể thao ở SEA Games 31.
Theo Luật Thể dục thể thao, một Liên đoàn thể thao sẽ có nhiều quyền hạn như triệu tập vận động viên lên đội tuyển quốc gia, và cấp phép tổ chức với những sự kiện có môn thể thao đó. Trong bóng đá, điều này được thực hiện khá rõ ràng và minh bạch với chức năng của VFF, nhưng không phải môn thể thao nào cũng được làm như vậy.
Với câu chuyện của môn Boxing, hiện tại quyền triệu tập các thành viên lên đội tuyển quốc gia vẫn do Tổng cục TDTT nắm giữ chứ không phải VBF. Một số sự kiện Boxing nhà nghề được tổ chức gần đây cũng được Vụ I - Vụ Thể thao thành tích cao cấp phép. Chuyện tương tụ cũng diễn ra ở môn Jujitsu, khi nhiều vận động viên (VĐV) lên tiếng về việc lệ phí tham dự được thu chi không rõ ràng.
Dù sao, những cơn sóng ngầm ở Boxing và Jujitsu vẫn chưa thể sánh bằng mâu thuẫn tại môn bắn súng. Ở cuộc họp mới nhất của Liên đoàn, 2 tượng đài bắn súng Việt Nam là xạ thủ Hoàng Xuân Vinh và huấn luyện viên (HLV) Nguyễn Thị Nhung đồng loạt xin rút lui.
Bước lùi của thể thao?
Khoảng 2 thập niên trước, thể thao là một trong những ngành đầu tiên được đôn từ cấp cục lên tổng cục trực thuộc Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch. Nhưng ở thời điểm hiện tại, ngành thể thao lại đứng trước nguy cơ bị "hạ cấp" về cấp cục như trước đây. Có nhiều nguyên nhân dẫn tới điều đó, bao gồm việc xu hướng xã hội hóa thể thao không diễn ra như kỳ vọng.
Sau nhiều năm được hỗ trợ, tạo điều kiện, những môn thể thao xã hội hóa mạnh ở Việt Nam vẫn chỉ đếm trên đầu ngón tay. Trong con mắt của những cán bộ ngành thể thao, điều này xuất phát từ việc nhiều Liên đoàn thành lập nhưng tài chính không tốt, thu không đủ chi nên vẫn phải sống dựa vào ngân sách nhà nước. Nhưng điều đó dường như không đúng.
Trong câu chuyện của môn Boxing, có nhiều dẫn chứng cho thấy VBF bị hạn chế trong phần việc của họ. Môn Jujitsu cũng xảy ra tình trạng tương tự, dù Chủ tịch Liên đoàn là người hào phóng tới mức rút tiền túi thưởng cho từng vận động viên ngay trong ngày thi đấu cuối cùng.
Một số môn võ khác như Karate và Muay hiện vẫn chưa có Liên đoàn ở cấp độ quốc gia. Phải đến trước SEA Games 31, ban vận động thành lập Liên đoàn Karate Việt Nam mới xuất hiện. Trong khi đó, Liên đoàn Muay Việt Nam đã có quyết định thành lập từ tháng 8/2021 nhưng đến giờ vẫn chưa ra mắt và họp ban chấp hành nhiệm kỳ thứ nhất.
Ở môn Karate, ông Vũ Sơn Hà, Trưởng bộ môn Karate mới đây được bầu làm Chủ tịch Liên đoàn Karate Đông Nam Á. Ông cũng là Ủy viên Ban chấp hành Liên đoàn Karate châu Á. Nhưng ở phạm vi Việt Nam, môn võ này vẫn đang trong thời gian vận động thành lập Liên đoàn. Với Muay, Liên đoàn Muay Việt Nam vẫn chưa thể ra mắt bởi chưa quyết định được ghế Tổng thư ký.
Câu chuyện tranh chấp nhiệm vụ giữa các Liên đoàn và Trưởng bộ môn không chỉ ảnh hưởng đến môn thể thao đó. Người chịu thiệt cuối cùng ở đây không ai khác ngoài vận động viên và huấn luyện viên, những người nhận trách nhiệm trực tiếp mang về thành tích. Nhưng ở vị trí của mình, họ khó có thể lên tiếng nói quan điểm cá nhân.
Dấu hiệu của những bước lùi với một môn thể thao không có liên đoàn thể hiện rõ nhất ở môn Karate. Từng là mỏ vàng của Việt Nam ở các kỳ SEA Games và ASIAD, Karate dần biến mất trên bản đồ thể thao thành tích cao thời gian qua. Ông Lê Công, cựu HLV đội tuyển Karate Việt Nam từng nói chúng ta đủ khả năng đào tạo VĐV dự Olympic Tokyo nếu có một liên đoàn. Nhưng liên đoàn cuối cùng chưa được thành lập, và Karate Việt Nam không có VĐV nào tham dự kỳ Olympic trên đất Nhật Bản.
Những câu trả lời theo khuôn mẫu
Cuối tháng 6, khi thông báo về việc rút lui khỏi Liên đoàn Bắn súng Việt Nam, HLV Nguyễn Thị Nhung đã nói về những điểm "thiếu sót, mất dân chủ, thiếu đoàn kết" từ phía Liên đoàn. Một ủy viên Ban thường vụ Liên đoàn Bắn súng Việt Nam còn nói "không ai muốn làm việc với Chủ tịch Đỗ Văn Bình", dù với tiềm lực của mình, ông Bình hoàn toàn có khả năng đưa bắn súng Việt Nam tiến xa hơn trong tương lai.
Trong khuôn khổ môn Boxing, Phó chủ tịch VBF Nguyễn Hồng Minh (nguyên Vụ trưởng Vụ Thể thao thành tích cao) cũng từng nhận xét phía Liên đoàn "không thống nhất, thiếu dân chủ, thiếu công khai minh bạch", Chủ tịch VBF "hành động chủ quan, độc đoán, thiếu dân chủ". Trên thực tế, toàn bộ kinh phí hoạt động của VBF từ khi thành lập vào năm 2015 đến nay đều do Chủ tịch Trần Minh Tiến đứng ra chi trả.
Mâu thuẫn giữa cán bộ thuộc VBF và chuyên viên biệt phái từ Tổng cục TDTT đã lớn tới mức không thể hòa giải. Đôi bên công khai chỉ trích nhau qua các phương tiện truyền thông và cả mạng xã hội. VBF thậm chí từng gửi công văn tới Bộ Nội vụ để cung cấp thông tin về những hoạt động trái với Luật Thể dục thể thao của chuyên viên được Tổng cục TDTT biệt phái sang.
Ở chiều ngược lại, VBF thường xuyên nhận "gậy ông đập lưng ông" mỗi khi công tác tổ chức giải đấu có sai sót. Vào năm 2020, việc 1 VĐV ăn gian tuổi ở giải Vô địch Boxing trẻ toàn quốc hóa thành "chuyện bé xé ra to". Điều tương tự xảy ra với sự cố VĐV "ảo" (có đăng ký thi đấu nhưng không tham dự, không tranh tài) ở giải vô địch Boxing Các đội mạnh toàn quốc 2022.
Nguồn tin: antg.cand.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn