Khoe da thịt vẫn tràn lan trong hài tết phát trên Youtbe
Thời gian qua, truyền thông và dư luận đã đề cập rất nhiều đến chuyện hài tết ngày càng lạm dụng các cảnh hở hang, cảnh khoe da thịt… khiến cho tiếng cười ngày càng nhảm - nhạt. Và món “đặc sản” được chờ đón mỗi dịp xuân về tết đến trở thành món “tầm thường”.
Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là vì sao những sản phẩm hài tết có nhiều cảnh hở hang mạnh bạo lại không bị kiểm duyệt trong khi phim chiếu rạp đã áp dụng việc dán nhãn phân loại theo độ tuổi từ đầu năm 2017.
Đạo diễn Phạm Đông Hồng cho rằng, “chợ” hài tết ngày càng đông đúc nhưng việc kiểm soát chất lượng hài tết lại đang có nhiều lỗ hỏng. Cụ thể là nhiều năm trở lại đây, các phim hài tết đa phần phát hành trên mạng vì thế việc kiểm duyệt không được nghiêm ngặt như sản phẩm băng đĩa trước đây.
Và cũng vì phát hành trên mạng nên nhiều nhà sản xuất đã cố tình khai thác triệt để các cảnh “mát mẻ”, cảnh khoe da thịt, cảnh hở hang… để câu view. Lượng xem càng nhiều thì chủ sở hữu của sản phẩm đó sẽ nhận được nhiều tiền bản quyền từ Youtube.
Thực tế là vì lợi dụng kẽ hở đó mà phần lớn các phim hài tết theo phong cách hiện đại ngày nay đều chứa đựng các mô-tuýp như: đại gia hám gái, thanh niên chạy theo “của lạ”, gái xinh ăn mặc “thiếu vải”… Thậm chí, hài tết còn mạnh bạo tới mức đưa cả cảnh hãm hiếp vào phim như cảnh của Quang “tèo với Phí Huyền Trang trong “Tỷ phú đè đại gia” gây náo loạn thời gian qua.
Ngoài ra, trong các phim “Đại gia chân đất”, “Làng ế vợ”… năm nào cũng tuyển các hotgirl tham gia phim nhằm khai thác triệt để vẻ sexy hình thể nhằm câu khách. Các cảnh này thường được xây dựng khiên cưỡng, thừa thãi, không cần thiết đối với kịch bản.
NSND Trung Hiếu cho rằng, cái gì cũng phải có chuẩn mực và hài tết lại càng phải giữ được giá trị chân thẩm mỹ. Việc đưa các cảnh hở hang vào phim cũng phải ở mức độ nào đó nhất định. Kể cả phim nghệ thuật có những cảnh mát mẻ hoặc hở hang thì cũng cần phải có lời cảnh báo hạn chế trẻ em dưới 18 tuổi xem phim.
“Tác phẩm nghệ thuật nào cũng phải hướng tới những giá trị Chân - Thiện - Mỹ. Và khi đã vượt qua những giá trị đó rồi sẽ bị đào thải. Phim mà dung tục quá trong khi ý thức của người dân càng ngày càng cao hơn thì chính mình tự đào thải mình.
Xem một lần khán giả còn có thể bỏ qua chứ xem nhiều lần mà cứ lặp lại những cảnh đó thì họ sẽ không bao giờ xem lại nữa. Chính khán giả là đối tượng được sàng lọc việc đấy. Tất nhiên, để làm được việc đó cũng cần phải có nhiều thứ. Cần phải có cả hệ thống xã hội và cần phải có thời gian”, NSND Trung Hiếu nhấn mạnh.
Cần phải phải có cơ chế kiểm soát chặt chẽ hơn?
Theo NSND Trung Hiếu, việc chủ ý lạm dụng cảnh hở hang đã khiến cho các nhà sản xuất tự làm mất đi giá trị của hài tết, của một thể loại phim được cho là “đặc sản”. Bởi thực tế bây giờ dân trí ngày càng lên cao và việc chạy theo những thị hiếu tầm thường sẽ bị tẩy chay “ngay tắp lự”.
Tuy nhiên, nam nghệ sĩ này cũng cho rằng, với các phim có nhiều cảnh như thế hội đồng kiểm duyệt phải xem xét kỹ. Nếu hội đồng kiểm kiểm duyệt thấy những cảnh đó không phù hợp họ sẽ yêu cầu cắt bỏ liền. Còn nếu cấp phép cho các bộ phim đó phát hành mà vẫn gây ra những phản ứng trong dư luận thì hội đồng kiểm duyệt phải chịu trách nhiệm về điều đó. Bản thân nghệ sĩ và những người sáng tạo cũng phải có trách nhiệm cùng.
Ông Lê Minh Tuấn - Phó Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn cho biết, nhiều năm nay Cục không quản lý lĩnh vực cấp phép băng đĩa lĩnh vực âm nhạc - phim ảnh mà giao cho Sở Văn hóa - Thể thao/ Sở Văn hóa - Thể thao - Du lịch các tỉnh, thành phố.
Ông Nguyễn Văn Trực, Trưởng phòng Quản lý nghệ thuật của Sở Văn hóa - Thể thao Hà Nội cho biết, quy trình cấp phép đối với một sản phẩm văn hóa không phân biệt là âm nhạc hay phim ảnh đều thông qua một hội đồng thẩm định gồm 5 người.
Theo đó, các đơn vị nộp hồ sơ qua bộ phận một cửa theo thủ tục hành chính kèm theo đĩa gốc. Sau khi nhận hồ sơ, hội đồng kiểm duyệt sẽ xem xét nội dung để cấp phép. Những gì trái với thuần phong mỹ tục, gây phản cảm hoặc nhạy cảm chính trị sẽ bị đề nghị cắt bỏ.
Ông Nguyễn Văn Trực cũng nhấn mạnh, nhiều năm nay, theo Nghị định mới, Sở Văn hóa – Thể thao Hà Nội đã bỏ “thao tác” gián tem cho sản phẩm văn hóa mà đơn vị sản xuất sẽ tự thực hiện thao tác đó.
Riêng về những sản phẩm hài tết hoặc âm nhạc phát hành trên mạng thì không thuộc thẩm quyền quản lý của Sở Văn hóa - Thể thao mà thuộc thẩm quyền của lĩnh vực truyền thông – an ninh mạng.
Theo tìm hiểu, YouTube đã từng đóng cửa hơn 50 kênh "có nội dung xoay quanh trẻ vị thành niên nhưng có thể gây hại cho trẻ em" và các kênh "có nội dung gia đình nhưng mang chủ đề người lớn hoặc nội dung hài dành cho người lớn".
Trước đó, bộ phim “Căn hộ 69” cũng đã bị xóa khỏi Youtube do nội dung phản cảm, trái với thuần phong mĩ tục Việt Nam hay chương trình “Những kẻ lắm lời” cũng bị xóa khỏi kênh Youtube bởi nội dung không phù hợp với văn hóa quốc gia. Điều đáng nói là hiện nay trên Youtube vẫn tràn lan nhiều sản phẩm văn hóa có nội dung không phù hợp nhưng vẫn chưa bị kiểm soát.
Một chuyên gia (xin giấu tên) cho biết, đã đến lúc Bộ Thông tin - Truyền thông cùng phối hợp chặt chẽ với phía Youtube để kiểm soát một cách nghiêm ngặt hơn những sản phẩm văn hóa có những nội dung không phù hợp, trong đó có cả hài tết. Và cần phải đưa ra một cơ chế cụ thể để kiểm soát những sản phẩm hài tết có chứa nhiều cảnh dung tục, phản cảm, hở hang…
Tác giả: Mạnh Trường
Nguồn tin: http://dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn