Phát biểu trên báo giới nước nhà ngày hôm qua, Chủ tịch Liên đoàn bóng đá Thái Lan (FAT) Somyot Poompanmuangcho biết: “Việc tham dự AFF Cup là niềm tự hào với các quốc gia ở khu vực Đông Nam Á. Nhưng theo quy định, AFF cũng không bắt buộc các quốc gia tham dự giải đấu này.
Vì vậy, chúng tôi có thể tính tới phương án không tham dự AFF Cup vào năm nay. Chúng tôi hy vọng rằng tình hình dịch bệnh có thể giải quyết. Giải đấu có thể diễn ra mà không ảnh hưởng tới các đội bóng tham dự giải đấu”.
Tuy FAT chưa đưa ra quyết định cuối cùng, nhưng có vẻ như người Thái không còn mặn mà với giải bóng đá số 1 Đông Nam Á. Bên cạnh đó, có nhiều nguyên nhân khiến đội tuyển Thái Lan khó có được lực lượng mạnh nhất cho giải đấu vào cuối năm nay.
HLV Akira Nishino tuyên bố có thể cử đội U23 Thái Lan dự AFF Cup 2020, nhưng Chủ tịch FAT còn muốn rút lui khỏi giải đấu. Động thái của người đứng đầu bóng đá Thái Lan đang khá quyết liệt, vì những vấn đề khách quan.
Do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, Thai League chỉ có thể trở lại vào tháng 8/2020, trong khi các giải đấu khác có thể bị hủy bỏ. Thai League nhiều khả năng sẽ rút gọn số trận đấu, để đội tuyển quốc gia chuẩn bị cho vòng loại World Cup 2022.
Theo lịch của FIFA, vòng loại bảng G World Cup 2022 được dời sang tháng 10 và 11/2020. Riêng trận đấu cuối cùng Thái Lan gặp Malaysia diễn ra vào ngày 15/11, chỉ 8 ngày trước khi AFF Cup 2020 chính thức diễn ra.
Lịch thi đấu dày đặc có thể khiến Thái Lan không thể có được lực lượng mạnh nhất, đặc biệt là những ngôi sao đang chơi tại Nhật Bản như Chanathip, Theerathon… J-League cũng đang hoãn vì Covid-19 và không dễ để FAT có thể kịp triệu tập các ngôi sao này, nhất là AFF Cup không phải là FIFA’s Day, nên các CLB được phép không nhả người.
Còn nhớ tại AFF Cup 2018, đội tuyển Thái Lan không cử đội hình mạnh nhất dự giải đấu và họ bị loại ở bán kết dưới tay Malaysia. HLV Rajevac không có 4 ngôi sao Kawin, Chanathip, Theerathon và Dangda vì không thể triệu tập từ các CLB nước ngoài.
Bản thân đội tuyển Thái Lan năm đó cũng dồn sức cho Asian Cup 2019 trên đất UAE và họ coi AFF Cup 2018 là cơ hội để sàng lọc đội hình. Trong lịch sử, không ít lần người Thái coi giải bóng đá khu vực chỉ là thứ yếu, cho những mục tiêu cao hơn.
Tại SEA Games 2015 và 2017, Thái Lan đều giành HCV. Tuy nhiên HLV Kiatisuk không dẫn dắt đội U22 mà để trợ lý Choketawee Promrat và Worrawoot Srimaka dẫn dắt đội bóng.
Thời điểm đó, Thái Lan dồn sức cho vòng loại World Cup 2018 dưới thời HLV Kiatisuk. Tuy nhiên, "Zico Thái" bị sa thải khi Thái Lan thảm bại ở vòng loại thứ ba châu Á khi ở bảng đấu gồm Australia, Nhật Bản, Saudi Arabia, UAE, Iraq.
Người Thái hướng đến sân chơi tầm cỡ hơn và FAT muốn HLV Nishino dồn lực cho vòng loại World Cup 2022, khi họ còn ba trận đấu quan trọng gặp Indonesia, UAE và Malaysia trong hai tháng 10 và 11/2020 ở bảng G, với quyết tâm cạnh tranh suất đi tiếp cùng đội tuyển Việt Nam.
Cuối cùng, việc no nê danh hiệu khiến người Thái Lan không còn quá nhiều khát khao ở sân chơi Đông Nam Á. Trừ ba năm 2009, 2011 (Malaysia) và 2019 (Việt Nam), thì Thái Lan đã thâu tóm tất cả danh hiệu HCV SEA Games từ năm 1995 trở lại đây.
Thái Lan cũng đã vô địch AFF Cup 1996, 2000, 2002, 2014, 2016 và dù đứng trước áp lực phải đòi lại ngôi đầu khu vực từ đội tuyển Việt Nam, họ cũng mất đi nhiều động lực ở giải đấu này, trong bối cảnh người Thái khó có đủ lực lượng mạnh nhất cho giải đấu này vào cuối năm.
Thùy Anh
Nguồn tin: http://dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn