Trước giờ phút công chiếu phần kết của phim, không chỉ riêng khán giả và diễn viên mà biên kịch của phim cũng hỗn độn cảm xúc. Chị Thuỷ Nguyễn - đại diện cho nhóm biên kịch đã chia sẻ những tâm sự hết sức cảm động về điều này.
Biên kịch phim “Về nhà đi con” chia sẻ: “Lần nào cũng thế, trước thời điểm phát sóng tập cuối cùng, tâm trạng của mình cũng đều vừa đợi mong, vừa thấy mất mát. Nhưng với “Về nhà đi con”, sự đợi mong lẫn mất mát ấy vẫn là một điều gì đó thật đặc biệt.
Hành trình 85 tập phim, dài hơn bất kể phim nào mình đã làm trong 10 năm qua và đương nhiên, những trải nghiệm cùng nó, đã đem đến cho mình và đồng nghiệp rất nhiều những hạnh phúc, niềm vui của người làm nghề.
Nhưng, mình biết, một hành trình đẹp là một hành trình đi tới điểm dừng một cách đúng lúc. Và tối nay, là thời điểm đó. Tối nay, là lúc nói lời tạm biệt.
Mình, cũng như cả đoàn làm phim, khi xây dựng câu chuyện “Về nhà đi con”, đều chưa từng đặt một kì vọng quá lớn. Nói đúng hơn, đó đơn giản là một đầu việc cần phải hoàn thành và với trách nghiệm nghề nghiệp, mỗi người đều cố gắng làm cho thật tốt.
Nhưng “Về nhà đi con” lại là một dự án kì lạ. Đây là dự án mà tất cả những nỗ lực, cố gắng của mọi người đều được đền đáp xứng đáng, thậm chí, là nhiều hơn cả sự mong đợi.
Không phải không có những lời chê, không phải không có những góp ý, những thắc mắc… nhưng bất kể những điều đó, với riêng mình, bộ phim đã đi một hành trình giống như giấc mơ vậy.
Một giấc mơ ngọt ngào, khi chúng mình, một tập thể làm phim, đã nhận được lời hồi đáp của khán giả, một cách nhiệt thành, ấm áp, xúc động. Chúng mình đã được sống cảm giác khi bộ phim của chúng mình, những câu chuyện và nhân vật của chúng mình, đi vào đời sống, đi vào câu chuyện của mọi người một cách tự nhiên; những biến cố nhân vật trở thành mối quan tâm chung để bàn tán, và khi nước mắt của nhân vật rơi xuống, đủ làm một khoảng lặng, đủ tạo nên một nỗi đau lòng”.
Nữ biên kịch cũng cho biết, với riêng chị, đây là dự án mà khi viết chị nhiều lần khóc nhất. Nhưng mình còn khóc nhiều hơn khi xem phim, được thấy những nhân vật tái hiện những buồn vui câu chữ lên hình ảnh. Bởi nó quá chân thực, sinh động… Có những hôm lên cơ quan, nhìn nhau thấy mắt đỏ hoe là chị biết họ vừa ngồi xem lại tập đã bỏ lỡ.
“Trong quan điểm nghề nghiệp của mình, nước mắt không phải là thước đo thành công của bộ phim. Nhưng mình tin là ở bộ phim có thể khiến giả vừa cười vừa khóc, vừa ấm ức, vừa băn khoăn, vừa tranh cãi, vừa bênh vực…
Thậm chí, cả sự thất vọng và chất vấn. Là một bộ phim đã đến gần với cảm xúc khán giả nhiều nhất. Và là một thành viên trong ê-kíp của đoàn phim, thực sự, mình đã rất xúc động và có phần tự hào vì đã góp phần làm nên điều đó. Mình biết, đây có lẽ là cơ may mà có thể trong cuộc đời nghề nghiệp của mình, thật khó để có thêm lần nữa…”, Nguyễn Thuỷ nói.
Nữ biên kịch kể, kỷ niệm lúc ngồi làm kịch bản nhiều không kể hết. Nhưng chị vẫn luôn nhớ cái cảm giác tha thiết khi ngồi một góc sân khấu trường Đại học Thương Mại nhìn cả đoàn làm phim hát vang ca khúc chủ đề, nhìn các nhân vật yêu thương nhau mà cay khóe mắt.
Chị nhớ cả cảm giác ngồi phòng dựng cùng mọi người gắp những hình ảnh cuối cùng của phim, bồi hồi đến mức phải nhìn ra ngoài cửa sổ vì nếu không sẽ khóc. Nhớ cả cảm giác hồi hộp âu lo hôm họp báo và nhớ cảnh 4 chị em nhóm cụng bia nhau ở quán lẩu, cùng đón xem tập đầu tiên… Nhớ cả ông anh thân thiết, có ngày bảo này anh đang vui, thế rồi xem một đoạn ngắn mà lăn đùng ra khóc…
“Về nhà đi con” đã có những khán giả đặc biệt như thế, là những đấng mày râu không mấy khi kiên nhẫn trước màn hình tivi, là những người từng quay lưng với phim Việt Nam, những người từng ghét phim gia đình, những người từng muốn xem để chê cho vài hiệp nhưng rồi lỡ xem rồi thì đành xem nốt để mắng cho một thể…
Sau tối nay, hành trình chính thức của phim khép lại. Những luyến tiếc, xúc động rồi sẽ lại nhường cho những áp lực của dự án mới và những câu chuyện mới.
Nhưng mình tin là sau này, nhớ về những ngày tháng cùng vật lộn với câu chuyện, với áp lực thời gian và tiến độ, nhớ hơn 4 tháng ròng phim phát sóng và nhận lại bao nhiêu yêu thương thì đó cũng sẽ là một hồi ức đẹp đẽ, một nốt son trong chặng đường làm nghề của chúng mình…”, nữ biên kịch xúc động.
Hà Tùng Long
Nguồn tin: http://dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn