Án được tuyên từ Ban kỷ luật VFF vô lý ở chỗ không thể đánh đồng những kẻ quá khích, gây rối với những CĐV chân chính, mà đã là CĐV chân chính thì họ hoàn toàn có thể đến sân, có quyền được đến sân xem bóng đá.
Cũng rất khó mà phân biệt đâu là CĐV đến từ Hải Phòng với những người yêu bóng đá Hải Phòng, người hâm mộ bóng đá Hải Phòng thông thường. Đặt trường hợp một người ở địa phương khác, nhưng hâm mộ đội bóng của HLV Trương Việt Hoàng, hoặc ngay cả người nước ngoài mê đội Hải Phòng và muốn vào sân xem đội bóng đất Cảng thi đấu thì sao? Ban kỷ luật VFF cấm là cấm như thế nào?
Như chúng tôi từng phân tích, chúng ta không cổ vũ cho các CĐV quá khích, gây rối trên các khán đài, nhưng việc để cho những quả pháo sáng lọt được vào bên trong sân, rồi được đốt lên và ném đi thì không thể bỏ qua trách nhiệm của BTC sân và của cả BTC giải, trong đó bao gồm cả khâu kỷ luật của giải đấu.
Đã là án kỷ luật thì phải rõ địa chỉ và phải rõ đối tượng. Hiện tượng một vài CĐV quá khích Hải Phòng đốt pháo sáng và gây rối là hiện tượng vắt qua nhiều năm, chứ không phải mới xảy ra lần đầu, nhưng khâu kỷ luật và khâu tổ chức vẫn không rút ra bất kỳ một kinh nghiệm nào từ những lần pháo sáng nổi lên trước đó.
Ví dụ như lên danh sách những CĐV ưa gây rối, chuyên đốt pháo sáng và dán công khai ở các cửa sân bóng, từ đó từ chối để những kẻ ưa gây rối này vào sân vĩnh viễn, như cách chống hooligan của các nền bóng đá phát triển trên thế giới, có khi sẽ hiệu quả hơn.
Riêng một án phạt chung chung như án phạt cấm CĐV Hải Phòng đến sân đối phương khác nào đánh đố? Khác nào đánh đồng những kẻ quá khích với người hâm mộ chân chính? Và khác nào đẩy quả bóng trách nhiệm sang các BTC địa phương?
Thấy rõ là ngay vòng 16, vòng đấu đầu tiên án phạt cấm CĐV Hải Phòng đến sân đối phương từ Ban kỷ luật VFF có hiệu lực, BTC sân Cần Thơ gặp ngay lúng túng vì không thể thắng nhóm CĐV của đội khách về mặt câu chữ vốn được thể hiện trong biên bản lệnh cấm của Ban kỷ luật (một lệnh cấm chung chung như vậy không bị bắt bẻ về mặt câu chữ mới là chuyện lạ!).
Bóng đá Việt Nam nói chung, giải V-League nói riêng suy yếu cũng vì chỗ đấy. Suy yếu từ chỗ người ta hay đá quả bóng trách nhiệm đến nơi khác, khi gặp vấn đề khó giải quyết, thậm chí đá trách nhiệm sang… tập thể, mà quên mất nguyên tắc người đứng đầu phải là người chịu trách nhiệm đầu tiên và cao nhất khi xảy ra sự cố.
Nếu giải đấu đã không còn mấy sức hút, các án phạt không còn hiệu quả trong việc chấn chỉnh kỷ cương V-League, thì đã đến lúc phải thẳng thắn với nhau chuyện giải cần một ban quản lý khác, thậm chí cần một bộ máy điều hành khác làm việc hiệu quả hơn cho V-League, cũng là cho sự phát triển của bóng đá Việt Nam!
Tác giả: Kim Điền
Nguồn tin: http://dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn