Bàn về các phương án “chữa cháy” cho V-League, thi đấu tiếp trong giai đoạn tiếp theo, VFF và VPF có nhắc đế phương án thi đấu tập trung ở một hay một vài địa điểm, thay vì đá theo thể thức sân nhà – sân đối phương, dưới dạng “league” như hiện nay.
Lý do được đưa ra là giúp các đội bóng hạn chế được việc di chuyển, thay vì phải di chuyển xa bằng máy bay, chỉ cần di chuyển bằng xe đến một số địa điểm nhất định, tránh được phần nào việc lây nhiễm virus Corona.
Tuy nhiên, tránh được một phần không có nghĩa là tránh được hoàn toàn, nguy cơ dù nhỏ vẫn là nguy cơ.
Còn về mặt chuyên môn, chuyện giải vô địch bóng đá quốc gia thi đấu tập trung là đi… ngược lại tiến trình phát triển của bóng đá chuyên nghiệp.
Thật ra thì việc thi đấu tập trung ở các địa điểm nhất định là việc mà bóng đá nội từng thực hiện cách nay những… 20–30 năm trước, với thể thức đá VCK giải vô địch quốc gia ở các sân trung lập.
Phương thức tổ chức này dĩ nhiên tạo ra khá nhiều bất cập, khi bóng đá không đến được với đại chúng, bởi người hâm mộ ở địa phương có đội bóng tham dự giải không thể trực tiếp xem đội của mình thi đấu.
Vì bất cập nên cả thế giới đều hướng giải vô địch quốc gia của họ đến thể thức “league”, trên sân nhà và sân đối phương, trước khi bóng đá Việt Nam trên đường tiến lên chuyên nghiệp cũng học theo thế giới, đó là đá trên sân nhà và sân đối phương.
Vả lại, với riêng bóng đá Việt Nam, chuyện thi đấu tập trung, còn nguy hiểm ở chỗ, các trận đấu càng hạn chế người theo dõi, càng hạn chế thông tin, thì càng dễ xảy ra tiêu cự, dàn xếp. Trước đây, chính chúng ta từng dính nhiều bê bối tiêu cực như thế trong quá khứ, nên mới quyết tâm đưa giải về từng sân của từng đội bóng thuộc các địa phương, để người hâm mộ địa phương trực tiếp “giám sát” đội bóng của mình.
Giờ, lẽ nào chúng ta quay lại với cách tổ chức ngỡ đâu đã lạc hậu những vài ba thập niên, để tạo môi trường cho mầm mống tiêu cực có thể nẩy nở?
Dĩ nhiên, V-League cần tiếp tục, để cầu thủ có sân chơi và để các tuyển thủ quốc gia được duy trì phong độ, từ đó đóng góp cho đội tuyển quốc gia.
Vấn đề chỉ là thời điểm. Riêng nói chuyện đội tuyển quốc gia làm nhiệm vụ ở các giải quốc tế, cả thế giới bóng đá nói chung giờ dời lịch, lùi lịch và hoãn thi đấu hết cả rồi. Bóng đá Việt Nam vì thế chẳng có gì phải vội, vì có vội cũng chưa biết ngày nào vòng loại World Cup bắt đầu lại? chưa biết ngày nào bóng đá quốc tế mới trở lại guồng quay như bình thường? (Tức là chúng ta có tập trung đội tuyển sớm, muốn đá cũng chẳng biết đá với ai!).
Thành ra V-League cũng không có gì phải vội, phải kiểm soát hoàn toàn dịch Covid-19 rồi hẳn trở lại. Chứ dịch bệnh chưa được kiểm soát, thì đá theo phương thức nào, rải rác hay tập trung, di chuyển xa hay gần, vẫn cứ là nguy cơ, đi ngược lại khuyến cáo của các cơ quan chức năng và ngành y tế, đi ngược lại thông điệp của FIFA, của AFC, là “nên làm việc tại nhà”.
Các giải vô địch quốc gia tại châu Âu, cũng từng tính nát nước, từng dự kiến đá rút gọn, đá không khán giả, nhưng cuối cùng vẫn buộc phải hoãn vô thời hạn, vì tổ chức kiểu gì cũng không ổn.
Vì như đã nói, nguy cơ dù nhỏ vẫn cứ là nguy cơ. Cho dù, BTC các giải chuyên nghiệp tại châu Âu, tại Nhật, Hàn Quốc… và bản thân các CLB chuyên nghiệp ở từng quốc gia thừa biết giải hoãn càng lâu thì tổn thất về kinh tế với họ càng lớn, lớn hơn gấp nhiều lần so với tổn thất ở V-League. Họ biết hết, nhưng họ không thể làm khác, vì liên quan đến sức khoẻ, thậm chí là tính mạng của các VĐV và các lực lượng làm nhiệm vụ mà!
Cựu HLV Nguyễn Thành Vinh, dưới góc nhìn của một người hiểu bóng đá và quan tâm đến sức khoẻ của các cầu thủ, trần tình: “Tôi nghĩ V-League hoãn sẽ tạo ra nhiều hệ luỵ, nhưng cũng phải theo thực tế tình hình dịch bệnh Covid-19. Các bên phải tính đến phương án xấu nhất để có sự chuẩn bị. Sức khoẻ của các cầu thủ, của cộng đồng cần được đặt lên hàng đầu. Có ai khẳng định đến thời điểm nào sẽ khống chế được dịch bệnh hay không?”.
Thiện Nhân
Nguồn tin: http://dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn