Theo thống kê của báo nước ngoài, U23 Việt Nam chỉ cầm bóng 28% trong trận đấu với U23 Hàn Quốc, 24% trước Australia, 41% trước Syria, 46% trước Iraq và 36% trước Qatar.
Tức là, ngoại trừ trận đấu với Iraq có vẻ hơi cân bằng về tỷ lệ cầm bóng giữa đôi bên (46% của U23 Việt Nam và 54% của Iraq), ở tất cả các trận còn lại, đội bóng của HLV Park Hang Seo đều bị áp đảo về thời lượng kiểm soát bóng.
Ấy vậy mà chúng ta chỉ thua 1 trận duy nhất kể từ đầu giải, đấy là thất bại 1-2 trước đương kim Á quân Hàn Quốc. Và đấy cũng chỉ là thất bại sát nút.
Cá biệt có trận đấu với U23 Australia, ở lượt trận thứ 2 tại vòng bảng, đội bóng của HLV Park Hang Seo chỉ cầm bóng 24% trong suốt 90 phút, chỉ bằng 1/3 thời lượng kiểm soát bóng của đối phương (24% so với 76%). Nhưng U23 Việt Nam mới là đội chiến thắng.
Tức là tỷ lệ kiểm soát bóng không hề tỷ lệ thuận với số điểm mà U23 Việt Nam giành được trong từng trận so với các đối thủ mà chúng ta đã gặp. Thậm chí, dù đối phương giữ bóng nhiều, nhưng thực tế chính U23 Việt Nam mới là đội nắm giữ thế trận.
Cụ thể là đoàn quân của HLV Park Hang Seo buộc các đội gồm Australia, Syria, Iraq và Qatar chơi theo cách của U23 Việt Nam, chứ họ không thể triển khai lối đá nhanh theo những gì họ muốn, để thông qua lối chơi nhanh vắt kiệt sức các cầu thủ U23 Việt Nam.
Nếu nhìn vào hiệu số bàn thắng bại, cũng khó tưởng tượng rằng có đội nào lọt vào tới tận chung kết của một giải đấu tầm châu lục lại có hiệu số bàn thắng bại như U23 Việt Nam.
Đội bóng của HLV Park Hang Seo ghi được 7 bàn sau 5 trận đã qua, đồng thời cũng để thủng lưới đúng… 7 bàn, hiệu số bàn thắng bại đúng bằng 0. Trong số 7 bàn thắng của U23 Việt Nam từ đầu giải đến giờ, riêng Quang Hải đã đóng góp đến quá nửa: 4 bàn.
Nếu đem thông số này để so với hiệu số bàn thắng bại của đối thủ mà chúng ta đụng độ trong trận chung kết là U23 Uzbekistan, đội bóng của HLV Park Hang Seo cũng kém xa. Đội bóng vùng Trung Á đã ghi được 10 bàn, chỉ để thủng lưới 2 bàn sau 5 trận đấu, hiệu số bàn thắng bại là +8.
Về số trận thắng (tính trong 90 phút của giờ thi đấu chính thức), U23 Việt Nam chỉ thắng 1 trận trong suốt giải (thắng Australia 1-0 ở vòng bảng), trong khi số trận thắng của Uzbekistan là 3 (đội này thua 1 trận trước Qatar ở vòng bảng, và hoà Hàn Quốc 1-1 sau 90 phút chính thức của trận bán kết, sau đó mới thắng chung cuộc 4-1 ở hiệp phụ).
Tuy nhiên, rốt cuộc kết quả vẫn là quan trọng nhất. U23 Việt Nam vẫn vào chung kết dù chỉ thắng đúng 1/5 trận như đã nêu trên.
Cái hay của HLV Park Hang Seo nằm ở chỗ ông tận dụng rất tốt thể thức của giai đoạn knock-out để đưa U23 Việt Nam tiến xa nhất có thể: Không cần thắng trong giờ thi đấu chính thức vẫn vượt qua hết ải này đến ải khác.
Từ đó, U23 Việt Nam sở hữu 2 thông số áp đảo các đối thủ còn lại. Đầu tiên, chúng ta là đội duy nhất toàn thắng cả 2 lần khi trận đấu buộc phải kéo dài nhiều hơn 90 phút (Uzbekistan chỉ có 1 lần làm được điều này, đó là thắng Hàn Quốc ở bán kết). Thứ nhì, thủ môn Tiến Dũng của U23 Việt Nam là thủ môn cản được nhiều quả sút luân lưu nhất giải năm nay, tính cho đến trước trận chung kết.
Tiến Dũng đã cản được 3 quả đá luân lưu (1 quả trong trận đấu với Iraq, 2 quả trong trận bán kết gặp Qatar), bỏ xa người tạm xếp nhì là thủ môn Yousef Hassan (Qatar), người cản phá quả đá của Quang Hải trong trận bán kết U23 Việt Nam – U23 Qatar.
Riêng trong trận đấu cuối cùng của giải gặp U23 Uzbekistan, U23 Việt Nam vẫn có thể tiếp tục không cần giữ bóng nhiều hơn đối thủ, thậm chí không thắng trong giờ thi đấu chính thức, nhưng vẫn vô địch, nếu như phát huy được khả năng giải quyết các trận đấu tính từ hiệp phụ trở đi.
Tác giả: Thiện Nhân
Nguồn tin: http://dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn